25/10/2013 06:28 GMT+7

Cầu vượt: thông chỗ này, tắc chỗ khác

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG

TT - Kể từ ngày khởi công xây cầu vượt bằng thép đầu tiên ở TP.HCM, đến nay không đầy 15 tháng, TP đã đưa vào sử dụng sáu cầu vượt, giảm đáng kể nạn kẹt xe ở các giao lộ được xây cầu. Tuy nhiên lại phát sinh các điểm kẹt xe mới xung quanh các cầu vượt này...

5MjyYX7J.jpgPhóng to
Nạn ùn ứ, kẹt xe thường xuyên xảy ra tại vòng xoay Hàng Xanh dù đã có cầu vượt - Ảnh: Mậu Trường

Mới đây, tại lễ khánh thành cầu vượt ở vòng xoay Cây Gõ, ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP rà soát lại sáu công trình xây dựng cầu vượt và có biện pháp khắc phục những khiếm khuyết tại các cầu trên nhằm tổ chức giao thông đi lại tốt hơn.

Cầu vượt chỉ giải quyết kẹt xe cục bộ

Khoảng 17g ngày 21-10 tại vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), xe cộ chen chúc nhau nhích từng chút trên đường trong khi cầu vượt tại đây vắng hoe, thỉnh thoảng có một vài chiếc ôtô chạy... Từ trên cao nhìn xuống, dòng xe từ các hướng đổ về vòng xoay này luôn có sự xung đột với nhau. Xe từ đường Điện Biên Phủ, hướng từ cầu Sài Gòn vào Q.1 sẽ chia ra ba ngả gồm: đi thẳng hướng cầu Điện Biên Phủ, quẹo trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, hướng cầu Thị Nghè và quẹo phải vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, hướng cầu Bình Triệu.

Ở hướng quẹo trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vào giờ cao điểm, người đi xe máy phải mất 5-10 phút để đi qua được vòng xoay này. Nguyên nhân là do dòng xe trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn quẹo trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để đi cầu Bình Triệu xung đột với dòng xe trên đường Điện Biên Phủ hướng từ cầu Sài Gòn quẹo trái vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đi cầu Thị Nghè. Hai hướng quẹo trái tại vòng xoay này ngược nhau nhưng không theo một quy luật nhất định mà cứ châu đầu vào nhau, trong khi người đi đường lại cứ cố ý vọt qua mặt nhau và rẽ xe một cách tùy tiện nên thường xuyên xảy ra ùn ứ xe cộ.

Chị Nguyễn Thúy Kiều (ngụ Q.Bình Thạnh), một người đi lại thường xuyên tại đây, nói: “Từ ngày làm cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh đến nay, nạn kẹt xe tại đây thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Cầu vượt chỉ giải quyết được ùn ứ xe hơi. Những người chạy xe máy qua đây vẫn còn vất vả”.

Tại cầu vượt nút giao thông Hoàng Hoa Thám - Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), sau nhiều lần điều chỉnh, phân làn và bố trí lại các biển báo giao thông như: đóng dải phân cách tại giao lộ Cộng Hòa - Quách Văn Tuấn, mở đèn chớp nháy tại giao lộ này để cảnh báo nguy hiểm, tăng cường điều tiết giao thông..., nạn ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm đã giảm hẳn so với trước nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm bài toán kẹt xe chung tại khu vực này.

17g30 ngày 22-10, đường Cộng Hòa hướng từ Q.Tân Bình đi Q.12 đông nghẹt người. Tại các giao lộ Cộng Hòa - Ngô Bệ, Cộng Hòa - Lê Tấn Quốc..., xe cộ dồn lại hàng ngàn chiếc. Bình quân phải mất 5-6 lần đèn xanh đèn đỏ mới qua được các giao lộ này.

Tổ chức lại giao thông

Trong số 34 nút giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui) trong nội ô TP vừa được Thủ tướng ra quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, chỉ có ba nút giao thông khác mức được xây dựng hoàn chỉnh gồm cầu vượt bằng bêtông đường Phạm Văn Đồng qua quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức), cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh qua quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), cầu vượt ngã ba Cát Lái (Q.2, đường Mai Chí Thọ qua xa lộ Hà Nội).

Trong khi đó, có đến bốn nút giao thông khác mức vừa được xây dựng theo quy hoạch nhưng chỉ là công trình tạm thời được xây dựng cầu vượt bằng thép, gồm: cầu vượt ngã tư Thủ Đức, cầu vượt Hàng Xanh, cầu vượt vòng xoay Cây Gõ và cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ nên chưa giải quyết triệt để ùn tắc giao thông tại các giao lộ trên. Theo các khu quản lý giao thông đô thị số 1 và số 2 - chủ đầu tư dự án, sở dĩ chưa xây dựng các nút giao thông khác mức hoàn chỉnh vì tránh đền bù giải tỏa và thời gian xây dựng công trình kéo dài (xây cầu tạm bằng thép nhanh và giải quyết ngay nạn kẹt xe).

Trả lời câu hỏi: “Giải quyết kẹt xe ở khu vực quanh cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám thế nào?”, ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết đơn vị đang xem xét biện pháp cắt góc tiểu đảo để dòng xe từ đường Lê Văn Sỹ vào đường Cộng Hòa. Sau biện pháp này, nếu ùn tắc giao thông vẫn xảy ra sẽ buộc ôtô đi thẳng đường Phan Thúc Duyện đến đường Thăng Long mới ra đường Cộng Hòa, thay vì hiện nay ôtô đi từ đường Phan Thúc Duyện rẽ trái vào đường Trần Quốc Hoàn để ra Cộng Hòa. Sau đó, nếu vẫn còn ùn tắc sẽ xem xét đến giải pháp gắn đèn tín hiệu giao thông ở đầu giao lộ Phan Thúc Duyện - Cộng Hòa. Theo ông Thắng, về lâu dài cần thực hiện dự án mở rộng đường Trường Chinh - Tân Kỳ - Tân Quý, tạo ra vòng xoay lớn ở khu vực này để giải quyết bài toán giao thông ở đây.

Ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết sở đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 nghiên cứu có nên cho xe máy lưu thông trên cầu vượt Hàng Xanh hay không. Theo báo cáo của đơn vị này, việc tổ chức làn xe hai bánh nhập vào dòng ôtô lưu thông lên cầu vượt cũng như khi tách dòng xe lúc xuống cầu sẽ không đảm bảo về an toàn giao thông và khả năng xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Trả lời câu hỏi của chúng tôi là tại sao khi xây dựng cầu vượt Hàng Xanh không tính đến việc mở rộng thêm làn xe cho xe hai bánh lưu thông, ông Cường cho biết do khu vực Hàng Xanh có tuyến metro đi ngầm dưới lòng đất nên không thể mở rộng mặt bằng xây dựng cầu vượt này. Trong giai đoạn 2 sẽ thực hiện đúng quy hoạch hoàn chỉnh nút giao thông Hàng Xanh, bao gồm tổ chức giao thông cho các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Bạch Đằng và Đinh Bộ Lĩnh.

Hà Nội: cầu vượt nhẹ chỉ là giải pháp tình thế

Đến nay, Hà Nội đã có bảy cầu vượt nhẹ đưa vào sử dụng, trong đó có sáu cầu tại nội thành. Phần lớn cầu vượt đã giải quyết được ùn tắc giao thông tại các nút giao cắt, giúp việc đi lại thuận tiện hơn (như tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ đến Lê Văn Lương và các nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng...). Tuy nhiên, cùng với việc nút giao thông có cầu vượt hết ùn tắc thì tình trạng ùn tắc ở một số đoạn đường, nút giao tiếp giáp cầu vượt cũng xảy ra khi lượng xe đi qua cầu vượt nhanh hơn, dồn về nút giao tiếp đó nhanh hơn.

Anh Phạm Anh Minh (Q.Thanh Xuân) cho biết từ khi có cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc, việc đi lại từ Nguyễn Trãi đến Tây Sơn thuận tiện hơn vì đều đi trên hai cầu vượt ngã tư Sở và cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc. Tuy nhiên, đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng (tiếp giáp cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc) đến Ô Chợ Dừa lại thường xuyên ùn ứ.

Tương tự, tại cầu vượt Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, tình trạng ùn ứ giao thông vào buổi chiều từ hướng Đại Cồ Việt sang Xã Đàn, Ô Chợ Dừa xảy ra nhiều hơn. Nhiều thời điểm vào giờ tan tầm, hầm đường bộ Kim Liên (tiếp nối cầu vượt Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt) cũng bị ùn tắc do dòng xe ùn ứ tại nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ ĐH Giao thông vận tải, cầu vượt chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải giải pháp căn cơ giải quyết được ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. “Khi có những chỗ bức xúc về kẹt xe thì có thể đặt vấn đề làm cầu vượt. Nhưng bản thân nó chỉ phát huy được tác dụng vài ba năm trước mắt. Phải phối hợp với các giải pháp khác chứ một mình nó không thể giải quyết được” - ông Toản lý giải. Theo ông Toản, giải pháp căn cơ để giải quyết nạn kẹt xe là phải lập được những phương án để mật độ giao thông thấp hơn, ngang bằng hoặc chỉ vượt quá một chút so với cơ sở hạ tầng.

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên