Google cũng "sợ bỏ lỡ" như ai

TỊNH ANH 24/05/2023 06:56 GMT+7

TTCT - Chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) cuộc vui náo nhiệt trí tuệ nhân tạo (AI)

CEO Google Sundar Pichai và thông điệp "Để AI hữu dụng với tất thảy mọi người" tại sự kiện I/O. Ảnh chụp màn hình

CEO Google Sundar Pichai và thông điệp "Để AI hữu dụng với tất thảy mọi người" tại sự kiện I/O. Ảnh chụp màn hình

Chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) cuộc vui náo nhiệt trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến Google phải từ bỏ sự thận trọng vốn có với lĩnh vực này. Nhưng liệu có cái giá nào phải trả? Hay với vị thế của một gã khổng lồ, công ty nắm trong tay hàng loạt công cụ quen dùng với nhiều tỉ người khắp thế giới này có thể đi sau mà về trước?

Khi ChatGPT của OpenAI xuất hiện và nhanh chóng đạt mốc 100 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng, giới quan sát bắt đầu đặt câu hỏi liệu Google có lãng phí vị trí dẫn đầu trong việc phát triển AI mà họ nắm giữ trước giờ hay không. Những gì công ty này công bố tại hội nghị các nhà phát triển Google I/O hôm 10-5 cho thấy họ đã có cách bù lại khoảng thời gian nhường sân chơi cho OpenAI.

Theo tạp chí MIT Technology Review, sự kiện thường niên năm nay lẽ ra phải gọi là "Google AI" mới đúng, bởi sau thời gian dài "nín nhịn", Google đã "mở đập xả lũ": từ đây đến cuối năm, hàng loạt sản phẩm từ Gmail, tìm kiếm, bản đồ đến bộ công cụ văn phòng (Docs, Sheets, Slides…) sẽ được tích hợp mô hình xử lý ngôn ngữ AI mới nhất của Google, PaLM 2. 

Điều này có nghĩa, hàng tỉ người dùng các công cụ quen thuộc này sẽ được AI kiểu ChatGPT giúp sức trong các tác vụ thường ngày, đôi khi ngán ngẩm - chẳng hạn mở Google Docs và ra lệnh "Viết mô tả công việc", AI sẽ làm phần còn lại - tạo mẫu văn bản mà người dùng có thể tùy chỉnh.

"Khả năng của [các mô hình ngôn ngữ AI] đang trở nên tốt hơn. Chúng tôi đang tìm kiếm thêm cách để tích hợp chúng vào nhiều sản phẩm hơn và tìm kiếm những cơ hội thực sự để mang đến giá trị cho người dùng theo cách táo bạo nhưng có trách nhiệm" - Zoubin Ghahramani, phó chủ tịch DeepMind, phòng nghiên cứu AI của Google, nói với MIT Technology Review.

Ghahramani nói đây là thời của Google khi có thể mang AI đến với những công cụ mà ai cũng đã quá quen dùng. Quả vậy, việc Google "nhồi" AI vào các sản phẩm có sẵn có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, giúp Google đi sau về trước. 

"Một điều đang trở nên rõ ràng về tương lai gần của AI: chỉ riêng công nghệ là không đủ để thiết lập lại hoàn toàn bối cảnh cạnh tranh. Những tay chơi đã có chỗ đứng sẽ có thể củng cố vị thế của mình chỉ bằng cách đưa tính năng mới vào sản phẩm sẵn có, và việc khiến người dùng chuyển đổi nền tảng rõ ràng khó hơn nhiều người hình dung" - cây bút công nghệ Casey Newton viết cho The Verge.

Google cũng "sợ bỏ lỡ" như ai - Ảnh 2.

Phải thừa nhận thực tế: chúng ta tò mò với công nghệ mới, nhưng bắt phải làm quen với một trang mới hay cài app mới thì sẽ thấy nản ngay. Thử nhìn lại cơn sốt ChatGPT sẽ thấy: muốn hết "FOMO" thì phải tìm cách có tài khoản, có rồi thì cần gì lại phải mở trình duyệt web lên, vào đúng địa chỉ. 

Và đây mới là phần quan trọng: có thể bạn đã nhờ ChatGPT viết đủ thứ - từ đơn xin việc đến email từ chối đề nghị sao không cho đối phương tổn thương, và xong văn bản nào thì phải sao chép rồi dán vào nơi thích hợp (khung soạn email, file Word hay Google Docs). Trong khi đó, với những hứa hẹn ở I/O vừa rồi, Google mở ra tương lai nội dung do AI tạo ra sẽ nằm sẵn trong ứng dụng cuối cùng mà người dùng cần chúng - Gmail tự soạn nội dung, lập danh sách từ file Google Sheets đính kèm. Nói đơn giản là ai cũng có thể dùng AI mà ít tốn công "copy & paste" hơn.

Theo Newton, ChatGPT, với sự mới mẻ và khả năng gây sốt của nó, có thể là ngoại lệ, còn thì hầu hết người dùng đang chờ AI biến thành các sản phẩm và dịch vụ hữu ích - lý tưởng nhất là các sản phẩm và dịch vụ mà họ đang sử dụng. 

Lợi thế này đúng là chỉ có Google có được. Microsoft đã đi trước khi đưa công nghệ của OpenAI vào trang tìm kiếm Bing, nhưng cần nhớ thị phần của Bing và Google Search là một trời một vực: 8,23% so với 85,53%, chỉ tính riêng thị phần tìm kiếm trên desktop (Statista, 3-2023).

Từ khi OpenAI xuất hiện và làm náo loạn cuộc chơi, Google đã có vài tháng cân nhắc nên tiếp tục nghiên cứu và kiểm nghiệm kỹ càng sản phẩm AI trước khi tung ra thị trường hay mau chóng công bố ngay sản phẩm mới, thú vị. Sự kiện I/O 2023 cho thấy hãng đã chọn gì, và đây rõ ràng là lựa chọn đánh đổi.

Tương lai mọi người dùng AI mà không biết/để ý đó là AI - vì họ vẫn thao tác với khung soạn email hay trang mới trên Google Docs như mọi ngày - là kịch bản lạc quan nhất. Trước mắt, Google cần cho thấy họ sẽ giải quyết vấn đề chung của cả ngành - các mô hình ngôn ngữ có xu hướng đưa ra thông tin chế cháo, sai bét nhè - như thế nào.

Google từng thận trọng với các mô hình trước, chẳng hạn BERT, bằng cách công bố mã nguồn mở và mời cộng đồng tham gia tinh chỉnh, giám sát. "Nhưng áp lực từ thị trường và từ OpenAI đã làm thay đổi mọi thứ" - Sasha Luccioni, nhà nghiên cứu tại start-up AI Hugging Face, nói với MIT Technology Review. Google đã không thể cưỡng lại "FOMO", và điều này vừa đáng tiếc vừa đáng lo.

Tháng 3-2023, Microsoft công bố dự án thử nghiệm Microsoft 365 Copilot - nhúng AI tạo sinh vào bộ sản phẩm quen thuộc Word, Excel, PowerPoint, Outlook và Teams. Theo đó, trợ lý AI kết hợp mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dựa trên công nghệ ChatGPT của OpenAI, sẽ giúp người dùng tự động hóa hoặc tăng tốc một số công việc thường ngày của họ như viết bản nháp trên Word để người dùng chỉnh sửa hoặc trả lời mail trên Outlook.

Hiện chỉ mới 20 khách hàng doanh nghiệp được thử nghiệm bộ phần mềm mới này. Nhiều người dùng chắc chắn sẽ được tiếp cận với Microsoft 365 Copilot, song hãng chưa nói rõ có tính thêm phí hay không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận