Họ sống “chui” trong một mui đò chỉ rộng 4m2 ở bờ sông, gia sản không có bất cứ cái gì ngoài tên gọi của mình. Không ai có một mảnh giấy lận lưng, bốn người con không có giấy khai sinh, không đứa trẻ nào được đi học.
Phóng to |
Sáu người trong gia đình anh Ái sống tạm bợ trong mui đò rách nát bên bờ sông Hương - Ảnh: N.Linh |
Chúng tôi vào xóm tái định cư vạn đò Lại Tân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) tìm gặp vợ chồng anh Lê Văn Ái và chị Võ Thị Tranh. Hỏi đường về nhà vợ chồng anh Ái, một cụ ông ở trong xóm tỏ vẻ ngạc nhiên rồi chỉ tay ra túp lều nhỏ xíu nằm hắt hiu dưới bờ sông: “Vợ chồng hắn ở lậu dưới bờ sông, gạo ăn còn thiếu chứ nói chi nhà cửa”. Khi đến bến sông vừa lúc anh Ái chèo đò tấp vào bờ. Nghe tiếng chèo khua, bốn đứa con anh Ái ngồi trong cái chòi chạy ùa ra sông, hi vọng ba đi bủa lưới mang về ít cá cho bữa tối...
Sống ở ven sông
Ước mơ lớn nhất đời của chị Tranh là được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” để được cấp vốn. Rồi chị lẩn thẩn: “À, mà nhà tui không có hộ khẩu chắc họ không cho tham gia mô”. |
Neo đò vào bờ, anh Ái kể mình vốn là dân vạn đò ở phường Vỹ Dạ, TP Huế, năm 2009 TP chủ trương xóa vạn đò sông Hương nên gia đình anh trôi dạt về “ở lậu” bến sông này. Mặc dù là dân “vạn đò thứ thiệt” nhưng gia đình anh không được cấp đất tái định cư bởi không có hộ khẩu. Sáu người trong nhà không ai có một mảnh giấy lận lưng, cũng vì thế bốn đứa trẻ không có giấy khai sinh, không đứa nào được đi học.
Ngồi bệt dưới nền đất bên chiếc mui đò rách nát, anh Ái cứ nhìn mông lung về thượng nguồn sông Hương và kể về phận đời “bọt nước” của mình. Năm 1985, cơn bão số 8 dữ dội ập đến Huế gây nên cảnh đổ nát hoang tàn. Chiếc đò - nơi trú ẩn duy nhất của cả gia đình Ái - bị bão đánh tan. Ái và mẹ may mắn thoát chết, còn cha Ái thì nằm lại dưới đáy sông lạnh lẽo. Ái kể khi bão tan, dân vạn đò thương mẹ góa con côi nên đóng lại một chiếc đò nhỏ giúp mẹ con Ái có nơi trú ẩn.
Hai mẹ con Ái đi thả lưới, bắt ốc vẫn không kiếm đủ ăn. Đói quay quắt, mẹ Ái bỏ đò lên bờ đi lang thang ăn xin (sau này bà được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng xã hội tỉnh rồi chết vì bạo bệnh ở đây). Cậu bé Ái lên 10 sống côi cút trên chiếc đò, hằng ngày chèo chống buông lưới thả câu để kiếm miếng ăn giữa sông nước mênh mông. “Bão đánh chìm đò, cha chết, toàn bộ tài sản chìm mất, giấy tờ hộ khẩu cũng bị nước lũ cuốn trôi. Về sau hai mẹ con tui chỉ biết lầm lụi kiếm cái ăn chống đói, không ai nghĩ phải đi làm lại sổ hộ khẩu. Nên chừ sống mà chẳng có gốc tích, đi đâu cũng không ai xác nhận...” - anh Ái buông tiếng thở dài.
Mất cha, thiếu vắng bàn tay mẹ, cậu bé Ái hoang mang, đơn độc trong cuộc mưu sinh. Nhưng rồi năm tháng làm Ái gan lì và vững vàng hơn. Năm 1998, trong một lần chèo đò đi thả lưới, Ái tình cờ gặp chị Võ Thị Tranh cũng là dân vạn đò trên sông Kẻ Vạn, rồi bén duyên. Hai phận đời mồ côi trôi nổi dạt vào nhau, rồi về sống chung trên chiếc đò cũ nát. Họ nên vợ thành chồng mà không có nổi một mâm cơm báo cáo gia tiên, không có giấy đăng ký kết hôn. Trên chiếc đò làm nơi ở, cái tổ ấm ấy tiếp tục tháng ngày lênh đênh ngược xuôi khắp các dòng sông xứ Huế để mưu sinh. Tháng ngày qua, thằng Trường, thằng Quang, con Ánh, thằng Huy - bốn đứa con của anh chị - lần lượt chào đời giữa trăm bề thiếu thốn. Khi chiếc đò nhỏ không còn đủ chỗ để các con nằm ngủ thì chị Tranh mới nghĩ đến việc đi triệt sản. Chị nói: “Hai đứa thương nhau nên về ở với nhau rồi có bầu sinh con, đói nghèo nhưng đỡ côi cút”.
Mịt mờ tương lai
Ba năm nay, bốn đứa con đã lớn, chiếc đò nhỏ không còn chỗ ở nên vợ chồng anh kéo nhau lên bờ sông cắm chòi ở tạm. Tổ ấm của họ là chiếc mui đò cũ rộng chừng 4m2, vừa sắp đủ sáu con người ngả lưng, ngày mưa phải ngủ ngồi. Gia tài của họ vỏn vẹn hai cái nồi và mấy cái bát cũ sứt mẻ, bốn người con chưa một lần được mặc áo quần mới. Bữa cơm tối hôm chúng tôi đến chỉ có nồi canh rau muống lềnh bềnh vài con cá nhỏ xíu, bốn người con tranh nhau chan cơm ăn ngon lành.
Anh Ái kể năm năm trước cá còn nhiều, vợ chồng anh thả lưới một buổi đã đủ nuôi cả sáu miệng ăn. Nay cá sông Hương ít đi nên vợ anh phải đi bắt ốc, lượm ve chai mà vẫn không đủ tiền mua gạo. “Những ngày thuận trời thì vợ chồng tui còn làm lụng kiếm được năm bảy chục ngàn mua ít thức ăn, chứ lúc trời mưa bão thì chỉ ăn cơm với muối pha nước. Nhiều lần cả nhà nhịn đói 2-3 ngày, thằng con trai đầu 13 tuổi nhiều lần bỏ nhà đi ăn xin vì không chịu nổi đói” - anh Ái buồn rầu.
Cuộc sống khốn khó khiến hai vợ chồng già hơn nhiều so với độ tuổi của họ. Mới tuổi 35 nhưng chị Tranh trông già nua, khắc khổ, làn da đen sạm, ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn. Bốn đứa con thiếu ăn nên ốm nhom ốm nhách, trí não phát triển chậm chạp. Hỏi sao không làm giấy khai sinh cho các con, chị Tranh chua xót: “Nhà tui có hộ khẩu mô mà mần giấy khai sinh. Chừ cơm chưa đủ ăn, tiền mô mà cho con đi học, có giấy khai sinh làm chi?”. Chị Tranh tâm sự rằng không có sổ hộ khẩu, dù gia cảnh nghèo đói là vậy nhưng họ không hề nhận được bất cứ một sự hỗ trợ nào từ chính quyền, làm việc gì cũng khó bởi không ai biết chữ.
Đứa con trai đầu năm nay 13 tuổi nhưng nước dãi cứ chảy suốt ngày, nói không tròn tiếng, nhà không có tiền nên cứ để liều. “Có lẽ chẳng ai quan tâm đến sự tồn tại của gia đình tui nữa” - chị Tranh nghẹn lời. Ông Nguyễn Văn Búa (77 tuổi, dân vạn đò sông Hương) nói rằng: “Đời tui vạn đò từng phiêu dạt khắp nơi, nhưng chưa thấy ai khốn khổ như gia đình thằng Ái. Nhà nghèo, giờ con cái đều thất học thì mong chờ gì tương lai”. Ông Búa nói ba năm nay cứ tết đến là cả nhà hắn chèo đò “trốn” khỏi nơi ở để khỏi đến chơi nhà hàng xóm ngày đầu năm mới vì sợ họ chê mình thân phận nghèo hèn mang đến điều không may mắn.
Làm sao để anh Ái có hộ khẩu? Ông Võ Văn Kèn, trưởng thôn Lại Tân, xác nhận trước đây cha mẹ anh Lê Văn Ái là ông Lê Văn Bơi và bà Bùi Thị Lài có hộ khẩu thường trú tại khu vực 7, phường Vỹ Dạ, TP Huế. Tuy nhiên vợ chồng ông Bơi là dân vạn đò nghèo, mù chữ, sống bấp bênh nay đây mai đó. Anh Ái sinh ra không được khai sinh nên chưa có tên trong hộ khẩu. Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, trưởng Công an TP Huế, cho rằng: “Nếu bố mẹ anh Ái từng có hộ khẩu tại phường Vỹ Dạ, chúng tôi sẽ ký xác nhận và hướng dẫn vợ chồng họ đến nơi ở mới là xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), thực hiện các thủ tục để được cấp sổ hộ khẩu theo quy định”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận