17/03/2022 06:00 GMT+7

Cách ly tập trung F0 có còn cần thiết?

ĐOÀN CÔNG THIỆN  (Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang)
ĐOÀN CÔNG THIỆN (Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang)

TTO - Điều kiện thực tế cho thấy cần bỏ qua khâu cách ly tập trung, cho phép tất cả F0 được điều trị tại nhà, trường hợp trở nặng thì đưa thẳng tới bệnh viện để được điều trị và chăm sóc tốt nhất.

Cách ly tập trung F0 có còn cần thiết? - Ảnh 1.

Khu cách ly tập trung F0 ở TP Rạch Giá không đảm bảo được điều kiện chăm sóc sức khỏe người bệnh - Ảnh: ĐOÀN CÔNG THIỆN

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 604/QĐ-BYT ngày 14-3-2022 về hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0), trong đó đã nới lỏng hơn các quy định bắt buộc, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chăm sóc người bệnh.

Hầu hết F0 được cách ly tại nhà

Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, F0 được cách ly tại nhà nếu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất khứu giác, mất vị giác; nhịp thở bình thường theo tuổi, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, không có dấu hiệu khó thở, không suy hô hấp; không mắc bệnh nền hoặc mắc bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định. 

Ngoài ra, F0 đã được cơ sở khám chữa bệnh điều trị chưa đạt tiêu chuẩn khỏi COVID-19 nhưng đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì cũng được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc.

Mặt khác, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 được cách ly tại nhà nếu có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…) và theo dõi tình trạng sức khỏe. Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế và sẵn có các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính… để được nhân viên y tế hướng dẫn và xử trí khi có tình trạng cấp cứu. 

Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí này.

Đáng chú ý, hướng dẫn mới của Bộ Y tế không còn bắt buộc F0 phải cách ly "cửa đóng then cài" trong phòng mà có thể được ra khỏi phòng riêng (miễn không ra khỏi nhà), chỉ cần khi ra khỏi phòng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với những người khác.

Như vậy, với quy định mới của Bộ Y tế và căn cứ thực tiễn số liệu báo cáo mà các cơ quan chức năng đã công bố, hầu hết F0 được cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp có bệnh nền chưa điều trị ổn định và có triệu chứng nặng thì mới phải cách ly điều trị tại cơ sở y tế.

Cách ly tập trung F0 không còn phù hợp

Công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được Chính phủ, ngành y tế đề ra nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật thích ứng theo từng giai đoạn, sát hợp với những diễn biến của tình hình nhiễm bệnh trong nước. 

Trước đó, "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" ban hành kèm quyết định 261/QĐ-BYT ngày 31-1-2022 cũng quy định các trường hợp F0 được cách ly tại nhà gồm: không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị); không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào; không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Đây là văn bản pháp lý điều chỉnh quá trình quản lý của cơ sở y tế trong việc phát hiện, cách ly, theo dõi, điều trị người bị nhiễm COVID-19 tại nhà không có dấu hiệu bệnh nặng cần phải cấp cứu. Và theo quy định, những trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà và có nguyện vọng cách ly tại nhà thì không thuộc diện phải đưa vào các khu cách ly tập trung.

Thế nhưng, chỉ mấy ngày trước, bản thân người viết bài này là F0 chỉ có triệu chứng nhẹ (sốt, ho khan) và mong muốn được tự cách ly điều trị tại nhà nhưng không được y tế địa phương đồng ý mà bắt buộc phải vào cách ly tập trung tại khu cách ly trong khuôn viên công viên văn hóa An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang. 

Điều đáng nói, khu cách ly này vốn trước đây được xây dựng tạm để cách ly các trường hợp F1 chờ sàng lọc nên không đủ điều kiện tối thiểu để chăm sóc người bệnh. Khu trại được dựng bằng vật liệu khung sắt tiền chế lợp mái tôn, mỗi phòng có 4 giường với mùng mền chiếu gối đơn sơ, tuy có quạt gió nhưng ban ngày buổi trưa nhiệt độ vẫn cao rất nóng bức (cảm nhận đến 40 độ C).

Đưa người bệnh vào khu cách ly tập trung lẽ ra phải kèm theo đó là bảo đảm việc chăm sóc tốt hơn để họ tự cách ly tại nhà. Nhưng trên thực tế, tôi được phát mỗi ngày 3 hộp cơm không hợp khẩu vị. 

Từ lúc vào khu cách ly tập trung, suốt 2 ngày không hề có bác sĩ hoặc nhân viên y tế thăm khám sức khỏe, kê toa hay hướng dẫn điều trị gì cả. Hỏi chuyện những người đến trước thì họ cho hay cũng không được thăm khám, điều trị gì. Có lẽ vì thế mà các F0 ở đây ai cũng thấy bức bối. 

Bản thân tôi là người cao tuổi, vào khu cách ly tập trung với điều kiện như vậy nên suốt 2 đêm liền thức trắng, không ngủ được. Sang ngày thứ 3 "chịu đời không thấu", tôi phải liên hệ với người có trách nhiệm trình bày rõ thực trạng nên được "xuất viện" về tự chăm sóc tại nhà và hiện sức khỏe đã được cải thiện rất tốt.

Nên đưa thẳng F0 vào bệnh viện nếu trở nặng

Từ câu chuyện trải nghiệm thực tế của mình, tôi cho rằng việc cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, ứng xử với F0 cần hết sức linh hoạt, đúng tinh thần "thích ứng linh hoạt với COVID-19" .

Hãy đặt mình vào vị trí người bệnh để thấy rằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng để giúp F0 vượt qua dịch bệnh, thay vì yêu cầu cách ly tập trung quá máy móc tạo cảm giác ức chế, không có lợi cho sức khỏe người bệnh. Hãy để người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tự quyết định việc chăm sóc sức khỏe cho mình.

Chúng ta đã có hơn 2 năm kinh nghiệm chống dịch COVID-19 và những diễn biến gần đây cho thấy việc "sống chung", "thích ứng linh hoạt" là hợp lý. Thậm chí Thủ tướng Phạm Minh Chính - đã yêu cầu Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh, tình hình kháng thể bảo vệ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế... tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Những quy định gần đây của các cơ quan chức năng đã chuyển dần theo xu hướng như vậy khi cho phép F0 có thể làm việc trực tuyến, F1 trực tiếp lao động như những người khỏe mạnh bình thường. Số liệu ca mắc mới mỗi ngày trên cả nước không dưới 100.000 ca, trong khi số ca tử vong được kiểm soát tốt suốt nhiều ngày qua cho cho thấy việc cách ly tập trung F0 không còn cần thiết nữa.

Nên chăng đã đến lúc cần chủ động cho phép F0 được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, bỏ qua khâu trung gian cách ly tập trung, trường hợp nào trở nặng thì chuyển thẳng từ nhà vào bệnh viện điều trị. Có như vậy vừa tạo tâm lý thoải mái, tránh hoang mang cho người bệnh lại vừa giảm tải cho các lực lượng chống dịch và tiết kiệm tiền của cho ngân sách, cho xã hội.

Cà Mau cho F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được đi làm Cà Mau cho F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được đi làm

TTO - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo ban hành quy định tạm thời về việc các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm.

ĐOÀN CÔNG THIỆN (Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên