Đầu năm 2023, khi ChatGPT 'làm mưa làm gió' trên thế giới, nhiều bài viết trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam đã nhắc đến cái tên Lê Viết Quốc như là một trong những người đứng sau mô hình nền tảng cho sự ra đời của ChatGPT.
Lê Viết Quốc là nhà khoa học đang làm việc tại Google, được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI). Mới đây, anh dành cho Tuổi Trẻ một cuộc đối thoại.
Cuộc đua chỉ mới bắt đầu
* Từ nửa kia bán cầu, anh có biết mình "bỗng dưng" được bàn tán rất nhiều thời gian qua không?
- Tôi không để ý lắm đâu (cười). Năm 2014, tôi cùng các đồng nghiệp đề xuất mô hình seq2seq. Đầu vào (input) của bài toán là một chuỗi, và đầu ra (output) cũng là một chuỗi. Ứng dụng đầu tiên được dùng cho công nghệ dịch tự động (machine translation).
Seq2seq có thể được xem là mô hình tổng quát và là nền tảng, từ đó các đồng nghiệp của tôi tiếp đến mô hình Transformer được sử dụng cho ChatGPT hiện tại.
Tuy nhiên, tôi không phải là người đầu tiên phát hiện ra thuật toán Transformer, mà đó là công trình của các nhóm chuyên gia khác của Google.
* Là chuyên gia về AI, anh có thấy ChatGPT như một cột mốc lớn không?
- Tôi bắt đầu nghiên cứu AI từ 20 năm trước, dù vậy lúc đó nếu được nghe về một khái niệm như ChatGPT, tôi cũng không thể tin được. Đến cách đây khoảng 5 năm, phần lớn các thuật toán trong AI chỉ giải quyết được 1-2 vấn đề. Trong khi đó, ChatGPT có thể tự mình giải quyết được rất nhiều vấn đề, trả lời nhiều câu hỏi thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Khi ChatGPT ra mắt, điều làm những người trong nghề như chúng tôi bất ngờ hơn là sự đón nhận rất nồng nhiệt của người dùng trên thế giới. Họ dùng ChatGPT để tìm hiểu thông tin, tổng hợp dữ liệu, dịch thuật, học tập, viết thư…
Khả năng giải quyết các vấn đề một cách chính xác của ChatGPT vô cùng ấn tượng. Với tôi, ChatGPT thật sự là một cột mốc lớn.
* Không lâu sau khi ChatGPT trình làng, Google cho ra mắt một chatbot tương tự có tên là Bard. Phải thừa nhận rằng người dùng biết đến ChatGPT nhiều hơn Bard. Phải chăng Bard của Google đang chịu thất thế?
- Năm qua, tôi dẫn đầu một trong nhiều đội nghiên cứu chính của Google để làm Bard. Đội của chúng tôi tập trung vào mô hình ngôn ngữ cho Bard, phát triển từ mô hình laMDA trước đây. Thời điểm tung Bard muộn hơn so với đối thủ ChatGPT cũng nhận được những sự tranh cãi từ những người trong Google.
Tuy nhiên, Google là một doanh nghiệp rất lớn. Những công nghệ mới như Bard sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề hơn bắt buộc phải tuân thủ như luật pháp ở các quốc gia sở tại hoặc đảm bảo tính an toàn, an ninh cho người dùng. Đó không chỉ là trách nhiệm trước pháp luật, mà còn là trách nhiệm xã hội.
Do vậy mà trong giai đoạn đầu, Bard đã chậm hơn. Nhưng đây là một cuộc đua dài. Còn nhớ những trình duyệt web phổ biến trước đây là Netscape, Internet Explorer… nhưng nay phần lớn người dùng chọn Google Chrome. Với các máy tìm kiếm, Google cũng không chiếm ưu thế ngay lúc đầu, nhưng hiện Google được sử dụng nhiều nhất.
Tận dụng nguồn chất xám Việt
* Nhiều bạn đọc rất tò mò về một ngày làm việc của chuyên gia hàng đầu như anh trong "bộ não" của Google?
- Thông thường mỗi tuần tôi dành ra hai ngày để làm các công việc chuyên môn, là thời gian dành cho tự nghiên cứu. Tôi sẽ tìm những tài liệu mình muốn đọc và tìm hiểu sâu, hoặc xem các đoạn code của đồng nghiệp, suy nghĩ về những ý tưởng mới.
Ba ngày còn lại là những buổi gặp gỡ, họp hành với cộng sự, đối tác đang cùng triển khai những dự án. Ở vai trò quản lý, tôi cũng thường dành một ngày gặp gỡ 1-1 với các thành viên trong đội để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất.
* Bận rộn là vậy nhưng anh vẫn thường dành thời gian cho những buổi nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động giáo dục, vì sao thế?
- Tôi thấy mình chưa có nhiều đóng góp bằng các anh chị khác. Cùng trong Hội đồng tín thác của ĐH Fulbright Việt Nam với tôi có GS Thomas Valley, GS Ngô Bảo Châu hay bà Đàm Bích Thủy… Họ đều là những người dành rất nhiều tâm huyết cho giáo dục. Tôi nghĩ bản thân mình còn có thể làm được nhiều hơn.
Về phía mình, tôi rời Việt Nam khi còn rất trẻ. Lúc lên đường xa quê, tôi nghĩ sớm thôi mình trở về Việt Nam. Rồi trên con đường nghiên cứu, hoài bão về nghiên cứu công nghệ khiến tôi tạm gác lại ngày trở về quê hương.
Nhưng Việt Nam luôn trong tim tôi. Trong những giấc ngủ mơ, tôi vẫn thường mơ thấy Việt Nam, mơ thấy Huế, thấy đồng quê, thấy Trường Quốc học… Những hoạt động về giáo dục như một sự gắn kết giữa tôi và quê hương. Mỗi khi có cơ hội, tôi đều dành thời gian nói chuyện với các bạn trẻ trực tiếp hoặc trực tuyến.
* Các chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam không ít, đặc biệt là những bộ óc đang làm việc tại nước ngoài. Theo anh, làm thế nào để tận dụng được nguồn tài nguyên chất xám này để Việt Nam có thể phát triển AI?
- AI là cuộc cách mạng, đôi khi sẽ còn lớn hơn sự ra đời của Internet. ChatGPT chỉ là bước khởi đầu.
Cuộc cách mạng AI sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam nếu biết tận dụng, hệt như cơ hội cho Đài Loan trong ngành chip bán dẫn hay Hàn Quốc trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Dĩ nhiên không hề dễ dàng.
Trước mắt là bài toán về tài chính, đòi hỏi Việt Nam cần một chiến lược đầu tư khôn ngoan. Có thể tập trung vào một lĩnh vực cụ thể trong AI và làm tốt nhất, chẳng hạn như AI cho giao thông, cho y tế… Các nghiên cứu sẽ được đưa vào ứng dụng có thể thương mại hóa, và nguồn doanh thu lại được dùng để nuôi các nghiên cứu.
Tận dụng được nguồn chất xám Việt là một phần trong chiến lược phát triển AI này. Tại những cuộc hội nghị lớn về công nghệ thông tin, ngoài các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tôi nhận thấy Việt Nam đóng góp rất nhiều chuyên gia công nghệ thông tin.
So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, các chuyên gia công nghệ thông tin Việt Nam thường được đánh giá cao hơn.
Tìm kiếm cái mới
* Công việc của một nhà khoa học mang tới cho cuộc sống của anh những niềm vui và áp lực nào?
- Niềm vui với tôi là được học hỏi. Từ nhỏ, tôi đã rất thích học. Công việc nghiên cứu với tôi cũng như đi học, phải luôn suy nghĩ những cái mới. Về điểm này, nghề báo của anh và nghề nghiên cứu của tôi cũng có điểm tựa tựa nhau đấy (cười). Nhà báo như một người nghiên cứu về xã hội, còn nhà nghiên cứu như tôi tìm hiểu về các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tất cả đều tìm kiếm những cái mới.
Nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới
Năm 2014, Lê Viết Quốc được tạp chí Technology Review của MIT vinh danh là một trong những nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới. Nghiên cứu của anh cũng nhận được hàng loạt giải thưởng tại các hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo và được giới thiệu trên New York Times.
Lê Viết Quốc có bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại ĐH Stanford (Mỹ) và bằng cử nhân kỹ sư phần mềm hạng ưu tại ĐH Quốc gia Úc. Anh là một học sinh xuất sắc của Trường Quốc học Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận