Theo ông Nguyễn Thanh Long, qua phân tích cho thấy đợt dịch ở Hải Dương hiện nay lây lan nhanh nhất, diễn biến khó lường nhất so với các đợt dịch đã xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay.
Hải Dương căng thẳng nhất
Theo đó, kể từ ngày 27-1 đến nay đã ghi nhận 755 bệnh nhân, trong đó riêng Hải Dương 575 ca, Quảng Ninh 60 ca, TP.HCM 36 ca, Hà Nội 35 ca.
So với đợt dịch tại Đà Nẵng sau 20 ngày số mắc bắt đầu giảm, số ca mắc trung bình mỗi ngày là 15 ca/ngày; thì Hải Dương ghi nhận trung bình 20 ca/ngày, đến nay sau hơn 20 ngày vẫn chưa rõ xu hướng. Tổng số mắc tại Hải Dương đến nay đã vượt xa toàn bộ đợt dịch tại Đà Nẵng.
Chủng virus gây bệnh tại Đà Nẵng cũng là chủng biến chủng nhưng tốc độ lây lan tại Hải Dương lần này nhanh hơn. Đến nay đã ghi nhận 3 chủng virus biến chủng trong đợt dịch này, gồm 2 chủng bắt nguồn từ châu Phi và 1 chủng bắt nguồn từ Anh.
Cho đến thời điểm này đã có 8/13 địa phương trong đợt này có nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới, hiện chỉ còn Hải Dương tình hình vẫn phức tạp.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các vướng mắc dẫn đến gia tăng nhanh ca bệnh tại Hải Dương đang được khắc phục: giãn cách tất cả các khu cách ly tập trung, xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng dân cư...
Mọi người dân đều có vắc xin tiêm ngừa, năm 2021 đã có 60 triệu liều
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá rất cần cẩn trọng từng khâu, do các nguy cơ vẫn còn nhiều.
Ông Long cũng cho biết Bộ Chính trị đã họp và có chỉ đạo Chính phủ, giao Bộ Y tế tìm nguồn vắc xin cho người dân.
"Trước mắt năm 2021 này có nguồn vắc xin viện trợ của COVAX là 30 triệu liều, chủ yếu cho 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó là nguồn vắc xin mua của Công ty AstraZeneca 30 triệu liều, ít nhất trong năm 2021 chúng ta đã có 60 triệu liều" - ông Long nói.
Tuy nhiên để đủ vắc xin cho mọi người dân có chỉ định tiêm ngừa, Việt Nam cần 150 triệu liều trong năm nay. Ông Long cho biết đang tích cực đàm phán với các hãng Pfizer, Moderna và tìm nguồn vắc xin từ Nga...
"Cố gắng để mọi người dân có thể tiếp cận được vắc xin để chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, phát triển đời sống, kinh tế" - ông Long cho biết.
Cũng trong sáng nay 19-2, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã họp để đánh giá thử nghiệm trên người tình nguyện giai đoạn 1 vắc xin ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất.
Dự kiến giai đoạn 2 thử nghiệm sẽ bắt đầu từ ngày 26-2. Về cơ bản, vắc xin ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất đảm bảo độ an toàn và có hiệu quả miễn dịch không thua kém vắc xin ngoại nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận