28/10/2019 10:07 GMT+7

Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng

NGỌC HIỂN  - LÊ THANH
NGỌC HIỂN - LÊ THANH

TTO - Sáng 28-10, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng - Ảnh 1.

Đại diện Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính - Ảnh: N.KHÁNH

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh về vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và nhãn hiệu Asanzo của Tổng cục Hải quan, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm với nhiều yếu tố.

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm tại Tập đoàn Asanzo

Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định dấu hiệu vi phạm cơ bản gồm: Vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu); việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.

Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tại cuộc họp sáng nay - Ảnh: N.KHÁNH

Đối với các vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã xác định nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các công ty có tên Asanzo đối với cả hàng xuất khẩu lẫn hàng lắp ráp để tiêu thụ trong nước.

Về hành vi vi phạm về trốn thuế, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các sai phạm của Asanzo, trong đó có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Quy trình lắp ráp ra sao?

Quy trình lắp ráp tivi: Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m (diện tích 45m2) mỗi bàn để vừa 1 TV 50 inch, 1 phòng test bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách lắp vít, không lắp cấu hình chính.

Dãy bàn này vừa lắp TV, vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Lắp 1 TV cần 12 người và 30 người phụ trợ với thời gian lắp là 25 phút. Sau khi lắp xong, TV được đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo, in ngôn ngữ tiếng Việt, mã số mã vạch Việt Nam, xuất xứ Việt Nam, sau đó bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.

Quy trình lắp ráp điều hòa nhiệt độ: Từ trước tháng 5-2018, công ty dùng chung dãy bàn lắp ráp TV như đã mô tả trên. Từ tháng 5-2018 đến nay, công ty không thực hiện lắp ráp điều hòa nhiệt độ. Quy trình lắp ráp điều hòa nhiệt độ gồm 2 phần: lắp ráp dàn lạnh, và lắp dàn nóng. Mỗi phần gồm 10 bước như lắp mô tơ quạt, cánh quạt vào sườn, lắp dàn lạnh vào sườn nhựa, lắp bo mạch, đi day, lắp dàn áo, dán tem. Thời gian lắp điều hòa nhiệt độ hết 30 phút.

Quy trình lắp ráp ấm đun nước siêu tốc: Tương tự như lắp TV và điều hòa nhiệt độ, các hoạt động chủ yếu là lắp ráp các bộ phận có sẵn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, bao gồm ghim thiếp nguồn dưới và dây nguồn, bắt đế nguồn, lắp đèn báo và đế bình, ráp nắp bình, dán tem phụ và đóng hộp.

Công suất trong 1 ngày với khoảng 50 công nhân lắp được 1.500 cái. Đối chiếu với video quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp TV bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất của công ty cho thấy thực tế hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo.

Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản?

Đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam khẳng định: "Đối tác trên hợp đồng là SHARP-ROXY (Hong Kong) LTD không có thật và hợp đồng trên là giả mạo".

Từ ngày 25-9-2016, Tập đoàn Sharp Nhật Bản đã không còn liên doanh cùng Công ty Sharp-Roxy (Hong Kong) Ltd. Về chữ ký và con dấu trên hợp đồng: Khi thay đổi tên công ty từ Sharp-Roxy (Hong Kong Ltd) thành công ty TNHH Sharp Hong Kong (31-10-2016) thì từ thời điểm này, con dấu không còn hiệu lực; về chữ ký trên hợp đồng: không xác định được người ký.

Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam đã gửi đơn tố cáo hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" của công ty CP tập đoàn Asanzo đến Công an TP.HCM, Bộ Công an.

Qua xác minh của Cơ quan Hải quan với đối tác nước ngoài thấy kết quả đúng như xác nhận của đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam.

Tại công văn số 2294/BKHCN-TTr ngày 31-7-2019 cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến thông tin, tài liệu về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp, việc sử dụng slogan "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", Bộ Khoa học và công nghệ khẳng định không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sao nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam và các công ty có liên quan.

Có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, cơ quan chức năng xác định các nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các công ty có tên Asanzo gồm:

Đối với hàng hóa xuất khẩu: Kiểm tra 5 tờ khai xuất khẩu, Asanzo xuất khẩu 661 chiếc tivi nhãn hiệu Asanzo các loại và các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa cho khách hàng tại Nhật Bản, trên tờ khai xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam.

Căn cứ quy định quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản), đối chiếu với thực tế lắp ráp tại cơ sở sản xuất của công ty thấy: việc lắp ráp thực hiện trên các bàn trải dài, công nhân lắp ráp các sản phẩm bằng tuốc nơ vít, không có dây chuyền, máy móc, thiết bị phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao; việc lắp ráp các bộ phận của sản phẩm thông qua các nhân công lao động thủ công để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị hàm lượng gia tăng không cao.

Theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường nhận thấy tỉ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.

Như vậy, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Đối với hàng hóa lắp ráp để tiêu thụ trong nước: Qua kiểm tra xác định, Công ty CP Tập đoàn Asanzo không tự sản xuất và nhập khẩu linh kiện mà mua từ các Công ty trong nước để lắp ráp các thành phẩm. Linh kiện mua trong nước gồm các linh kiện có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc và từ các nguồn khác. Sản phẩm lắp ráp khi lưu thông trên thị trường nội địa ghi xuất xứ Việt Nam.

Theo quy định tại điểm d, Điều 2 và điểm c Điều 3 Hiệp định về Quy tắc xuất xứ WTO thì "Quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn quy tắc xuất xứ áp dụng để xác định hàng hóa đó có phải là hàng nội địa hay không và không được phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên".

Căn cứ quy định này, tiêu chí xuất xứ hàng hóa lắp ráp hàng hóa để tiêu thụ trong nước phải tối thiểu tương đương với tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Thông tư số 05/2018/TT-BCT.

Giả mạo nhãn hiệu

Về kết quả quả kiểm tra, khám xét đối với lô hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo, qua kiểm tra 14 container khai báo hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo (Công ty TNHH Đầu tư Phương Nguyên Asanzo và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt Tài), cơ quan chức năng xác định: Hàng hóa nhập khẩu gồm máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện nguyên chiếc, xuất xứ: Made in China, thể hiện trên bao bì (dán trực tiếp lên thùng cáctông và trên sản phẩm chữ Made in China bằng giấy decal, nền trắng, chữ đen - dán phía sau máy).

Kết quả giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ xác định: Dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên sản phẩm và bao bì máy làm mát là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano và hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhạn hiệu số 107919 của Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương.

Đối chiếu với kết quả giám định với các nhóm hàng: nhóm 7, nhóm 9, nhóm 11 mà Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương đã đăng ký thương hiệu, cơ quan chức năng kết luận có căn cứ khẳng định “nhãn hàng Asanzo, hình” đã vi phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hàng “Asano, hình” đã được đăng ký sử dụng với Cục Sở hữu trí tuệ.

Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định của Chính phủ, cơ quan chức năng xác định hành vi nhập khẩu máy làm mát mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc vào Việt Nam của Công ty TNHH đầu tư và sản xuất Phương Nguyên Asanzo đã vi phạm khoản b,c của điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.

Về việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo và các nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng kết luận tại bản án vào tháng 1-2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM xét phúc thẩm công khai về “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa công ty Phương Đông và Công ty CP Điện tử Asanzo đã tuyên xử buộc Công ty CP Điện tử Asanzo phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình”.

Tuy nhiên, công ty này vẫn ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho Công ty CP Tập đoàn Asanzo trên các sản phẩm, chưa xóa bỏ nhãn hiệu trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam là không chấp hành bản án, vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kết luận hành vi của Công ty CP điện tử Asanzo là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ khi ký 7 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các đối tác.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án “buôn lậu” về việc công ty khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh nhưng khi kiểm tra, phát hiện toàn bộ hàng hóa là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành ghi sẵn bằng tiếng Việt: “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, kèm số đường dây nóng 18001035, toàn bộ lò nướng này không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ.

Trốn thuế

Kết luận thanh tra ngày 23-10 của Cục Thuế TP.HCM đã chỉ rõ các hành vi vi phạm về thuế của Asanzo.

Qua xác minh, cơ quan thuế nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến các hóa đơn đầu vào nhận từ các đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký theo thông báo của cơ quan thuế, qua đó cơ quan thuế chuyển sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Về việc khai thuế, nộp thuế đã vi phạm, cơ quan thuế xác định những vị phạm cụ thể: Doanh nghiệp khai thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào khấu trừ không đúng quy định, vi phạm Luật Thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định, vi phạm Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Về hóa đơn: Doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn, vi phạm Điều 16 thông tư 39/2014/TT-BCT; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, vi phạm điều 23 của thông tư này. Doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ, không ghi chép trong sổ sách kế toán linh kiện và thành phẩm điều hòa nhiệt độ có dán tem Asanzo, bao bì in nhãn hiệu Asanzo và khoản thu liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, không xuất hóa đơn cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, không khai thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Doanh nghiệp không ghi chép trong sổ sách kế toán mặt hàng linh kiện điều hòa nhiệt độ từ các công ty Trần Thoàn, Việt Tài, An Thiên về thuê bên ngoài gia công một phần và phần còn lại tự sản xuất, lắp ráp thành thành phẩm là mặt hàng điều hòa nhiệt độ, có dán tem Asanzo và bao bì nhãn hiệu Asanzo, sau đó bán cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo.

Đồng thời, sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ để hạch toán hàng hoá, đầu vào để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Những hành vi trên đã vi phạm Luật Quản lý thuế.

Tổng số thuế truy thu và phạt là hơn 47,6 tỉ đồng. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế số tiền hơn 40,5 tỉ đồng. Số tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỉ đồng. Phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 5,3 tỉ đồng.

Riêng hành vi không xuất hoa đơn khi bán hàng trốn thuế GTGT, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM không xử phạt vi phạm hành chính về thuế do hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định.


Chuyển sang xử lý hình sự, Cục Thuế phạt Asanzo còn hơn 47,6 tỉ đồng Chuyển sang xử lý hình sự, Cục Thuế phạt Asanzo còn hơn 47,6 tỉ đồng

TTO - Cục Thuế TP.HCM vừa ban hành quyết định 5403 hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Asanzo. Như vậy, tổng số tiền thuế truy thu, phạt với Asanzo còn hơn 47,6 tỉ đồng, thay vì 68 tỉ như trước.

NGỌC HIỂN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên