Tham gia trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20-3, Bộ trưởng Bộ Công an - đại tướng Tô Lâm nêu rõ việc hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Theo đó, ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục.
Bộ trưởng Tô Lâm: "Các đối tượng tham nhũng phải bị xử lý nghiêm"
Ông Lâm dẫn chứng điển hình qua một số vụ án ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục…, góp phần minh bạch vấn đề này với mục tiêu "một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực".
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các đối tượng tham nhũng phải bị xử lý nghiêm, và những người đang có kiểu cách làm việc như những đối tượng tham nhũng, hay các đơn vị, công ty đang có phương thức làm việc kiểu như vậy, phải chấm dứt ngay, khắc phục hậu quả nếu không muốn bị xử lý.
Về mặt quản lý nhà nước, người đứng đầu ngành công an cho rằng phải rà soát tất cả các quy định mà trong quá trình thực hiện bộc lộ sơ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội.
Một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, theo ông Lâm, thể hiện rất rõ việc lợi dụng sơ hở của các quy định.
Tuy những vụ án, vụ việc đó không nhiều (chứng khoán có 1 vụ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có 2 vụ), song đã để lại những bài học rõ ràng cần rút kinh nghiệm và phải chấn chỉnh những quy định từ thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí là luật.
'Cán bộ nếu tự sống vào đồng lương thì hết sức khó khăn'
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các giải pháp để cán bộ "không muốn, không dám và không thể tham nhũng", Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đưa ra ba giải pháp.
Đầu tiên là thể chế, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không để lợi dụng, để "không thể" tham nhũng.
Để "không dám" tham nhũng thì phải xử nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi, giúp răn đe, khiến người có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật phải "chờn".
Để "không muốn" tham nhũng, ông Trí kiến nghị chế độ chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức, vì "cán bộ nếu tự sống vào đồng lương của mình thì hết sức khó khăn".
"Một tỉ lệ sống được cũng nhờ vào các nguồn khác. Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng… Tức là có sự hỗ trợ để hoàn thành công việc, còn chế độ như hiện nay thì cán bộ rất khó khăn, đặc biệt là cấp cơ sở", ông Trí cho rằng cần đảm bảo mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận