Ông Nguyễn Văn Cẩn (tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan): Đề nghị đại diện VCCI nêu quan điểm sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả điều tra, xác minh của Tổng cục Hải quan về vi phạm của Asanzo.
Bà Trần Thị Thu Hương (giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - VCCI): VCCI có nhận văn bản của Asanzo. VCCI thành lập nhóm công tác làm việc với Asanzo trên tinh thần trao đổi thông tin với doanh nghiệp sau khi có bài báo đầu tiên trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Asanzo đã giãi bày những vấn đề liên quan. Nhóm công tác VCCI chỉ làm việc như vậy mà chưa có lần nào tiếp xúc thực tế với bộ hồ sơ của Asanzo.
Quan điểm cá nhân của tôi là Asanzo có nhiều sản phẩm nên cần xem xét trên từng sản phẩm cụ thể. Tổng cục Hải quan đưa ra hàm lượng giá trị nhập khẩu là 98%, chỉ 2% hàm lượng gia tăng tại VN. Kết quả này là cho tất cả sản xuất tại công ty hay chỉ một vài sản phẩm?
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Đây là hàm lượng cho từng sản phẩm. Xin ý kiến cụ thể của chị là chiếc tivi có hàm lượng giá trị 98% nhập khẩu và chỉ 2% giá trị trong nước, theo VCCI có giảm tiêu chí để doanh nghiệp tự xác định "xuất xứ VN"? Đề nghị VCCI trả lời cụ thể chứ không lan man...
Bà Trần Thị Thu Hương: Chúng ta đều biết đến nay mới có nghị định 31 về quy định quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu chứ chưa có quy định cho hàng sản xuất và lưu thông tại thị trường trong nước.
Sản phẩm muốn đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ thì sản phẩm phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản, sau đó mới đi vào quy định quy tắc xuất xứ cụ thể cho sản phẩm...
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Đề nghị chị cho ý kiến cụ thể. Ví dụ Asanzo xuất khẩu 621 chiếc tivi mà hàm lượng 98% là nhập khẩu, chỉ có 2% trong nước. Doanh nghiệp khai xuất xứ VN, có đủ cơ sở xác định dấu hiệu giả mạo xuất xứ VN với hàng xuất khẩu không?
Bà Trần Thị Thu Hương: Nếu như quy trình sản xuất mới chỉ gia công bằng tuôcnơvit để vặn, xoáy thôi thì rõ ràng không vượt qua công đoạn gia công đơn giản. Không vượt qua giai đoạn gia công đơn giản thì khỏi cần phải đi vào quy định quy tắc tỉ lệ phần trăm và chuẩn mã HS...
Án có hiệu lực hơn 8 tháng, Asanzo chưa thi hành xong
Công ty Đông Phương (trụ sở tại Hà Nội) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano từ năm 2008 cho các nhóm hàng hóa 7 (máy giặt, máy xay sinh tố chạy điện, máy ép trái cây); nhóm 9 (tivi, đầu đọc đĩa DVD, loa, amply); nhóm 11 (tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng...). Năm 2015, Công ty Đông Phương phát hiện Công ty CP điện tử Asanzo VN sử dụng nhãn hiệu Asanzo để gắn vào các sản phẩm cũng thuộc nhóm ngành hàng trên.
Tháng 8-2015, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã có kết luận giám định khẳng định dấu hiệu Asanzo là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano... nên Công ty Đông Phương đã khởi kiện Công ty Asanzo VN ra TAND TP.HCM.
Asanzo đã có đơn phản tố yêu cầu Công ty Đông Phương cải chính, xin lỗi vì đã nhận thức chưa đúng về bản chất vụ việc và hiểu nhầm việc sử dụng nhãn hiệu của Công ty Asanzo...
Trong bản án sơ thẩm, HĐXX đã nhận định: đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu của Công ty Đông Phương, buộc Công ty Asanzo VN chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ VN; buộc bồi thường cho Công ty Đông Phương 100 triệu đồng; phải xin lỗi, cải chính công khai...
Asanzo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, Công ty Đông Phương cũng kháng cáo yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tháng 1-2019 TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và cho rằng kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn đều không có căn cứ. Do đó, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM có hiệu lực pháp luật ngay lập tức, tuy nhiên đến nay đã hơn 8 tháng trôi qua nhưng theo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, Asanzo mới chỉ thi hành việc bồi thường 100 triệu đồng, còn 2 yêu cầu còn lại vẫn chưa thực hiện.
Nhóm PV
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận