24/01/2024 10:46 GMT+7

Chiến lược thu hút FDI thành công của Bắc Giang: 1 không, 2 ít, 3 cao và 5 sẵn sàng

Bắc Giang là tỉnh thu hút được khoảng 3 tỉ USD vốn FDI đăng ký trong năm 2023 và nhiều năm liền nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI của cả nước.

Ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

Ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

Chiến lược của Bắc Giang là gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết tỉnh đã đưa ra ba trụ cột trong chính sách thu hút đầu tư FDI là:

- Tập trung đầu tư cho hạ tầng mà đặc biệt hạ tầng khu công nghiệp (KCN),

- Thúc đẩy cải cách hành chính tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư

- Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các dự án công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương không chọn dự án gây ô nhiễm, sử dụng ít đất, ít lao động và có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ tiếp xúc, trao đổi, mời gọi doanh nghiệp lớn ở nước ngoài mà còn đẩy mạnh "xúc tiến đầu tư tại chỗ" thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang. Từ đó, họ giới thiệu với nhau để đến Bắc Giang. Đây là cách xúc tiến đầu tư tối ưu hơn cách chúng ta tự quảng bá rất nhiều
Chiến lược thu hút FDI thành công của Bắc Giang: 1 không, 2 ít, 3 cao và 5 sẵn sàng- Ảnh 2.Ông Mai Sơn (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang)

Đẩy mạnh chuyển đổi số

* Thưa ông, với những gì đã làm được thì tóm tắt lợi thế của Bắc Giang trong thu hút vốn FDI là gì?

- Bắc Giang có sức hút lớn với nhà đầu tư FDI nhờ ba yếu tố chính là hạ tầng, cải cách hành chính và nguồn nhân lực chất lượng mà đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực điện - điện tử.

Về hạ tầng, những năm qua Bắc Giang tập trung cao phát triển hạ tầng giao thông, KCN, cụm công nghiệp; ngoài hệ thống quốc lộ, Bắc Giang chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh cùng phát triển hạ tầng, liên kết vùng.

Ngoài ra chúng tôi phối hợp làm nhiều cây cầu để nối với các tỉnh. Chúng tôi cũng phối hợp với Quảng Ninh để mở rộng đường nối Bắc Giang với Quảng Ninh, để Bắc Giang "cũng có biển".

Tỉnh cũng đẩy mạnh giải phóng mặt bằng KCN để tạo quỹ đất sạch, riêng năm 2023 đã giải phóng 365ha mặt bằng sạch đất công nghiệp. Còn đất đô thị và đất khác hơn 300ha.

Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng ký số 100% từ cấp xã trở lên. Trong ba năm liên tiếp từ 2020 - 2022, tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Đặc biệt năm 2023, Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính và đứng thứ 9 về chỉ số chuyển đổi số. Điều này gây ấn tượng rất tốt với nhà đầu tư.

Công nhân sản xuất trong nhà máy triệu đô của Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn FDI của Hàn Quốc) tại Bắc Giang - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG

Công nhân sản xuất trong nhà máy triệu đô của Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn FDI của Hàn Quốc) tại Bắc Giang - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG

* Ngoài sự chủ động về hạ tầng thì cách quản lý và đồng hành với doanh nghiệp thế nào, thưa ông?

- Tỉnh đã chủ động thành lập những tổ công tác đặc biệt do một lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để giải quyết tất cả các vướng mắc đối với các dự án trọng điểm có thể tạo cú hích.

Nếu quá trình xây dựng, triển khai dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, trung ương, tổ công tác này sẽ phối hợp với nhà đầu tư trực tiếp gặp gỡ các bộ, ngành để báo cáo, đề nghị giải quyết nhanh.

Ví dụ khi nhà đầu tư, người dân mong giải quyết tắc đường trong giờ cao điểm trên cầu Như Nguyệt (cao tốc quốc lộ 1 nối Bắc Ninh với Bắc Giang), tỉnh đã chủ động đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách tỉnh để đầu tư làn thứ hai của cầu này, tháo được nút thắt về giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.

Việc này cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư rằng chính quyền Bắc Giang luôn tích cực, năng động, tạo thuận lợi tối đa cho họ khi đầu tư vào tỉnh.

Bắc Giang cũng luôn quan tâm đến đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 của cả nước là 68% thì tỉ lệ của Bắc Giang là 76%, trong đó tỉ lệ được cấp chứng chỉ trong tỉnh lên tới 33%, còn cả nước là 27%.

Hiện Bắc Giang đã đào tạo được nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Hana Micron vừa tuyển được 62 công nhân tại Bắc Giang và chuẩn bị ký kết hợp tác với một trường cao đẳng của tỉnh để đào tạo nhân lực phục vụ ngành này.

Về lâu dài, tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn của cả nước.

Ngoài ba trụ cột trên, Bắc Giang không ngừng quan tâm, cải thiện an sinh xã hội cho công nhân.

Đến nay có 12 dự án nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng để họ an cư lạc nghiệp. Tỉnh xác định thế hệ công nhân này là thế hệ F0 và mong có thế hệ công nhân F1 tiếp nối ở địa phương.

Khu vực nhà máy của Foxconn Hồng Hải, đối tác toàn cầu của Apple, tại Bắc Giang - Ảnh: HÀ QUÂN

Khu vực nhà máy của Foxconn Hồng Hải, đối tác toàn cầu của Apple, tại Bắc Giang - Ảnh: HÀ QUÂN

Đào tạo ngay từ "khâu 9+"

* Việc đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua được tỉnh triển khai thế nào, thưa ông?

- Bắc Giang không chỉ "hớt trên ngọn" mà làm ngay từ "khâu 9+". Tỉnh còn hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo 400.000 đồng/tháng trong thời gian theo học chương trình 9+.

Đồng thời tỉnh tập trung tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh hiểu được lợi ích từ chương trình này cũng như không đặt nặng vấn đề bằng cấp. Tỉ lệ các em tốt nghiệp chương trình 9+ tại Bắc Giang ra trường có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo rất cao, khoảng 90%.

* Như ông nói thì việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn được tỉnh đặc biệt quan tâm, vậy tỉnh đã làm gì để kết nối các doanh nghiệp FDI với các trường cao đẳng nghề của tỉnh?

- Việc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là sự phối hợp, kết nối giữa các doanh nghiệp với các trường cao đẳng nghề.

Tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo kỹ năng sư phạm cho các kỹ sư đang làm tại doanh nghiệp để họ đủ điều kiện tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của tỉnh; doanh nghiệp cũng hỗ trợ nhà trường đầu tư một số thiết bị phục vụ đào tạo.

Ngoài ra tỉnh cũng đang phối hợp với chuyên gia giỏi về chip bán dẫn, liên kết với một số trường đại học để thiết kế module đào tạo nguồn nhân lực.

Việc đào tạo công nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Bắc Giang được thiết kế theo chương trình 1-1-1 (1 năm học lý thuyết ở nhà trường, 1 năm vừa học ở nhà trường vừa học ở trung tâm đào tạo của doanh nghiệp và 1 năm thực tập ở doanh nghiệp kết hợp hoàn thiện các môn học cuối ở trường).

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

"1 không, 2 ít, 3 cao và 5 sẵn sàng"

* Chiến lược thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang trong những năm qua là gì và tỉnh đã làm thế nào để đón được các "đại bàng" công nghệ như Hana Micron, Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar?

- Chiến lược thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang có tiêu chí rất rõ ràng với phương châm: 1 không - không ô nhiễm; 2 ít - sử dụng ít đất, ít lao động; 3 cao - dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao; và 5 sẵn sàng - sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, chống dịch hiệu quả. Bởi vậy, tỉnh nhắm tới những doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí trên.

Trong đối ngoại, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tham gia các đoàn cấp cao tới các nước để gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các tập đoàn lớn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, trọng tâm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...

Tham gia những chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước chính là cơ hội để lãnh đạo tỉnh tiếp cận các nhà đầu tư lớn.

Tuy nhiên, theo tôi, gốc rễ vẫn phải từ nội lực. Đó là không chỉ tiếp xúc, trao đổi, mời gọi doanh nghiệp lớn ở nước ngoài mà còn đẩy mạnh "xúc tiến đầu tư tại chỗ" thông qua việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Bắc Giang.

Từ đó họ giới thiệu với nhau để đến Bắc Giang. Đây là cách xúc tiến đầu tư tối ưu hơn cách chúng ta tự quảng bá rất nhiều.

* Ngoài các tiêu chí chọn lọc chung, chiến lược thu hút đầu tư FDI của Bắc Giang có hướng đến những ngành nghề, lĩnh vực cụ thể không?

- Tỉnh Bắc Giang xác định chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ của tương lai như năng lượng mặt trời, chip bán dẫn, xe điện, linh kiện điện tử và dịch vụ phục vụ cho các ngành này.

Ngoài ra, tỉnh cũng đón nhận các dự án sản xuất phần mềm. Đây là một trong số các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao nhất, tạo giá trị gia tăng lớn, ít tiêu tốn tài nguyên, năng lượng...

Tỉnh cũng định hướng thu hút một số ngành nghề ưu tiên đầu tư theo hệ sinh thái công nghiệp.

Ví dụ một tập đoàn lớn của Trung Quốc đầu tư một hệ sinh thái sản xuất trọn gói pin năng lượng mặt trời tại đây.

Bắc Giang cũng ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất gắn với hệ sinh thái đầu tư hạ tầng nhà ở, khu vui chơi, trường học, dịch vụ y tế, dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe, công viên cho người lao động.

Có như vậy hệ sinh thái công nghiệp mới bền vững.

* Một doanh nghiệp đến Bắc Giang đầu tư gặp vướng mắc, họ muốn gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh để trao đổi, tìm giải pháp gỡ vướng có dễ dàng không?

- Có những việc không phải đợi doanh nghiệp phản ảnh thì mới giải quyết mà lãnh đạo tỉnh dự báo sẽ khó nên chủ động xử lý.

Ví dụ năm 2023 có thời điểm tình hình mất, thiếu điện xảy ra, tỉnh tổ chức ngay cuộc gặp với các doanh nghiệp để bàn giải pháp gỡ khó vấn đề chưa có tiền lệ, hướng dẫn, cũng như quy định này.

Để đáp ứng đủ lượng điện phục vụ sản xuất, tỉnh quyết định ưu tiên điện sản xuất vào ban ngày và điện sinh hoạt cho người dân vào ban đêm vì công nhân cũng cần nghỉ ngơi để hôm sau đủ sức khỏe làm việc.

Hay từ 20 năm trước, khi một nhà đầu tư lớn tới Bắc Giang, tỉnh bố trí một xe 12 chỗ với lái xe riêng cho đoàn chuyên gia của một tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu khảo sát, tìm địa điểm đầu tư, đồng thời hỗ trợ họ suốt quá trình chuẩn bị đầu tư. Vậy mà vẫn có những lúc họ chùng lại, tưởng như không đầu tư nữa.

Cuối cùng, thấu hiểu sự chân thành của chính quyền tỉnh Bắc Giang, tập đoàn này đã quyết định mở nhà máy ở đây. Gần đây, tập đoàn còn quyết định mở rộng đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Từ những câu chuyện đó, cộng đồng nhà đầu tư tin tưởng hơn vào chính quyền tỉnh.

Bắc Giang nói gì về tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước?Bắc Giang nói gì về tốc độ tăng trưởng GRDP dẫn đầu cả nước?

Tỉnh Bắc Giang lý giải có 6 nguyên nhân giúp tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) dẫn đầu cả nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên