31/07/2019 10:57 GMT+7

'Bộ não' giám sát cao tốc bị tê liệt

ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG
ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG

TTO - Gần hai năm qua, Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) được ví như 'bộ não' giám sát giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang bị tê liệt.

Bộ não giám sát cao tốc bị tê liệt - Ảnh 1.

Hình ảnh giám sát cao tốc TP.HCM - Trung Lương không hiển thị tại Trung tâm ITS do phần mềm trục trặc từ năm 2018 đến nay. Trong ảnh: một camera tại trạm thu phí Chợ Đệm (ảnh chụp ngày 30-7) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ khi tạm dừng thu phí (1-1-2019) dần trở nên quá tải, tình trạng phương tiện vi phạm an toàn giao thông ngày càng nhiều. Việc giám sát trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc này phần lớn nhờ vào hệ thống camera giám sát.

Tuy nhiên gần hai năm qua, Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) được ví như "bộ não" giám sát giao thông trên tuyến cao tốc này đang bị tê liệt.

Mất kết nối

Năm 2010, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào khai thác. Ba năm sau, năm 2013, ITS được đầu tư tổng vốn là 38,5 triệu USD (khoảng 803 tỉ đồng) từ nguồn vay ưu đãi ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam được triển khai.

Tại buổi khánh thành dự án năm 2015, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá đây là hệ thống điều hành giao thông thông minh đầu tiên ở Việt Nam và sẽ là hình mẫu để triển khai nhiều vùng, miền khác. Hệ thống ITS sau đó chuyển cho Cục Quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT) quản lý.

Theo thiết kế, ITS có trụ sở tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, được lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống mạng điều hành quản lý, hệ thống điều khiển giao thông. Trung tâm kết nối với 38 camera, kể cả đường dẫn ở hai đầu TP.HCM và Tiền Giang, 44 bảng điện tử nhằm thông báo tình hình giao thông, hướng dẫn lái xe cách thức lưu thông trên cao tốc.

Một chuyên gia giao thông cho biết khi xe trên cao tốc gặp sự cố, ITS có chức năng thu thập, xử lý và thông báo cho đơn vị khai thác, bảo trì, giám sát cao tốc tham gia hỗ trợ giải quyết. Trung tâm cũng đưa những thông tin cảnh báo lên hệ thống bảng điện tử đặt dọc tuyến để tài xế trên đường biết.

Bên cạnh đó, thông qua hệ thống camera, ITS có chức năng giám sát trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến, ghi hình những trường hợp vi phạm giao thông trên tuyến cao tốc làm cơ sở phạt nguội.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 2018 đến nay dự án tê liệt.

Trong khi đó, một cán bộ cảnh sát giao thông cho biết kể từ khi tạm dừng việc thu phí, lưu lượng giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng lên đáng kể. "Nếu như năm 2013 trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt xe di chuyển trên tuyến đường này thì hiện tại tăng lên gấp 3 lần, chủ nhật và ngày lễ tăng lên 80.000 - 100.000 lượt/ngày" - vị này cho biết.

Lưu lượng xe tăng và vi phạm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng tăng theo. Theo số liệu thống kê trong 6 tháng của năm 2019, hơn 1.600 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông bị lập biên bản.

Việc xử phạt hành vi vi phạm trên tuyến cao tốc này chủ yếu dựa vào cảnh sát giao thông và 4 thiết bị đo tốc độ cùng 7 camera do cảnh sát giao thông quản lý. Tuy nhiên, các thiết bị giám sát trên không đủ để giám sát trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến dài hơn 40km.

Bộ não giám sát cao tốc bị tê liệt - Ảnh 2.

Trụ gắn hệ thống camera thuộc dự án ITS gần trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (thuộc Tiền Giang) hiện đã bị tê liệt - Ảnh: QUANG KHẢI

Hết bảo hành, chưa sửa được

Vì sao ITS bị tê liệt suốt hai năm mà không sửa? Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết trong quá trình khai thác, thiết bị của hệ thống ITS cao tốc được bảo dưỡng, thay thế bằng thiết bị dự phòng.

Tuy nhiên, do các sản phẩm điện tử sử dụng lâu ngày trong điều kiện mưa nắng, nguồn điện không ổn định nên sau hơn 3 năm khai thác đã có nhiều thiết bị hư hỏng, không có thiết bị thay thế.

Cụ thể: hiện ITS cao tốc Trung Lương - TP.HCM có nhiều bảng hiển thị thông tin (VMS), camera, thiết bị dò xe và 25/45 màn hình tại phòng điều khiển trung tâm không hoạt động. Ngoài ra, 1 server và các phần mềm quản lý giao thông cũng bị tê liệt.

Theo Bộ GTVT, các thiết bị sử dụng trong hệ thống ITS đều là thiết bị đặc chủng của nhà sản xuất nên việc sửa chữa, thay thế gặp khó khăn do phải sử dụng thiết bị chính hãng có giá trị cao. Việc đặt hàng lại mất nhiều thời gian nên nhiều thiết bị đến nay chưa sửa được và không có thiết bị thay thế.

Còn các phần mềm là phần mềm đóng gói, mua theo bản quyền nên cũng không thể chỉnh sửa, khắc phục lỗi khi có sự cố. Việc kiểm tra, khắc phục phải do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện, có chi phí cao nên đến nay chưa thực hiện được.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết để sửa chữa, khắc phục hệ thống ITS, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Đường bộ đã mời nhiều đơn vị trong nước vào khảo sát, đánh giá tìm giải pháp khắc phục theo hướng sử dụng các thiết bị phổ thông trên thị trường.

Đồng thời các đơn vị sẽ xây dựng lại các phần mềm do tư vấn công nghệ thông tin trong nước thực hiện để dễ dàng nâng cấp, khắc phục lỗi trong quá trình vận hành sau này.

Còn ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị đang quản lý hệ thống ITS) - cho biết phần mềm kết nối hệ thống ITS do một đơn vị của Hàn Quốc thực hiện và nhà thầu chỉ bảo hành một năm. Hiện dự án đã hết thời gian bảo hành.

Ông Thành thông tin thêm: khi hệ thống bị trục trặc, về nguyên tắc phải mời chính nhà thầu từng lắp đặt qua cài đặt, cập nhật lại phần mềm, thế nhưng nếu mời đơn vị đó qua làm phải tốn thêm chi phí.

"Phải chờ các đơn vị trong nước kiểm tra xem hư hỏng bộ phận nào, từ đó có đề xuất xử lý. Nếu sửa được, mình sẽ chủ động về công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo trì sau này. Chứ giờ cứ kêu đơn vị cũ qua cài đặt lại thì họ báo giá trên trời sẽ rất khó khăn" - ông Thành nói.

Bộ não giám sát cao tốc bị tê liệt - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Theo đại diện Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã đề xuất sửa chữa hệ thống ITS cao tốc TP.HCM - Trung Lương sử dụng vốn bảo trì đường bộ năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 2,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, một chuyên gia về công nghệ cho rằng hệ thống ITS cao tốc TP.HCM - Trung Lương trục trặc nghiêm trọng, nhất là không làm chủ được hệ thống phần mềm. Phần mềm này do nhà thầu Hàn Quốc thực hiện. Do đó, khi hệ thống bị lỗi, không phải đơn vị công nghệ nào trong nước cũng có thể cài đặt hay sửa nó được, mà có thể phải mời nhà thầu qua làm.

"Tôi nghĩ đây là bài học để quá trình đầu tư hệ thống giám sát giao thông trên các tuyến cao tốc sau này tránh đi vào vết xe đổ, phụ thuộc công nghệ nước ngoài để rồi nuốt trái đắng" - chuyên gia này nói.

Ông Lâm Thiếu Quân (tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong):

Phần mềm của đơn vị nào làm, đơn vị đó sửa

Trung tâm ITS trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị hư hỏng, chưa khắc phục được là điều đáng tiếc. Nếu như phần thiết bị (phần cứng), hệ thống camera, màn hình, đường truyền... đa số theo chuẩn mở có thể thay thế được, còn phần mềm thì khả năng phải mời đơn vị lập trình phần mềm đó sửa chữa, cập nhật. Rõ ràng như phần mềm của Samsung thì không thể mời chuyên gia Apple hay Microsoft sửa chữa...

Hoặc chỉ có giải pháp là thuê đơn vị khác trong nước thay toàn bộ phần mềm vận hành hệ thống, nhưng việc này sẽ tốn thêm nhiều chi phí.

Thông qua câu chuyện này, tôi thấy sau khi trang bị hệ thống giao thông thông minh, chúng ta cần có nguồn kinh phí bảo trì hằng năm để hệ thống có thể hoạt động xuyên suốt.

Mỗi nơi mỗi công nghệ, hợp nhất trung tâm ITS được không?

Bộ GTVT cho biết việc giám sát giao thông đường cao tốc thực hiện thông qua các trung tâm giao thông thông minh (ITS) khu vực và ITS từng tuyến.

Theo quy hoạch, có 3 trung tâm khu vực bao gồm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. ITS miền Bắc đã nghiên cứu lập dự án từ năm 2010, dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

ITS miền Trung chưa được nghiên cứu triển khai, nên các tuyến cao tốc thuộc khu vực miền Trung dự kiến tạm thời giao cho các ITS miền Bắc và miền Nam quản lý. ITS miền Nam sẽ được nâng cấp từ ITS cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Bộ não giám sát cao tốc bị tê liệt - Ảnh 5.

Lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng sau khi tạm dừng thu phí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Bộ GTVT, hiện việc giám sát giao thông trên các tuyến cao tốc được thực hiện tại các ITS tuyến. Phía Bắc đã có 4 tuyến được đầu tư là: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Phía Nam có 2 tuyến đã được đầu tư là: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương. Các tuyến khác sẽ được đầu tư hoàn thiện trong quá trình vận hành khai thác. Đối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ được đầu tư hệ thống ITS và ITS tuyến cùng với thời gian đầu tư xây dựng.

Chủ trương của Chính phủ sẽ tích hợp toàn bộ hệ thống ITS. Thế nhưng mỗi tuyến cao tốc một công nghệ khác nhau, liệu có tích hợp và kết nối dữ liệu nhiều tuyến lại với nhau được không? Trả lời vấn đề này, đại diện Văn phòng Bộ GTVT cho biết hệ thống ITS là một hạng mục vô cùng quan trọng trên các đường cao tốc.

Để triển khai ứng dụng hệ thống ITS cho các tuyến đường cao tốc, bộ đã phê duyệt khung tiêu chuẩn ITS cho các dự án xây dựng đường cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình (2010), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (2010), TP.HCM - Trung Lương (2010).

Dự án phát triển hệ thống kiểm soát giao thông đường cao tốc tại Hà Nội (2012), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (2013), Hà Nội - Thái Nguyên (2013), Bến Lức - Long Thành (2013), dự án đầu tư xây dựng trung tâm ITS cho các tuyến cao tốc khu vực phía Bắc (2015) và dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông.

Bộ GTVT khẳng định các khung tiêu chuẩn ITS đã phê duyệt cho các dự án xây dựng đường cao tốc bảo đảm kết nối hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến cao tốc cũng như kết nối về trung tâm quản lý điều hành giao thông khu vực, chứ không phụ thuộc vào công nghệ của nước nào.

"Nuốt trái đắng" vì chưa làm chủ công nghệ

Không chỉ dự án ITS trên đường cao tốc, trước đây ngành giao thông từng "nuốt trái đắng" khi dùng công nghệ Trung Quốc đầu tư nâng cao năng lực vận tải đường sắt.

Cụ thể là việc đầu tư thiết bị tín hiệu tự động có tên gọi Điện khí tập trung 6502, do nhà thầu Trung Quốc lắp đặt ở nhiều ga trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Dự án đưa vào sử dụng một thời gian đã lộ ra nhiều bất cập, thậm chí có thể gây nguy cơ tai nạn tàu hỏa.

Trớ trêu hơn, khi đường sắt Việt Nam muốn kéo dài đường, đầu tư mở rộng ga lại không thể kết nối được với hệ thống cũ. Do đó, trên nhiều ga vừa phải làm tự động vừa làm thủ công.

Muốn sửa, muốn kết nối thêm phải mời các chuyên gia nhà thầu Trung Quốc qua làm, tốn kém thêm nhiều chi phí.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành cũng thiếu camera giám sát

Thời gian gần đây, vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây phát sinh ngày càng nhiều. Đáng nói là hầu hết vi phạm này được ghi nhận từ hệ thống camera giám sát hành trình của hành khách đi ôtô trên tuyến đường này đưa lên mạng xã hội.

Hiện tuyến cao tốc này chỉ có một số camera do Công ty cổ phần Kỹ thuật dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC E) lắp đặt, nhưng chủ yếu quan sát giao thông và không đảm bảo quan sát suốt tuyến.

Thượng tá Đồng Thái Chiến - phó Phòng tuần tra kiểm soát Cục Cảnh sát giao thông - cho biết đang khảo sát và đề xuất đề án trang bị camera toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để làm cơ sở giám sát và xử lý các vi phạm.

Điều lạ gì ở dự án cao tốc 'chết đi, sống lại'? Điều lạ gì ở dự án cao tốc "chết đi, sống lại"?

TTO - Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) khá lạ vì 10 năm có đến hai lần thay đổi chủ đầu tư, ba lần thay đổi vốn nhưng vẫn còn quá nhiều vướng mắc.

ĐỨC PHÚ - QUANG KHẢI - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên