Tại buổi làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong ngày 13-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600km, để ĐBSCL có khoảng 1.200km cao tốc.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các địa phương phải đồng hành, sát cánh cùng trung ương với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm trọng điểm hơn nữa để thực hiện.
12 năm mới có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Trong suốt nhiều thập niên qua, ĐBSCL là vùng có hạ tầng giao thông kém phát triển so với các nơi khác. Năm 2010, toàn vùng bắt đầu có khoảng 40km đường cao tốc đầu tiên, đó là tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nối từ TP.HCM đến Tiền Giang.
Nhưng mãi đến 12 năm sau, vào năm 2022 tuyến cao tốc tiếp theo mới được khánh thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nâng tổng số km đường cao tốc toàn vùng lên hơn 90km (không kể tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vì tuyến đường này chưa được gọi là cao tốc).
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc được đưa vào mạng lưới quy hoạch đường bộ, những cây cầu vượt sông nối liền các tuyến cao tốc dần hình thành, mang lại diện mạo mới cho vùng ĐBSCL.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực ĐBSCL được quy hoạch sáu tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188km, quy mô 4 - 6 làn xe.
Trong đó ba tuyến cao tốc dọc với tổng chiều dài khoảng 591km gồm: cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245km; cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 180km; cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km.
Ba tuyến cao tốc ngang với tổng chiều dài khoảng 591km bao gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km và cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km.
Vấn đề đặt ra là với mục tiêu Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra, liệu đến bao giờ hoàn thành 600km và xa hơn là 1.200km cao tốc để ĐBSCL "cất cánh"?
Thủ tướng vào "gỡ rối"
Giấc mơ cao tốc của hơn 20 triệu người dân miền Tây đang dần trở thành sự thật bởi theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, hiện nay đã có khoảng 120km đường cao tốc nối dài từ TP.HCM về Cần Thơ được đưa vào sử dụng (không kể cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hơn 50km). Và còn rất nhiều dự án thi công đường cao tốc đang thi công rầm rộ trong suốt thời gian qua.
Ông Trần Trường Sơn, tài xế chạy xe dịch vụ tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho biết ông rất vui mừng sau mỗi lần Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát thực tế tại các công trường xây dựng hạ tầng giao thông. Bởi theo ông Sơn, cứ mỗi lần Thủ tướng vào "gỡ rối" là giấc mơ cao tốc lại dần trở thành hiện thực hơn.
Trước quyết tâm của Thủ tướng làm 600km đường cao tốc trước năm 2026, ông Sơn chia sẻ: "Nghe tin mà cứ ngỡ như mơ, trước đây tôi chưa từng nghĩ trong đời mình sẽ được đi đường cao tốc ở Cà Mau. Giờ đây sắp có đường, không những giải quyết đi lại mà còn mở ra cơ hội để kinh doanh, du lịch phát triển. Hy vọng rằng tiến độ sẽ đạt như kế hoạch đề ra để người dân được sớm hưởng lợi".
Ngay cả những người dân bị mất đất bởi các dự án đi qua cũng sẵn sàng bàn giao mặt bằng không chút do dự. Ông Nguyễn Trung Hiền (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết việc thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khiến gia đình ông bị ảnh hưởng gần 2 công đất ruộng. Tuy nhiên ông Hiền không lấy làm buồn và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương.
"Bị mất đất nói không buồn có chút gì đó không thiệt lòng. Nhưng không sao, tiền đền bù tui nhận được thỏa đáng. Lâu dài quê hương mình có đường cao tốc, đi lại dễ dàng hơn. Cuối năm 2027, khi thông xe, tui có thể bon bon đi trên cao tốc về cảng biển Trần Đề hoặc lên Châu Đốc, không phải đi vòng như hiện nay, mất rất nhiều thời gian", ông Hiền trải lòng.
Mặt bằng đã sẵn sàng
Ông Nguyễn Tiến Hải, bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho biết hiện địa phương này đã thực hiện rất tốt công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn đi qua Cà Mau.
Giải thích cụ thể hơn về công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Chí Nhẫn, giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau, cho biết do tập trung quyết liệt ngay từ đầu nên công tác giải phóng mặt bằng cao tốc đoạn qua tỉnh Cà Mau đến nay đã chi trả và bàn giao mặt bằng được gần 140ha, đạt tỉ lệ hơn 99,9%.
"Đoạn chính cao tốc qua tỉnh Cà Mau dài 21,9km đã giải phóng mặt bằng xong. Đoạn kết nối từ điểm cuối cao tốc đến quốc lộ 1 chiều dài 16,6km đã giải phóng mặt bằng cơ bản xong, chỉ còn một trường hợp rất nhỏ đang vướng chưa bàn giao. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo dự án được duyệt hơn 675 tỉ đồng", ông Nhẫn thông tin.
Còn tại TP Cần Thơ, nơi có hai tuyến cao tốc ngang và dọc (cao tốc Bắc - Nam phía đông và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) chạy qua hiện nay mặt bằng cũng đã sẵn sàng. Ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng Cần Thơ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hai tuyến cao tốc này. Hiện nay TP đã thực hiện cơ bản xong khâu giải phóng mặt bằng, tỉ lệ còn lại chưa giải phóng mặt bằng rất thấp.
"Trong tháng 7 này sẽ giải quyết dứt điểm (khoảng 15 trường hợp). Ngoài ra sẽ phối hợp với các đơn vị điện lực, viễn thông giải quyết xong trong tháng 7 và tháng 8, giao mặt bằng sạch tuyệt đối cho các đơn vị thi công", ông Hiếu cho hay.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết đối với tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu hiện đang được điều chỉnh tăng vốn. Tuy nhiên tỉnh cũng đã giải phóng mặt bằng hơn 475 hộ, còn vài hộ tỉnh sẽ tiếp tục giải tỏa song song với việc phát hành hồ sơ mời thầu và khởi công theo đúng công văn chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng cho biết thêm đối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã giải phóng mặt bằng 99,9%, còn lại 13 hộ đang tiếp tục gặp gỡ, đối thoại. Song song đó cũng tiến hành các thủ tục cưỡng chế. Theo bà Thúy, từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ quyết tâm giải phóng 100% mặt bằng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang - trưởng Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cho biết đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành và ba huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn sớm bố trí nền tái định cư, hỗ trợ các hộ dân ổn định chỗ ở. Vận động một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng đồng thuận bàn giao cho chủ đầu tư.
Đồng thời nhanh chóng nghiên cứu các nguồn cát để cung cấp cho nhà thầu, đảm bảo đủ nguồn nguyên vật liệu. Quản lý chặt chẽ quá trình khai thác, sản lượng, vận chuyển, đảm bảo cát đến đúng địa chỉ công trình.
Đảm bảo nguồn cát cho 600km đường cao tốc
Ông Thạch Minh Hoài, giám đốc Ban quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, cho biết dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã khởi công được khoảng 13 tháng. Mặc dù được trung ương quan tâm hỗ trợ, địa phương nỗ lực hết mình, tuy nhiên tiến độ thực hiện chậm khoảng 5% so với kế hoạch.
Theo ông Hoài, nguyên nhân dẫn đến các gói thầu thi công đều bị chậm tiến độ là do khó khăn về nguồn cát đắp nền, nên thời gian qua nhà thầu chỉ thi công đào nền đường, đào đường công vụ và thi công phần cầu.
"Nhìn chung các bước triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo các mốc thời gian yêu cầu. Đặc biệt sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đang tập trung vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc đoạn qua tỉnh Sóc Trăng", ông Hoài nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua bộ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Sóc Trăng về nguồn cát biển. "Hiện tại các nhà thầu khẳng định vật liệu cát san lấp đảm bảo cho gần 600km cao tốc gồm: cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía đông và các cao tốc trục ngang", ông Khánh khẳng định.
Ông Khánh cũng cho rằng hiện các địa phương giải phóng mặt bằng chỉ còn lại khoảng 0,1%, cho thấy các địa phương rất tích cực. Tuyến cao tốc hình thành xong chắc chắn sẽ hình thành không gian rất mới cho ĐBSCL vì quỹ đất hai bên đường cao tốc rất lớn, lại rất bằng phẳng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
* Ông Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):
ĐBSCL: không có giao thông không làm được gì
ĐBSCL có ba cái quan trọng: nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông và thể chế liên kết vùng. Trong đó phần giao thông gỡ nút thắt cho các vấn đề kia. Mỗi tỉnh đều có quy hoạch riêng về phát triển kinh tế nhưng không có giao thông thì xem như không làm được gì.
Khi thực hiện các dự án cáo tốc, các tỉnh không thể chỉ đạo lẫn nhau mà phải cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ. Từ đó sẽ giúp các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng và đơn vị thi công cũng tranh thủ thi công đúng tiến độ.
Địa phương chỉ hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Còn tiêu chuẩn, kỹ thuật phải thuộc về các bộ ngành...
Thủ tướng đã thấy những vướng mắc nên rất quyết tâm. Nhưng còn tùy thuộc vào năng lực của bộ, ngành và các địa phương trong cách tham gia thực hiện.
Đẩy nhanh thi công bù lại thời gian chậm
Ông Nguyễn Văn Hiếu, bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng TP đã có chỉ đạo hỗ trợ các đơn vị thi công làm sao đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, bù lại khoảng thời gian vừa qua bị chậm do cát san lấp không đủ, hiện tại đã giải quyết được và cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Ông Hiếu cho biết thêm thời gian qua nhờ các địa phương như An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng giúp đỡ nên hiện nguồn cát san lấp phục vụ các công trình cao tốc trên địa bàn Cần Thơ đã đảm bảo.
Tuy nhiên hiện Cần Thơ đang triển khai làm quốc lộ 91, đường tỉnh, các công trình trọng điểm, kết nối với cao tốc và tuyến đường khác, phụ thuộc vào nguồn cát san lấp và nguồn đá.
"Tính tới năm 2026 - 2027 ước cần 20 triệu m3 để phục vụ các công trình giao thông trọng điểm, các khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, đô thị... Vì vậy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu nguồn cát san lấp để chủ động. Bởi nếu làm xong cao tốc mà không triển khai được các dự án khác thì cũng không có động lực phát triển", ông Hiếu nói về nỗi lo thiếu nguồn cát san lấp sau khi có đường cao tốc.
Đồng thời ông Hiếu cũng đề xuất Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để Cần Thơ thí điểm liên quan sử dụng tro xỉ, cát biển. "Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với bộ ngành triển khai thực hiện. Việc này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng nếu không làm thì sẽ không có cát, không thể móc cát lên từ sông mãi, có thể gây ra sạt lở", ông Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận