Thông tin được nêu ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2024 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông Dũng, trong bối cảnh tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ, tính chung 2 tháng tăng 3,67%; giá các mặt hàng cơ bản ổn định, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trong dịp Tết.
Nhiều chỉ số tích cực
Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tập trung thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng tương ứng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỉ USD.
Tổng vốn FDI đăng ký 2 tháng đạt gần 4,3 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỉ USD, tăng 55,2%). Trong đó đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo đạt 2,54 tỉ USD, chiếm 59,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,8%.
Bộ trưởng đánh giá các chỉ số này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào triển vọng phục hồi tăng trưởng, sự ổn định và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%).
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ giảm 3,1%); chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm, số lượng đơn hàng mới tăng trở lại, cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp thời gian tới.
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ, 2 tháng tăng 8,1%; khách quốc tế 2 tháng đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ. Có hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Tháo gỡ vướng mắc quy định, thủ tục
Về các khó khăn, ông Dũng nói sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Thị trường bất động sản đã tích cực nhưng một số bất cập, vướng mắc kéo dài nhiều năm, nhất là về pháp lý của một số doanh nghiệp, dự án bất động sản vẫn chậm được xử lý…
Các yếu tố rủi ro, biến động về nguồn cung, giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn... trên thế giới cần được quan tâm, theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời.
Bộ trưởng cho rằng các thách thức cả bên trong và bên ngoài còn rất lớn, tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội... trong năm 2024.
Do vậy, ông nói chúng ta cần tranh thủ, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ các xu thế lớn toàn cầu, thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế trong thời gian qua. Các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc ngay từ đầu năm.
Đến ngày 29-2, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết 631.900 tỉ đồng, đạt 94,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 33,5 nghìn tỉ đồng.
Ước thanh toán đến ngày 29-2 khoảng 60.000 tỉ đồng, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,97%). Có 29 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024.
Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Đến ngày 26-2, có 45/48 địa phương đã giao chi tiết 24.370 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 89,5% kế hoạch. Ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 2 đạt 3.290 tỉ đồng (15% kế hoạch).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận