04/03/2022 08:53 GMT+7

Bộ xét nghiệm là hàng thiết yếu?

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Người dân đang quan tâm đến giá cả, nóng nhất là năng lượng (xăng dầu, gas) và bộ xét nghiệm nhanh. Gia đình nào cũng cần hai mặt hàng này, giá đang nhảy đang múa "bào mòn" túi tiền của người tiêu dùng.

Bộ xét nghiệm là hàng thiết yếu? - Ảnh 1.

Hầu hết các loại kit xét nghiệm nhanh đều tăng giá cao khi mặt hàng khan hiếm - Ảnh: XUÂN MAI

Thế nhưng trong quản lý lại ứng xử khác nhau trước yêu cầu ổn định giá để giảm gánh nặng cho người dân. Nhiều biện pháp kìm đà tăng của giá xăng dầu đang được triển khai nhưng chưa thấy áp dụng cho bộ xét nghiệm!

Thật ra, câu chuyện quản lý giá bộ xét nghiệm đã được đặt ra từ năm 2021. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị bình ổn giá mặt hàng này bởi lợi nhuận của họ bị bào mòn trước chi phí xét nghiệm. 

Và vấn đề đã được "luật hóa", Quốc hội có nghị quyết "khẩn trương nghiên cứu xem xét đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (gồm bộ xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành mức giá trần xét nghiệm COVID-19 với cơ sở y tế tư nhân…". 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý bình ổn giá trang thiết bị y tế, mặt hàng cụ thể do Chính phủ quy định. Như vậy, theo nguyện vọng của doanh nghiệp, bức xúc của người dân trước giá cả biến động, bộ xét nghiệm là ứng viên, đã đặt một chân vào danh mục các sản phẩm quản lý giá, bình ổn giá. 

Nhưng một chân thì chưa thể giúp thay đổi tình hình. Cũng không thể bình ổn giá bằng lời kêu gọi chung chung. Đã nhiều tuần trôi qua, nay người dân phải chi thêm tiền để mua bộ xét nghiệm khi con em đến trường và để ứng phó với số ca lây nhiễm đã là 6 chữ số.

Trước đây, người dân không quan tâm nhiều đến giá bộ xét nghiệm vì đã có Nhà nước lo. Nay sống bình thường mới, người dân phải tự xét nghiệm bằng tiền của mình, chi phí xét nghiệm là một gánh nặng không đáng có.

Thật ra, cũng có ý kiến cho rằng không nên thứ gì cũng bình ổn giá. Quan điểm này đúng trong điều kiện bình thường. Nay đang là hoàn cảnh đặc biệt, số ca nhiễm tăng vọt, việc để thị trường quyết định có gì đó chưa ổn. 

Từ chủ trương bình ổn giá xăng dầu có thể rút ra kinh nghiệm cho quản lý bộ xét nghiệm. Đúng là điều hành bình ổn giá xăng dầu còn trục trặc, nhưng nếu thả theo thị trường, ở tình huống đặc biệt như chiến tranh Nga - Ukraine, nếu không có điều hành giá, xã hội còn mệt mỏi trước điệu nhảy của giá xăng dầu. 

Bởi giá xăng dầu trên thế giới không chỉ được quyết định bởi cung - cầu thực mà còn có yếu tố đầu cơ. Các nhà đầu cơ với kỳ vọng của mình đã mua/bán dầu, tạo ra lực cung - cầu khủng, đẩy giá biến động khó lường. Chính nhờ bình ổn giá đã làm giảm sức nóng của giá thế giới lên túi tiền người tiêu dùng trong nước.

Trở lại với bộ xét nghiệm, nhu cầu tăng cũng khó tránh khỏi kềm hàng tăng giá. Chưa rõ khi nào COVID-19 được xem là bệnh đặc hữu, nhu cầu xét nghiệm có giảm đi hay không nhưng từ nay đến đó, nếu không làm gì đó, người dân còn phải chi đậm cho vụ xét nghiệm.

Cần nhắc lại, các biện pháp của Bộ Y tế như yêu cầu tăng nguồn cung (doanh nghiệp tăng sản xuất, nhập khẩu thêm), giảm cầu (thông tin để người dân bớt lo lắng tìm mua bộ xét nghiệm, tư vấn trường hợp cần xét nghiệm...) chưa giúp hạ nhiệt thị trường. 

Các chỉ đạo kiểm tra, xử lý trường hợp găm hàng, đẩy giá bộ xét nghiệm… cũng chưa tìm ra "đương sự" để xử lý.

Doanh nghiệp và người dân gọi tên bộ xét nghiệm là hàng thiết yếu. Vậy bao giờ mặt hàng này mới được ghi tên vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá!?

Thứ trưởng Bộ Y tế: Người dân không cần trữ kit xét nghiệm COVID-19 Thứ trưởng Bộ Y tế: Người dân không cần trữ kit xét nghiệm COVID-19

TTO - Trong một gia đình có thể dùng chung kit xét nghiệm nhanh COVID-19, 2-3 người có thể chung một bộ, 2-3 ngày xét nghiệm một lần. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên