19/06/2023 23:31 GMT+7

Không chỉ giảm lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm điều kiện, gỡ thủ tục tiếp cận vốn

Giảm lãi suất ở mức phù hợp và hạ các điều kiện tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn thủ tục giúp doanh nghiệp trụ lại được qua giai đoạn khó khăn.

Không chỉ giảm lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm điều kiện, gỡ thủ tục tiếp cận vốn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng cần tháo gỡ cơ chế, hạ điều kiện tiếp cận vốn - Ảnh: VGP

Ngày 19-6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế. 

Nêu thực tế, "doanh nghiệp rất muốn vay, nhưng không vay được, trong khi ngân hàng cũng rất muốn cho vay", ông Nguyễn Văn Thân - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho rằng vướng nằm ở cơ chế chính sách.

Gỡ cơ chế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất

Nhìn nhận trình độ doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế, song ông Thân cho rằng các cơ quan cần nghiên cứu toàn diện, hạ các điều kiện tiếp cận vốn.

Hiện Nhà nước bù lãi suất 2%/năm, nhưng doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng thương mại không cho vay được và "cũng không thiết tha làm" do các bên đều ngại.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng hầu hết doanh nghiệp đều khó tiếp cận vốn. Vì vậy, ông đề nghị mức lãi suất với các phân khúc khác là từ 8,5 - 9%/năm, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ ở mức 6,5 - 7%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một phần. Nếu tháo gỡ được quy trình thủ tục đầu tư, rút gọn được khâu trung gian, thời gian giải quyết, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 12 - 15%.

Do đó, ông Khôi cho rằng cần hoàn thiện môi trường pháp lý, các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Nhà ở. 

Đồng thời, cần phát triển nguồn cung, phát triển thị trường vốn lành mạnh, tăng cường công nghệ để quản lý, giám sát các kênh huy động vốn của bất động sản…

Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng doanh nghiệp "cần trụ qua giai đoạn này", đợi tới cuối năm xuất hàng. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá về vốn, tín dụng.

Ông Nam kiến nghị hạ lãi suất cho vay bằng USD xuống dưới 4%; tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%; giãn nợ phải trả từ 3 - 6 tháng giúp doanh nghiệp trụ lại, điều chỉnh các khoản phí giao dịch ngân hàng…

Không chỉ giảm lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm điều kiện, gỡ thủ tục tiếp cận vốn - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, sửa đổi ngay trong tháng 6-2023 để tiếp cận vốn thuận tiện hơn - Ảnh: VGP

Cơ cấu nợ, phân loại từng nhóm khách hàng để hỗ trợ

Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, giám đốc Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần nhìn vào từng nhóm vấn đề để nghiên cứu cơ cấu lại điều kiện vay, lãi vay cho phù hợp.

Kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trong đó, cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực. Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước có giải pháp điều hành giảm lãi suất; các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Nghiên cứu giải pháp có các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất chủ lực trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Rà soát, đánh giá toàn diện, phân loại và thống kê đầy đủ các khoản đã cấp tín dụng để xác định mặt bằng lãi suất cho vay trung bình hiện nay làm cơ sở để có giải pháp điều hành phù hợp.

Phó thủ tướng cũng nói về quan điểm kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, sửa đổi ngay trong tháng 6-2023 để tiếp cận vốn thuận tiện hơn.

Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Tính toán liều lượng phù hợp trong huy động vốn để kích thích tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ…

Lãi suất cho vay cao có nguyên nhân ngân hàng là Lãi suất cho vay cao có nguyên nhân ngân hàng là 'sân sau' của doanh nghiệp bất động sản?

Một trong những nguyên nhân được ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Đại học Fulbright - đưa ra để giải thích cho việc lãi suất cho vay đang ở mức cao là vì ngân hàng là 'sân sau' của công ty bất động sản.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên