07/11/2019 09:14 GMT+7

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về gian lận xuất xứ sau chất vấn về Khaisilk, Asanzo

N.AN - N.HIỂN
N.AN - N.HIỂN

TTO - Thừa nhận đang có tình trạng gian lận thương mại, những bất cập trong ghi nhãn hàng hoá nên để xảy ra các vụ việc như Khaisilk hay Asanzo…, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đang xây dựng văn bản về ghi nhãn hàng hoá Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về gian lận xuất xứ sau chất vấn về Khaisilk, Asanzo - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp tivi tại nhà xưởng của Công ty CP Tập đoàn Asanzo - Ảnh: NGỌC HIỂN

Mở đầu phiên chất vấn ngày 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề gian lận xuất xứ hàng hoá.

Trả lời đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) về nghi vấn có "lỗ hổng pháp lý" trong quản lý xuất xứ hàng hoá, ông Trần Tuấn Anh cho biết thực tế đang diễn ra tình trạng gian lận thương mại hàng Trung Quốc và các nước thứ ba trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Việt Nam hiện đang thực thi hàng loạt biện pháp quan trọng về quản lý xuất nhập khẩu như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hải quan, quản lý thuế, quản lý thị trường…, cũng như có kiểm soát trong cấp CO.

Cùng với đó, Bộ trưởng Công thương khẳng định đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chống gian lận thương mại, nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hoá nước ngoài với hàng Việt Nam. Thủ tướng cũng đã ban hành đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Hiện còn có Nghị định 43 quy định về chứng nhận ghi nhãn mác, xuất xứ hàng hoá.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về gian lận xuất xứ hàng hóa - Nguồn THQH

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh thừa nhận trên thực tế bước đầu đã có những hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng.

"Chúng ta đã chứng kiến vụ Khaisilk trước đây và sau này có chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi nhãn xuất xứ hàng hoá với hàm lượng giá trị nội địa, gây vướng mắc cho doanh nghiệp, nên có câu chuyện Asanzo", Bộ trưởng cho hay.

Do đó, năm 2018 Bộ Công thương đã đề xuất, xây dựng văn bản pháp quy ghi chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Bộ cũng xin ý kiến các bộ ngành kiến nghị xây dựng thông tư về hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong nước. Đến nay, dự thảo thông tư đã hoàn thành, đang lấy ý kiến phản biện của xã hội, doanh nghiệp, người dân và tổ chức.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết các ý kiến ban đầu cho thấy phạm vi điều chỉnh của thông tư này cần nghiên cứu kỹ hơn, bởi quy định này dựa trên nền tảng bộ quy tắc xuất xứ của hải quan. Tùy ngành và lĩnh vực, các sản phẩm hàng hoá có đặc thù khác nhau, nên cơ sở nào tính toán giá trị gia tăng cũng là yêu cầu đặt ra.

Thông tin về vụ việc kho nhôm ngoại quan ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Anh cho biết đã nắm thông tin từ năm 2016 và đã tổ chức đoàn đi kiểm tra. Qua kiểm tra thực tế, hoạt động xuất khẩu nhôm chưa có gì đột biến, chưa có vi phạm trong cấp CO. Bộ Công thương đã phối hợp với hải quan, VCCI tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ khi cấp CO.

Với nghi vấn có "lỗ hổng" trong quản lý kho hải quan, ông cho hay Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý chặt chẽ. Trường hợp doanh nghiệp thẩm lậu hàng vào Việt Nam khi gửi hàng ở kho ngoại quan, ông khẳng định sẽ ngăn chặn.

Ông cũng khẳng định Bộ Công thương và các bộ ngành đang làm nghiêm túc, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả đối với vấn đề cấp CO với hàng hoá xuất khẩu.

Sau trả lời của ông Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tiếp tục chất vấn khi nào có thông tư về quy tắc xuất xứ và “mong bộ đừng thờ ơ”.

Đáp lời, bộ trưởng Công Thương thừa nhận có vấn đề gian lận xuất xứ phục vụ thị trường Việt Nam, có thực trạng mua sản phẩm nước ngoài, tráo nhãn mác để tiêu thụ trong nước, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ông Trần Tuấn Anh phân trần rằng “không phải không quyết tâm”, song xung quanh dự thảo thông tư còn nhiều chiều ý kiến nên cần cân nhắc. Bộ trưởng không dám khẳng định khi nào có thông tư, chỉ nói “bộ sẽ làm, bộ không vô cảm”, và đảm bảo văn bản pháp quy này đi vào cuộc sống.

"Lỗ hổng pháp lý" với ghi nhãn hàng Việt?

Trong phiên chất vấn chiều 6-11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) đề nghị bộ trưởng giải trình rõ hơn về hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt.

Theo đại biểu Sinh, vấn đề quan trọng nhất mà bộ trưởng chưa trả lởi được là lỗ hỏng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là công khai quy định thế nào là hàng Việt Nam.

"Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không, đẩy doanh nghiệp và người dân vào rủi ro. Asanzo, Khaisilk, có đơn thuần là gian lận thương mại hay không, đề nghị bộ trưởng nói rõ?".

Trong khi đó, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nêu bất cập về quản lý kho ngoại quan ở Bà Rịa - Vũng Tàu nên dẫn tới vướng mắc là chưa có quy định hàng hoá gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập vào khu chế xuất không phải chịu thuế. Dẫn tới nhiều hàng nước ngoài nhập vào có thể chuyển hoá thành hàng Việt Nam.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng nêu vấn đề có hay không buông lỏng quản lý trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ, và khi nào sẽ có quy định về ghi nhãn hàng hoá để bảo vệ hàng Việt Nam.

Tổng cục Hải quan: Asanzo có dấu hiệu vi phạm về nhãn hiệu và trốn thuế Tổng cục Hải quan: Asanzo có dấu hiệu vi phạm về nhãn hiệu và trốn thuế

TTO - Tổng cục Hải quan đã có căn cứ và xác định 2 dấu hiệu vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo: xâm phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và tội trốn thuế.

N.AN - N.HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên