Cầu vượt: thông chỗ này, tắc chỗ khácTiếp tục ùn ứ giao thông tại cầu vượt bằng thép
Phóng to |
Dòng xe kẹt cứng dưới chân cầu vượt Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình, TP.HCM) vào tối 23-10 - Ảnh: N.C.T. |
* Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP.HCM):
Chỉ giải quyết kẹt xe tạm thời
Sở dĩ cầu vượt tại Lăng Cha Cả và Hàng Xanh vẫn còn kẹt xe ở khu vực xung quanh là do chưa tổ chức nhiều pha đèn tín hiệu giao thông cho các xe rẽ trái. Trước khi xây dựng cầu vượt, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tổ chức giao thông hoàn chỉnh trên các tuyến đường lân cận để tính toán đầy đủ khả năng thông xe của cầu vượt. Tôi xin dẫn chứng cụ thể: xa lộ Hà Nội đang được mở rộng khá thông thoáng, nhưng xe chạy đến ngã ba Vũng Tàu lại bị kẹt là do chưa tổ chức giao thông hoàn chỉnh.
Theo tôi, cầu vượt chỉ giải quyết tạm thời nạn kẹt xe ở giao lộ. Vấn đề lớn hơn là các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân. Bởi vì với số lượng xe đưa vào sử dụng ngày càng tăng thì vốn đầu tư xây dựng thêm cầu, đường sẽ không bao giờ đáp ứng nổi, và nếu có làm cầu, đường chỗ này thì chỗ khác lại bị tắc nghẽn giao thông.
* Ông Phạm Xuân Mai (phó giáo sư, tiến sĩ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM):
Cầu vượt phải có 2-3 hướng xe lưu thông
Có thể nói cầu vượt vòng xoay Cây Gõ (Q.6) đã đem lại hiệu quả khá rõ nét vì chiếc cầu này cho xe lưu thông nhiều hướng. Trong khi đó, cầu vượt Lăng Cha Cả chỉ cho một hướng xe đi nên việc xảy ra ùn tắc giao thông xung quanh cầu này là điều dễ hiểu. Theo tôi, để cầu vượt đem lại hiệu quả, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng cầu vượt cho ít nhất từ 2-3 hướng xe trên các trục đường có lượng xe đi lại nhiều nhất. Đồng thời, mở rộng mặt cầu vượt đáp ứng lượng xe trên đường và bên dưới cầu vượt cần tổ chức nhiều đảo vòng xoay cho xe chạy thông thoáng.
* Ông Phạm Sanh (chuyên gia giao thông):
Nên đánh giá rút kinh nghiệm về giao thông
Thiết kế cầu vượt không giải quyết đồng bộ bài toán giao thông mà chỉ nặng về giải pháp công trình, trong đó chỉ tập trung phần cầu vượt nhưng không giải quyết giao thông cả khu vực nút giao. Tại cầu vượt Lăng Cha Cả, làn xe đi bên dưới cầu hướng từ đường Trần Quốc Hoàn về Cộng Hòa quá hẹp, lại bị hẻm 4A đâm ra và lượng xe khá lớn từ Trường Sơn đổ vào. Riêng cầu vượt Hoàng Hoa Thám, khu vực ngã tư bố trí nút giao quá chật, làn xe trên cầu quá nhỏ, các đoạn vào và ra khỏi cầu không có đoạn trộn dòng rất dễ xảy ra tai nạn.
Để giảm áp lực giao thông trên đường Cộng Hòa, cần giải tỏa một ít lề đường đang rộng để mở rộng tầm nhìn, tổ chức lại tín hiệu giao thông và chấn chỉnh việc phụ huynh đưa đón con em tại Trường Trần Quốc Tuấn, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều việc đầu tư xây dựng cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám.
Về cầu vượt tạm bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh, một bất cập thực tế đã xuất hiện là lượng ôtô chạy trên cầu không nhiều, trong lúc chúng ta lại không cho xe máy chạy chung trên cầu vượt. Để giảm bớt ùn tắc giao thông ở cầu vượt Hàng Xanh, nên cho xe máy lưu thông trong giờ cao điểm nhằm giảm áp lực giao thông dưới gầm cầu vượt. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp tổ chức giao thông hoàn chỉnh và hiệu quả cho cả nút giao thông.
Nên đánh giá rút kinh nghiệm hiệu quả xây dựng các cầu vượt vừa rồi, đặc biệt là hiệu quả về giao thông. Sau đó nên dựa vào quy hoạch, nghiên cứu lộ trình xây dựng các cầu vượt tạm sao cho bền vững ổn định. Nên xem đây là việc làm phân kỳ đầu tư, không xem là tạm thời về sau có thể tháo gỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận