Chủ tọa phiên tòa tuyên án chiều 1-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chiều nay 1-10, sau 1 tuần xét hỏi và nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên án với 12 bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.
Tòa nhắc nhở lời nói chuẩn mực
Trong những ngày xét xử, hàng loạt vấn đề còn mâu thuẫn được nêu ra trước tòa như nguồn gốc và chất lượng của lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về. Bộ Y tế và các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng lô thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ, chỉ bị giả xuất xứ Canada và nhập về Việt Nam chứ không phải thuốc giả.
Trong khi đó, đại diện Viện kiểm sát nhận định việc Bộ Y tế tự cho cán bộ đi Ấn Độ trong 4 ngày nhưng thu thập được rất nhiều thông tin, được hợp pháp hóa lãnh sự, là không khách quan. Lý do là vì Cục Quản lý dược Bộ Y tế là đơn vị cấp phép cho VN Pharma nhập lô thuốc, hiện cục này cũng đang bị điều tra.
Theo VKS, ý kiến của Cục Quản lý dược cho rằng H-Capita kém chất lượng chứ không phải thuốc giả là bao che cho các bị cáo. Cho rằng các chứng cứ cục này đưa ra về nguồn gốc lô thuốc chưa được cơ quan điều tra Bộ Công an thẩm tra, VKS đã không sử dụng để đánh giá.
Trong khi đó, các luật sư cho rằng trách nhiệm của VKS là thẩm tra chứng cứ, việc VKS không chịu thẩm tra chứng cứ là "thiếu trách nhiệm’’.
Tại tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX kiến nghị đoàn luật sư xử lý một số luật sư có lời nói chưa chuẩn mực, xúc phạm đại diện VKS. Theo HĐXX, quá trình điều hành phiên tòa trên nguyên tắc khách quan, công khai, cách tranh luận của các bên có lúc gay gắt nhưng không có lời nói nào vượt quá khuôn khổ luật pháp, không có cơ sở xử lý như kiến nghị của VKS.
Tuy nhiên, thông qua vụ án, HĐXX nhắc nhở những người tham gia phiên tòa cần có lời nói chuẩn mực, tránh xúc phạm người khác và vi phạm pháp luật.
Các bị cáo lắng nghe tòa tuyên án - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xác định tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh
Quá trình thẩm vấn và tranh luận công khai tại tòa đã có đủ cơ sở kết luận VN Pharma được thành lập từ tháng 10-2011 do Nguyễn Minh Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên đã bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu loại thuốc thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam.
Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được, ông Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên. Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Tại tòa, hội đồng giám định trả lời giám định thuốc trong 3 thời gian cho các thông số khác nhau là hoàn toàn đúng, vì dược chất giảm dần theo thời gian, tạp chất tăng dần.
HĐXX cho rằng toàn bộ lô thuốc bị giả nguồn gốc xuất xứ, tạp chất định danh không đạt tiêu chuẩn, hồ sơ thuốc bị làm giả…, có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Các bị cáo là người hiểu biết, có chức vụ nhưng đã buôn bán hàng giả để trục lợi.
Theo tòa, lô thuốc H-Capita đã được nhập về Việt Nam. VN Pharma đã trúng thầu cung ứng thuốc cho bệnh viện. Tuy nhiên lô thuốc này đã được Cục Quản lý dược kịp thời phát hiện có vấn đề nên chưa bán ra. Việc lô thuốc chưa được ra thị trường là trái ý muốn của các bị cáo.
Bị cáo Võ Mạnh Cường tại tòa chiều 1-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bị cáo Võ Mạnh Cường là người cầm đầu
Theo HĐXX, tại tòa bị cáo Võ Mạnh Cường (người môi giới cho VN Pharma mua thuốc) cho rằng bị điều tra viên ép cung, bức cung gây nên những lời khai bất lợi cho bị cáo. Luật sư của bị cáo đã đề nghị triệu tập điều tra viên. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng những lời khai trên của bị cáo Võ Mạnh Cường là không có cơ sở.
Bị cáo Võ Mạnh Cường cũng cho rằng bị đối tượng Raymundo (chưa rõ lai lịch) lừa, cung cấp thuốc không đúng nguồn gốc. HĐXX cho rằng không có căn cứ chấp thuận lời khai này. Theo tòa, bị cáo Cường hoàn toàn chủ động trong vụ án, đã cùng bị cáo Hùng bàn bạc cách nhập và nâng khống giá lô thuốc vào Việt Nam.
Do đó, bị cáo Cường được xác định là người có vai trò cầm đầu. Các bị cáo khác nguyên là nhân viên VN Pharma có vai trò giúp sức tích cực.
Bị cáo Phạm Văn Thông là dược sĩ, khi được VN Pharma nhờ viết tiêu chuẩn không có thực đã thực hiện để trục lợi.
Bị cáo Phạm Anh Kiệt đóng con dấu công ty Austin lên các tờ giấy A4 sau đó được sử dụng được vào hợp đồng mua bán thuốc. Mặc dù không biết việc mua bán thuốc của VN Pharma nhưng bị cáo đã giao con dấu cho bị cáo Hùng, là giúp sức cho việc mua lô thuốc H-Capita.
Sau đó bị cáo Kiệt được bị cáo Hùng nhờ trả tiền mượn pháp nhân công ty Austin, chứng tỏ bị cáo Kiệt giúp sức cho việc buôn bán thuốc giả.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào sự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Cựu tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng nghe tòa tuyên án - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tòa tuyên mức án cụ thể đối với 12 bị cáo như sau:
Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty H&C): 20 năm tù
Nguyễn Minh Hùng (cựu tổng giám đốc VN Pharma): 17 năm tù
Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma): 12 năm tù
Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma): 11 năm tù (cộng bản án 5 năm tù của TAND cấp cao tại Hà Nội về tội đưa hối lộ, hình phạt tổng hợp với bị cáo Quốc là 16 năm tù)
Phạm Văn Thông (dược sĩ): 5 năm tù
Phan Cẩm Loan (cựu phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma): 7 năm tù
Bùi Ngọc Duy (cựu trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma): 6 năm tù
Phạm Anh Kiệt (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn): 3 năm tù
Hoàng Trúc Vy (cựu nhân viên phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma): 3 năm tù cho hưởng án treo
Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma): 12 năm tù
Phan Xuân Thiện (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma): 7 năm tù
Lê Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma): 5 năm tù
Phạm Quỳnh Trang (nguyên nhân viên công ty H&C): 4 năm tù
Cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoặc làm các nghề liên quan đến y tế trong vòng 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
12 bị cáo trong vụ án VN Pharma lắng nghe tòa tuyên án - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Với số tiền hơn 6 tỉ đồng là tiền chênh lệch do nâng khống giá thuốc, được để bên ngoài sổ sách, HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ. Tuy nhiên, số tiền này các bị cáo đã tiêu xài hết, chỉ còn hơn 2 tỉ đồng. Do đó HĐXX tuyên buộc các bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường phải nộp lại hơn 4 tỉ đồng để sung công quỹ Nhà nước.
9300 hộp thuốc H-Capita bị tịch thu tiêu hủy.
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra đối tượng Raymundo và một số đối tượng có liên quan đến vụ án để xử lý triệt để. Đối tượng Raymundo, người cung cấp thuốc H-Capita và toàn bộ hồ sơ giả cho các bị cáo, thường xuyên qua lại Việt Nam nhiều lần.
Thông qua các hợp đồng nhập khẩu thuốc của VN Pharma, HĐXX nhận thấy hiện nay có tình trạng nâng khống giá thuốc rồi nhận lại tiền nâng khống chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó sử dụng số tiền này trong cạnh tranh giá thuốc, khiến giá thuốc trong nước bị ảnh hưởng, gây khó khăn người dân.
HĐXX đề nghị Bộ Y tế làm rõ giá cả các loại thuốc nhập khẩu để thuốc đúng giá trị và chất lượng.
Đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc vẫn còn một số lỗ hồng, một số cán bộ nhân viên trong ngành y tế chưa chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế, mang tính đối phó, HĐXX kiến nghị Bộ Y tế rà soát để khắc phục để tình trạng này.
Ông Ngô Nhật Phương nói về chuyện ông có "tài liệu mật" của Bộ Y tế - Video: QUANG ĐỊNH
Có hay không việc ông Ngô Nhật Phương (người làm chứng, người liên quan trong vụ án) tiết lộ văn bản mật của Bộ Y tế, vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Đại diện VKS cho rằng quá trình điều tra vụ án, Bộ Y tế đã gửi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công văn đóng dấu mật về nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita. Việc quản lý, khai thác, sử dụng nội dung công văn này phải được tuân thủ theo các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Thời điểm tháng 6-2018, khi công văn chưa được giải mật, ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp giao nộp cho cơ quan điều tra một số tài liệu liên quan đến nguồn gốc lô thuốc. Đại diện VKS đã kiến nghị HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra xác minh tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước liên quan đến đến các tài liệu mật của Bộ Y tế.
Trong khi đó, chia sẻ bên hành lang phiên tòa chiều nay, ông Ngô Nhật Phương khẳng định không biết gì về các nội dung mật của Bộ Y tế. Các văn bản này của ông là do bạn hàng kinh doanh dược ở Ấn Độ cung cấp.
Về việc này, HĐXX quyết định chuyển các tài liệu trên cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an giải quyết theo thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận