Điểm tiếp giáp giữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Theo ông Mai Mạnh Hồng - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp thực hiện dự án), về bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, hiện nay Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án khoảng 2.186 tỉ đồng giải ngân cho dự án năm 2019-2020.
Về hợp đồng tín dụng, hiện ngân hàng tài trợ vốn đang thẩm định phương án tài chính, cho vay được khoảng 50% vốn đầu tư dự án, nhưng các điều kiện như: trong quá trình khai thác dự án không được làm thay đổi phương án tài chính, không được mở những con đường mới làm giảm nguồn thu của dự án… Những điều kiện này, theo ông Hồng là khó thực hiện, nằm ngoài tầm với của chủ đầu tư.
Đại diện doanh nghiệp cho biết nhà đầu tư và các nhà thầu đã đổ vào dự án này khoảng 3.000 tỉ đồng, hiện tình hình tài chính của các nhà đầu tư, nhà thầu đã kiệt quệ.
Phát biểu tại buổi làm việc, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng họ chỉ cầm cự được đến giữa tháng 8-2019 chứ không phải là cuối tháng 8-2019 như dự đoán của chủ đầu tư.
Ông Lưu Xuân Thủy, phó chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nói về những khó khăn của dự án - Video: MẬU TRƯỜNG
Ông Hồng cho biết thêm, doanh nghiệp dự án đã trình UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT hồ sơ điều chỉnh dự án. Bộ GTVT đã có ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở điều chỉnh.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt dự án do đang chưa thống nhất với doanh nghiệp dự án về 2 giải pháp điều chỉnh (điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu và điều chỉnh kết cấu mặt đường) nhằm rút ngắn thời gian xây dựng và đảm bảo chất lượng, hạn chế rủi ro khi khai thác mặt đường trong điều kiện tuyến cao tốc đi qua khu vực nền đất yếu.
Hiện nay, doanh nghiệp dự án đang chờ UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt điều chỉnh dự án và ký phụ lục hợp đồng để trình ngân hàng thẩm định và trả lời chính thức việc thu xếp tín dụng.
"Với các khó khăn vướng mắc như trên, trong trường hợp không thu xếp được tín dụng trong tháng 8-2019, khi đó chủ đầu tư buộc phải hướng dẫn các nhà thầu tạm dừng thực hiện dự án. Trong trường hợp này các bên cần có sự xác nhận rõ khối lượng công việc thực hiện đến 30-8-2019 làm cơ sở để các bên tính toán, đánh giá các nội dung liên quan sau này", ông Hồng nói.
Ông Trần Văn Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trấn an chủ đầu tư và các nhà thầu - Video: MẬU TRƯỜNG
Nói về lý do chậm trễ trong việc giải quyết những khúc mắc của dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Phương - phó giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tiền Giang - cho biết hiện còn vướng mắc hai nội dung.
Tỉnh cũng đã có xin ý kiến của Bộ GTVT là đơn vị quản lý chuyên ngành cao nhất nhưng chưa thống nhất cao về giải pháp cũng như phương án của doanh nghiệp dự án đưa ra là hiệu quả nhất và tối ưu nhất.
Tỉnh đã đăng ký lịch làm việc với Thủ tướng Chính phủ về xin ý kiến về vấn đề điều chỉnh dự án, đồng thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn ngân sách tham gia vào dự án.
Tuy nhiên, thời gian giải quyết những vướng mắc cụ thể nói trên vào thời điểm nào thì tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thể biết trước.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa các bên sáng 24-7 về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án được khởi công lần đầu tháng 11-2009. Sau hơn 5 năm rơi vào bế tắc, đến ngày 7-2-2015 dự án được tái khởi động bởi liên danh các nhà đầu tư gồm Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Công ty CP đầu tư cầu đường CII. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào quý 2-2020.
Sau khi tái khởi động, dự án lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và được đánh giá là không có cơ sở đảm bảo đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ. Vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng.
Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được.
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Bộ GTVT chấp thuận mời nhà đầu tư có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án.
Sau khi tham gia vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và dự án được tái khởi động vào tháng 4-2019 với quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Chính phủ.
Sau một thời gian rầm rộ thi công nhằm đạt mục tiêu hoàn thành 50-60% khối lượng trong năm 2019, đến nay dự án lại có dấu hiệu chững lại vì tiếp tục gặp khó khăn về vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận