11/10/2024 09:15 GMT+7

Các tỉnh duyên hải miền Trung tìm động lực phát triển từ TP.HCM

Dải đất duyên hải miền Trung mở cửa ra biển đầy tiềm năng và cơ hội, nhưng chưa hoàn toàn được đánh thức chỉ vì thiếu vốn.

Làm sao lan tỏa sự phồn vinh của TP.HCM ra miền duyên hải? - Ảnh 1.

Ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đánh giá vùng duyên hải Trung Bộ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển - Ảnh: TẤN LỰC

Làm cách nào để nắn dòng chảy đầu tư vào khu vực? TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam có kéo toa tàu duyên hải miền Trung vào quỹ đạo phát triển?

Cạnh tranh hay liên kết cùng phát triển?

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 giữa UBND TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ diễn ra ngày 10 và 11-10 tại TP Quy Nhơn, các tỉnh chào mời nhà đầu tư về địa phương với hàng loạt dự án và ưu đãi đầy hấp dẫn.

Lĩnh vực được các tỉnh duyên hải ưu tiên thu hút là công nghiệp và kinh tế biển, du lịch dịch vụ, logistics…

Nhìn chung các tỉnh trình bày lợi thế, điểm mạnh, điều kiện tự nhiên, môi trường đầu tư, chính sách thu hút tương tự nhau. Từng địa phương chưa thực sự có nhiều nét riêng, nổi bật để gây chú ý nhà đầu tư.

Ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đánh giá vùng duyên hải Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển.

Các địa phương đều giáp biển, với nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, môi trường sống trong lành. Đồng thời còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất lớn, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, dân số trong độ tuổi lao động, hạ tầng giao thông được cải thiện.

Nhưng lãnh đạo tỉnh này thừa nhận liên kết trong vùng còn khó khăn tương đối giống nhau. Địa phương nào cũng muốn thu hút làm cảng biển, công nghiệp, cạnh tranh nhiều hơn là liên kết.

Lan tỏa sự phồn vinh của TP.HCM ra miền duyên hải - Ảnh 3.

Nhiều dự án lớn được trao chứng nhận chủ trương đầu tư vào tỉnh Bình Định tại sự kiện - Ảnh: TẤN LỰC

Dù vậy đánh giá trên tổng thể, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kết luận khu vực vẫn hấp dẫn nhà đầu tư vì chi phí đầu tư rất rẻ, giá thuê khu công nghiệp rất cạnh tranh. Do đó, ông Tuấn nhắn nhủ nhà đầu tư nên trực tiếp đến nhiều địa phương để quan sát, cảm nhận cơ hội thay vì tập trung vào các trung tâm kinh tế lớn.

Có thể xem xét lựa chọn miền Trung làm trung tâm sản xuất cạnh cứ điểm chính là TP.HCM và lân cận.

Tìm động lực phát triển từ TP.HCM

Ông Dương Ngọc Hải - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - thông tin TP.HCM đã giới thiệu nhiều đoàn doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào khu vực sau khi triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải.

Trong các buổi tiếp đón doanh nghiệp quốc tế, ngoài giới thiệu các dự án tại TP.HCM còn lồng ghép giới thiệu danh mục dự án của các tỉnh.

Góp ý cho định hướng phát triển khu vực này, tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị miền Trung phải xác định công nghiệp là định hướng ưu tiên hàng đầu dù còn rất nhiều lợi thế.

Trong đó ưu tiên chuyển đổi xanh, áp dụng công nghệ số trong phát triển. Xây dựng cơ sở năng lượng tái tạo làm nền tảng cho chuyển đổi xanh và đón đầu các dự án công nghệ cao, công nghệ bán dẫn.

Ông Dương Ngọc Hải chia sẻ với vai trò, trách nhiệm đầu tàu kinh tế của mình, "TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước". TP luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư tại thành phố.

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, logistics… 

Thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư với các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

TS Trần Du Lịch 'hiến kế' cho hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung Bộ.

TS Trần Du Lịch, chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khuyến nghị hình thành vùng kinh tế liên hoàn qua kết nối trục giao thông ven biển.

Theo đó, ông đề nghị các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ từ Bình Thuận tới Quảng Ngãi triển khai nối kết tuyến đường ven biển, xa hơn là nối kết với Quảng Nam - Đà Nẵng để tạo động lực phát triển.

Trục đường này sẽ là trục xương sống cho các tỉnh phát triển kinh tế ven biển, khai thác các tiềm năng ven biển.

TS Trần Du Lịch 'hiến kế' cho hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung Bộ. - Ảnh 1.

ÔngTrần Du Lịch nêu khuyến nghị cho các tỉnh duyên hải Trung Bộ trong liên kết với TP.HCM - Ảnh: LÂM THIÊN

Tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị gì cho các tỉnh Trung Bộ và TP.HCM? - Ảnh 2.

Tuyến đường kết nối vùng ven biển tỉnh Bình Định mở ra cơ hội phát triển mới cho khu vực này - Ảnh: LÂM THIÊN

Trên thực tế, hiện nay một số đoạn tuyến của trục đường ven biển các tỉnh miền Trung đã hình thành, đây là điều kiện rất thuận lợi để nối dải ven biển thành một khối thống nhất, nâng cao trình độ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào khu vực.

Trong phát triển du lịch, khu vực có quá nhiều tiềm năng du lịch biển đảo, du lịch sinh thái. Còn TP.HCM lại là cửa ngõ quốc tế, đầu mối nhận khách trong nước và quốc tế ở phía Nam.

Các địa phương và doanh nghiệp lữ hành hai bên hoàn toàn có thể ngồi lại kết nối chặt chẽ trong việc đưa khách đến khu vực này.

Về ưu tiên phát triển, ông Trần Du Lịch đánh giá các tỉnh trong vùng duyên hải có nhiều lợi thế nhưng cần phải tập trung phát triển công nghiệp để dẫn dắt sự phát triển kinh tế.

Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, còn lâu mới bước qua thời kỳ hậu công nghiệp. Do đó, các tỉnh không nên vì bất cứ lý do gì mà bỏ lỡ việc thu hút phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp quan trọng, có giá trị gia tăng cao.

Tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị gì cho các tỉnh Trung Bộ và TP.HCM? - Ảnh 3.

Khu kinh tế Dung Quốc tại tỉnh Quảng Ngãi là một điển hình phát triển công nghiệp thành công của các tỉnh duyên hải Trung Bộ - Ảnh: TRẦN NGUYÊN NGHI

Trong lĩnh vực công nghiệp, khu vực tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo năng lượng sạch để làm nền tảng xây dựng công nghiệp xanh.

Đây là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, vi mạch.

Việc này là thách thức không nhỏ mà các địa phương cần quan tâm dành nguồn lực để giải quyết, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số các khu công nghiệp hiện hữu.

Theo ông Trần Du Lịch, hiện TP.HCM đang thực hiện chính sách chuyển đổi công nghiệp theo hướng giữ lại các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao, dịch chuyển dần hoạt động sản xuất thông thường ra khỏi TP.

Do đó, TP.HCM có thể liên kết chặt chẽ với vùng duyên hải Trung Bộ để đưa hoạt động sản xuất về những khu công nghiệp tại khu vực, hình thành vệ tinh phát triển xung quanh TP.HCM.

Ngoài ra, các địa phương hợp tác cải cách hành chính, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư không gặp khó khăn, bỡ ngỡ khi tiếp cận thủ tục hành chính.

Cùng nhau triển khai các sự kiện xúc tiến đầu tư tầm cỡ quốc tế, lựa chọn những dự án tiêu biểu đưa ra xúc tiến ở nước ngoài.

Làm sao lan tỏa sự phồn vinh của TP.HCM ra miền duyên hải? - Ảnh 4.Đề nghị TP.HCM và vùng duyên hải Trung Bộ kết hợp trong xúc tiến đầu tư

Ngày 10-10, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 giữa UBND TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ diễn ra tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên