01/09/2020 16:35 GMT+7

Bừng sáng những hải đảo phương Nam

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Đã có một cuộc “cách mạng” về cấp điện ở Phú Quốc làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân huyện đảo.

Bừng sáng những hải đảo phương Nam - Ảnh 1.

Đêm Phú Quốc nhìn từ flycam - Ảnh: K.N.

Những năm qua, EVNSPC đã phát huy mọi nguồn lực, tận dụng các cơ hội và vận dụng nhiều giải pháp để lưới điện quốc gia không ngừng thắp sáng các huyện đảo phía Nam của Tổ quốc với thành tích ấn tượng là đảm bảo điện cho 100% huyện đảo trên địa bàn EVNSPC quản lý.

Ông NGUYỄN VĂN HỢP

Trên chuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới nối Phú Quốc với Hòn Thơm để ngắm nhìn toàn cảnh đảo ngọc, một hướng dẫn viên quê Phú Quốc nói về những đổi thay của hòn đảo rồi chốt một câu: "Phú Quốc bây giờ rực sáng, người dân địa phương chúng tôi sẽ không bao giờ quên cột mốc năm 2014".

Cột mốc đó là gì? Điều mà hướng dẫn viên này muốn nói đến đó là thời điểm hòn đảo được dùng lưới điện quốc gia thông qua hệ thống cáp ngầm vượt biển đầu tiên tại Việt Nam. 

Cáp điện xuyên đại dương ra đảo ngọc 

Nhìn qua flycam về đêm, đảo ngọc sáng trưng đèn điện từ những dãy phố nhộn nhịp, những quầy bar trên bãi biển hay những sân khấu ngoài trời xập xình tiếng nhạc... Ít ai biết được rằng chỉ mới hơn 6 năm trước, dân huyện đảo này đã có lúc phải dùng đèn dầu leo lét bởi nguồn điện hữu hạn chạy từ máy phát trên đảo. 

Đã có một cuộc “cách mạng” về cấp điện ở Phú Quốc làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân huyện đảo khi Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đầu tư tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, đây là tuyến cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á thời điểm ấy. 

Điều đặc biệt, đây cũng là dự án xây dựng cáp ngầm xuyên đại dương đầu tiên ở Việt Nam, tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng với điểm nhấn là gần 58km đường dây ngầm dưới lòng biển. 

Là người “tổng chỉ huy” của dự án đặt nền móng cho việc kéo điện xuyên biển ra các đảo của ngành điện, ông Nguyễn Thành Duy - nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc EVNSPC - cho biết để dự án này được đóng điện, đưa vào vận hành ngày 5-2-2014 sau chỉ vỏn vẹn 3 tháng thi công, những người xây dựng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ngay cả khi đã vận hành bản thân ông Duy vẫn “chưa hết áp lực”. 

Theo ông Duy, dự án đưa lưới điện ra Phú Quốc có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp khi lần đầu tiên ở Việt Nam làm cáp ngầm 110kV xuyên biển dài gần 58km. “Trước đó, chúng tôi chưa hình dung được nó ra sao, thuê người làm như thế nào. Rồi công tác đấu thầu, điều kiện thi công… mọi thứ hoàn toàn mới mẻ với chúng tôi” - ông Duy nói. 

Bừng sáng những hải đảo phương Nam - Ảnh 3.

Đảo ngọc Phú Quốc bừng sáng về đêm khi sử dụng điện 24/24 giờ từ lưới điện quốc gia - Ảnh: TÚ ANH

Vươn khơi mang dòng điện đến dân đảo 

Song hành “kỳ tích” mang điện quốc gia đến với Phú Quốc, EVNSPC tiếp tục thắp sáng những hải đảo của Tổ quốc ở khu vực phía Nam khi huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đã được cấp điện bằng điện lưới quốc gia và 3 huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Vũng Tàu) và Trường Sa (Khánh Hòa) cũng đã được cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ. 

Đội ngũ của EVNSPC đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trong đó phải kể đến sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, dông bão, điều kiện thi công phức tạp, phụ thuộc hoàn toàn vào đặc thù địa chất từng vùng biển… 

Ông Nguyễn Văn Hợp - chủ tịch EVNSPC - cho biết việc đầu tư xây dựng các công trình điện ra các huyện, đảo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác vận chuyển vật tư, thiết bị, do giao thông đường thủy là chủ yếu. 

Theo ông Hợp, có những dự án, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng móng cột điện cao hơn 10m ở mép đảo, hay có những thời điểm đang thi công thì bão, áp thấp nhiệt đới ập đến… 

Khi triển khai dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre, Tiên Hải (Kiên Giang) hay đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc đang thi công hiện nay đều có đến 40% thời gian thi công phải thực hiện trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên... 

Có những thời điểm biển động khiến tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể “đúng hẹn”. 

Hay đối với quần đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió, ông Hợp kể rằng do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc cấp điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 khó khăn hơn bội phần. 

Việc vận hành hệ thống điện “nơi đảo xa” cũng lắm truân chuyên khi thường xuyên hứng mưa bão hay các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng do hàm lượng muối trong không khí khá cao...

Điện khí hóa nông thôn: Những con số biết nói

hoanghontrennongtruong

Điện đã mang lại cho những người nông dân trồng thanh long cuộc sống khấm khá hơn - Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN

Dù nhiều sức ép và đòi hỏi nhưng cần nhìn một cách công bằng, ngành điện đã tạo ra kỳ tích: Việt Nam từ “nhóm cuối vươn lên nhóm đầu toàn cầu” tạo nên hình mẫu thành công về phát triển năng lượng vài thập niên qua. Cụ thể, Việt Nam hiện là quốc gia có quy mô nguồn điện đứng thứ 2 Đông Nam Á, quy mô lưới điện 500kV dài gần gấp 5 lần chiều dài đất nước.

Không chỉ đáp ứng điện cho khu vực sản xuất, đô thị tập trung, chương trình điện khí hóa nông thôn là một mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và các địa phương, được đánh giá là một trong những quốc gia thành công trên thế giới. Kết quả được ghi nhận bằng “những con số biết nói”.

Tỉ lệ hộ gia đình được kết nối với lưới điện tăng từ 2,5% năm 1975 lên 98,6% năm 2016. Tỉ lệ tiếp cận điện của người dân nông thôn tăng từ 14% vào năm 1993 lên trên 99% vào năm 2018. Trong vòng 25 năm, hơn 14 triệu hộ gia đình hay 60 triệu người dân Việt Nam đã được hòa lưới điện quốc gia.

Riêng miền Nam, từ giữa thập niên 1990 ngành điện đã thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn với hàng loạt dự án, công trình đưa điện đến các xã, thôn ở 21 tỉnh, thành. Số hộ dân được sử dụng điện không ngừng tăng, từ 99,12% số xã và 69,64% số hộ dân có điện (năm 2001) lên 100% số xã và 99,69% số hộ dân có điện, trong đó 99,55% số hộ dân nông thôn có điện vào cuối năm 2019, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đưa điện đến hầu hết các hộ dân nông thôn trên địa bàn.

Trong vùng sáng của ngành điện, những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các địa phương đã rất nỗ lực cho mục tiêu phủ điện đến toàn bộ người dân trong cả nước, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp, cũng cần ghi nhận những đóng góp to lớn của khu vực tư nhân hưởng ứng chủ trương đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn điện, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và người dân.

Mọi người vẫn thường nói một cách văn vẻ rằng điện là ánh sáng văn minh. Mà quả là đúng như vậy. Điện mang đến cho người dân cơ hội thực hiện đa dạng các hoạt động sản xuất. Ở ĐBSCL, chỉ một chuyện nhỏ thôi là thấy được tầm quan trọng của điện về mặt hiệu quả kinh tế cho người con tôm hiệu quả hơn hẳn.

Có điện, cây thanh long đem lại cuộc sống khấm khá cho nhà nông… Điện còn là ánh sáng văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn, từ thắp sáng đến tiếp cận các nguồn thông tin…

Mặc dù chương trình điện khí hóa nông thôn đã lập được kỳ tích nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Ví dụ việc triển khai các dự án cấp điện cho cộng đồng chưa nối lưới ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; nhiều dự án quốc tế phải trì hoãn do một số rào cản về các vấn đề chính sách, cơ chế hỗ trợ, tài chính.

Một nửa thị trường chưa phải là thị trường và Việt Nam vẫn chưa có một thị trường điện cạnh tranh đầy đủ khi mà Nhà nước vẫn phải gồng mình bù lỗ giá điện cho các đơn vị sản xuất để lấp khoảng trống giữa giá mua cộng chi phí, hao hụt với giá bán của ngành điện.

Đầu tư nguồn phát điện nào, từ năng lượng hóa thạch, điện sạch, tập trung hay phân tán luôn là bài toán khó, không chỉ liên quan chi phí - lợi ích thông thường dưới góc độ kinh tế, tài chính mà còn mang nhiều yếu tố chính trị, xã hội và môi trường. Tương tự, quản lý, điều hành ngành điện, trong đó có giá điện, luôn là một thách thức.

TRẦN HỮU HIỆP

Điện mặt trời nông nghiệp sắp được tháo điểm nghẽn? Điện mặt trời nông nghiệp sắp được tháo điểm nghẽn?

TTO - Sau hàng loạt các vướng mắc liên quan đến việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà, nhất là trên mái các khu công nghiệp và mái nhà các dự án nông nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có nhiều kiến nghị gỡ vướng.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên