09/03/2019 19:05 GMT+7

Cả lớp sụt sịt, có bạn nấc lên...

HÀ THANH lược ghi
HÀ THANH lược ghi

TTO - Họ nói với nhau về mẹ, về bà của mình trong lớp. Cả lớp sụt sịt, có bạn nấc lên... Rồi họ viết ra giấy bằng những dòng chữ nguệch ngoạc tuổi học trò mới lớn, ngập yêu thương và đẫm nước mắt...

Cả lớp sụt sịt, có bạn nấc lên... - Ảnh 1.

Lá thư cháu gái gửi bà đang ở nơi "thiên đường" - Ảnh: HOÀNG TÂM

Khi những giai điệu sôi động chúc mừng ngày lễ 8-3 kết thúc cũng là lúc cô giáo Hoàng Thị Tâm lắng lòng lại, chia sẻ món quà quý giá mà những cô cậu học trò của cô mang đến trong ngày đặc biệt.

Đang là giáo viên dạy môn Ngữ văn, chủ nhiệm học sinh lớp 8 tại một ngôi trường phổ thông liên cấp quốc tế ở Hà Nội, ngày 8-3, cô Tâm vào lớp dạy như mọi khi với tiết học kéo dài 40 phút. Nhưng tiết học hôm qua, cô mang theo một nhiệm vụ bí mật: cho học sinh viết ra câu chuyện về bà, về mẹ.

"Ngày 8-3 là ngày quan trọng, người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là ai?", cô giáo bước vào lớp với câu hỏi không có trong sách giáo khoa. Dưới lớp học vang lên những câu trả lời: là bà, là mẹ.

"Vậy chúng mình cùng nhau chia sẻ điều mình muốn nói nhất, xúc động nhất, cô đọng nhất trong vòng một câu về bà hoặc mẹ của mình. Hãy lắng lại 10 giây trước khi mình nói ra", cô giáo Tâm đặt ra "đề bài" cho học trò. Rồi cô bắt đầu từ chính bản thân mình nói về người bà: "Nếu như cô không có bà, thì cô cũng không có tuổi thơ".

Nghe chia sẻ sâu lắng của cô giáo, cả lớp bắt đầu suy nghĩ về câu nói của mình. Bạn nam duy nhất trong lớp mạnh dạn đứng lên chia sẻ cảm xúc về bà: "Cảm ơn bà vì bà đã sinh ra bố của con để con được có mặt trên đời này, cảm ơn bà đã giúp con vượt qua khó khăn, chỉ ra lỗi sai con mắc phải".

Trong lớp bắt đầu có một vài gương mặt đỏ hoe, có những tiếng sụt sịt vang lên. Có em học sinh đứng lên cảm ơn bà vì "nếu không có bà thì bố mẹ đã chia tay rồi", có em gửi lời xin lỗi vì khiến mẹ buồn, chỉ mong sao mẹ khỏe mạnh vì mẹ mới sinh em bé rất mệt.

Mỗi khi các em học trò chia sẻ xong, cô giáo cảm ơn, ghi nhận giá trị mà các con đã nhận thấy ở bà, ở mẹ. Trong lớp, tiếng sụt sịt vang lên nhiều hơn.

Cả lớp sụt sịt, có bạn nấc lên... - Ảnh 2.

Cháu trai viết thư cảm ơn bà "vì đã mang bố đến thế giới này" - Ảnh: HOÀNG TÂM

Đến lượt một em học sinh khác đứng lên chia sẻ với những tiếc nấc dài về người bà đã mất, ngày bà còn sống em rất ít được gặp bà, đến khi bà mất mới thực sự cảm thấy thiếu vắng, hối tiếc. Những tiếng nấc dưới lớp học càng lớn dần hơn, cô giáo chuyển sang một phương án mới: truyền tải cảm xúc của mình qua trang giấy. Những đứa trẻ mới lớn lấy ra những tờ giấy trắng tinh, gửi gắm lên đó những tâm tình gửi bà, gửi mẹ.

40 phút trôi qua, 9 lá thư được viết ra (lớp có 10 học sinh, 1 em nghỉ vì ốm - PV). Những nét bút nguệch ngoạc, thậm chí sai chính tả, xóa đi, viết lại… nhưng là những cảm xúc chân thành của người con, người cháu nhận ra được tình yêu thương của bà, của mẹ dành tặng cho mình.

Tuổi Trẻ Online xin trích lược lại những dòng thư của các em:

"Mẹ ơi! Hôm nay là ngày 8-3 và con rất mong muốn được gửi bức thư này cho mẹ. Sống trên cuộc đời này được 13 năm rồi, chắc mẹ là người có ơn nhất với con...

...Không biết mẹ đã mất bao nhiêu thời gian, kiên trì chờ đợi, nuôi nấng con để con trưởng thành như bây giờ. Suốt cuộc đời mẹ, mẹ chưa hề được sống một cuộc đời sung sướng, thoải mái.

Ngày xưa mẹ phải đi làm vất vả để giúp gia đình kiếm tiền. Con xin lỗi mẹ. Không có một tuổi thơ thanh thản như con, đáng lẽ mẹ nên được hưởng những thứ tốt hơn.

Nhiều khi con cũng hư, không nghe lời mẹ, cãi lại mẹ và giá như con có thể rút lại những lời nói không hay, những hành động chưa tốt của con. Con biết là mẹ chỉ muốn khuyên con những điều đúng đắn, giúp con đạt được những ước mơ của con nhưng chắc có lẽ suy nghĩ bảo thủ của con đã chặn đường, còn rất nhiều điều con chưa thể nói được. Nhiều khi, con chỉ muốn nói: CON YÊU MẸ!" (Diệu Anh, 8-3-2019).

Cả lớp sụt sịt, có bạn nấc lên... - Ảnh 3.

Những nét bút nguệch ngoạc nhưng hơn cả là tấm lòng chân thành của những đứa trẻ. Trong thư, đứa trẻ này viết cho ngoại và mẹ: "Đừng bao giờ rời xa con" - Ảnh: HOÀNG TÂM

"Bà kính yêu của cháu!

Hôm nay là ngày mùng 8 tháng 3 đấy bà ạ. Cháu xin lỗi vì không thể ở bên bà ngay lúc này. Hôm nay cháu đã làm thiệp tặng mẹ, và cả bà nữa. Giá như bà có thể nhận lấy nó. Và giá như cháu có thể được gặp và tặng hoa cho bà như ngày 8-3 năm ngoái.

Bà ơi, có nói bao nhiêu cũng không kể hết được tình thương của bà dành cho cháu. Cháu thật may mắn khi từ nhỏ được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của cả mẹ và bà, 2 người phụ nữ vĩ đại của cháu...

...Đến tận bây giờ, cháu chỉ ước được nghe bà mắng một lần nữa, được bà dạy dỗ, được bà chăm sóc, được ôm bà một cái.

Bà ơi, ở trên thiên đường, bà hãy sống thật tốt nhé. Cháu yêu và biết ơn bà nhiều lắm. Bà luôn là người phụ nữ vĩ đại của cháu dù có thế nào đi chăng nữa.

Bà yêu của cháu, cháu yêu bà rất nhiều!

Cháu gái lớn của bà: Thiên Trang".

Cả lớp sụt sịt, có bạn nấc lên... - Ảnh 4.

Lời xin lỗi, lời cảm ơn được nói ra khiến những đứa trẻ biết trân quý thời gian được ở bên mẹ, bên bà - Ảnh: HOÀNG TÂM

Khơi gợi cảm xúc chân thật

Ngày 8-3, món quà cô giáo Tâm nhận được là đã khơi gợi được cho học sinh cảm xúc chân thật tận đáy lòng, giúp các em biết trân trọng, nói ra cảm xúc của mình và biết lắng nghe những cảm xúc thật của bạn mình.

"Sản phẩm tôi được nhất hôm nay không phải là những lá thư về trao cho bố mẹ, ông bà các con đâu, mà lớn nhất là cho các con có được cơ hội nhìn lại một cách tĩnh lặng về những giá trị vô cùng quan trọng trong cuộc sống của các con. Không chỉ là một câu nói: "con yêu bà lắm", "con yêu mẹ lắm", điều quan trọng là cho các con thấy điều nhân bản nhất của con người, giúp các con biế trân quý hiện tại", cô giáo Hoàng Thị Tâm bày tỏ.

Ngay sau tiết học đặc biệt, có một em học sinh viết ngay một lá thư cảm ơn cô giáo Tâm luôn dành thời gian ở bên học trò, lo lắng cho các em "như một người mẹ vậy".

la thu 7

Lá thư học trò gửi cảm ơn cô giáo Tâm - Ảnh: HÀ THANH

Tại ngôi trường cô đang theo dạy thường tổ chức các hoạt động tri ân vào các ngày lễ như 20-10, 8-3, 20-11 là những hoạt động nhân văn mà nhà trường hướng đến.

"Các con đang trưởng thành, nếu mình khơi gợi đúng thời điểm, đúng nỗi niềm của các con đang chất chứa thì có thể chuyển hướng được những suy nghĩ có thể hơi tiêu cực thành suy nghĩ tích cực, hoặc cho các con điều gì đó để bám víu vào vì lứa tuổi này các con đang chông chênh", cô Tâm chia sẻ.

8-3, học trò nghĩ gì về mẹ? 8-3, học trò nghĩ gì về mẹ?

TTO - Nhân ngày 8-3, cô Nguyễn Thị Ánh Huệ - giáo viên chủ nhiệm lớp 7/3 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM - đã dành tiết chủ nhiệm để cho học sinh viết thư 'Gửi người phụ nữ tôi yêu'.

HÀ THANH lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên