08/05/2018 10:42 GMT+7

Lương phải là... lương

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Không ít cán bộ, công chức, viên chức kêu "không sống được bằng lương", nhưng thực tế cuộc sống của họ vẫn đảm bảo. Tại sao vậy?

Lương phải là... lương - Ảnh 1.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng vì ở ta lương và thu nhập khác nhau rất nhiều. Ta hay nói "lương lậu", "lương bổng", "lương thưởng" nhưng các loại "lậu", "bổng", "thưởng" ấy lại khiến nhiều người sống khỏe.

Câu chuyện tiền lương đã được bàn thảo nhiều lần ở nhiều cấp. Đề án cải cách tiền lương được bàn tại Hội nghị Trung ương 7 dấy lên hi vọng vấn đề tiền lương, phụ cấp sẽ rõ ràng hơn, cán bộ công chức sẽ sống thực sự bằng tiền lương của mình.

"Với cách tính lương hiện nay, đa số người lao động rất khó hiểu vì phải lấy lương cơ sở nhân với hệ số, nhân với phụ cấp nhiều loại khác nhau. 

Còn theo đề án cải cách tiền lương thì sẽ chuyển sang cách tính giá trị tuyệt đối, nghĩa là lương bao nhiêu là biết bấy nhiêu, không phải nhân hệ số" - ông Huân giải thích.

Đề án lần này quy định tiền lương trả cho người lao động sẽ gồm phần cứng chiếm ít nhất 70% mức tổng thu nhập của người lao động. 

Còn tiền phụ cấp như trước đây với 20 loại nay còn 5 loại và chỉ chiếm 30% để người lao động thấy rằng tiền lương đích thực là tiền lương. Tiền lương này được trả theo số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc.

Một chuyên gia từng giữ chức vụ cao tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng nếu nhìn vào thống kê thì đúng là tiền lương quá thấp, nhưng tổng thu nhập của một công chức, viên chức vẫn cao vì họ có quá nhiều loại phụ cấp. 

Tiền lương thực tế có khi chỉ chiếm 50%, còn lại 50% là từ các loại phụ cấp. 

Vị chuyên gia này cũng hi vọng với việc đề án thiết kế thu gọn các nhóm phụ cấp, chuyển nhiều loại phụ cấp vào vị trí việc làm, đưa tiền lương về tính giá trị tuyệt đối của tiền lương (không tính theo ngạch, bậc, thang bảng lương như hiện nay) thì sẽ giải được bài toán "lương là... lương".

Nhưng vấn đề là lấy nguồn ở đâu để trả lương? Khi mà chiếc bánh ngân sách có hạn thì số người hưởng lương buộc phải giảm xuống. 

Càng ít người, mỗi phần bánh càng to hơn, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển thay vì nuôi bộ máy. 

Ông Phạm Minh Huân đặt câu hỏi: "Chúng ta cũng có những nghị quyết như tinh giản biên chế 10% nhưng liệu đã làm được chưa? Đề án này sẽ thực hiện vào năm 2021, tức là sang nhiệm kỳ tới. Trung ương phải xác định khóa này sẽ làm những gì. Chứ nay bàn mà đến khóa sau mới thực hiện thì tôi cũng chưa biết khi đó có quyết tâm không?".

Rất đúng. Phải quyết tâm. Nếu không, đề án dù có hay đến mấy cũng không thể khả thi và không thể sớm kết thúc câu chuyện "lương bổng, lương lậu, lương thưởng"...!

Tiền lương phải là thu nhập chính và đủ sống Tiền lương phải là thu nhập chính và đủ sống

TTO - Tiền lương phải là thu nhập chính và phải bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Đây là quan điểm của đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ được Hội nghị Trung ương 7, khóa XII bàn thảo trong tuần này.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên