Ngày 25-1, một tuần sau khi chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức cho xe cộ lưu thông và đón người dân miền Tây về quê ăn Tết.
Chở vợ và 2 con gái trên chiếc xe 7 chỗ, anh Nguyễn Quốc Nhật (38 tuổi, ngụ Cần Thơ) cho biết những năm trước gia đình anh cũng về quê vào khoảng thời gian này để tránh kẹt xe nhưng hầu như năm nào cũng chịu cảnh chen chúc, tắc nghẽn trên quốc lộ 1, đoạn qua Tiền Giang.
Năm nay mọi việc đã khác, chạy hết cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đến nút giao Thân Cửu Nghĩa, thay vì quẹo ra quốc lộ 1 anh được cảnh sát giao thông hướng dẫn chạy thẳng vào đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Từ đây, chạy 50km nữa là về đến gần cầu Mỹ Thuận.
"Vui lắm vì rốt cuộc cũng có đường cao tốc để đi, về quê ăn Tết giờ đã nhẹ nhàng, không còn ảm ảnh như trước", anh Nhật nói.
Có mặt tại điểm cuối cao tốc để ngắm con đường mới toanh cùng cháu ngoại, ông Nguyễn Thanh Hiền (ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết 10 năm trước, khi tuyến cao tốc khởi công ông đã vui mừng khôn xiết. Nhưng dự án BOT liên tục gặp vướng mắc, khởi công rồi để đó, cây cối mọc um tùm…
Trải qua nhiều lần tái khởi động, tuyến đường cuối cùng cũng hoàn thành trong niềm vui tột cùng của người dân.
"Tết này tui đi thành phố bằng đường cao tốc này được rồi", ông Hiền cười tươi nói.
Tâm trạng phấn khởi, vui mừng của anh Nhật, ông Hiền cũng là cảm xúc của hơn 20 triệu người dân miền Tây khi tuyến cao tốc hoàn thành đưa vào sử dụng - nối dài ước mơ về một tuyến cao tốc kéo dài từ tỉnh cuối cùng trên bản đồ Việt Nam đến trung tâm TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Doanh nghiệp dự án đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang cùng các cơ quan liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ xe trong dịp Tết Nhâm Dần, từ ngày 25-1 đến 10-2 đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân.
Tại buổi lễ thông xe kỹ thuật ngày 19-1, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Dự án kéo dài do nhiều nguyên nhân, gây bức xúc cho hơn 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, ách tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành công trình. Đây là thắng lợi của doanh nghiệp Việt Nam tự cường vươn lên với khoa học công nghệ và ý chí xây dựng đất nước", chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tiếp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hiện Bộ Giao thông vận tải đang thi công cầu Mỹ Thuận 2 (dài 7km), đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, 4 làn xe.
Theo kế hoạch, hai công trình thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 sẽ hoàn thành vào năm 2023, nối thông đường cao tốc từ TP.HCM về Cần Thơ.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư tiếp 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729km qua miền Trung và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Trong đó, 109km cao tốc 4 làn xe qua Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau được chia thành 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang (37km) và Hậu Giang - Cà Mau (72km).
Theo kế hoạch của Chính phủ, các dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, một số hạng mục hoàn thành trong năm 2026. Như vậy, 4 năm tới, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ hoàn thành, nối liền theo trục dọc từ TP.HCM đến Cà Mau.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư các tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với miền Tây, có 2 dự án đường cao tốc được kiến nghị đầu tư theo chương trình này gồm:
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài 27,43km, 4 làn xe qua địa phận tỉnh ĐồngTháp và Tiền Giang. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỉ đồng (đã bố trí 1.864 tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025), dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành cuối năm 2025.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km, chủ yếu 4 làn xe, có đoạn 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 49.745 tỉ đồng (đã bố trí 14.247 tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025). Dự kiến khởi công đầu năm 2024, cơ bản hoàn thành một số đoạn cấp bách vào cuối năm 2025 do khu vực này có địa chất yếu (thời gian chờ lún cần tối thiểu 12 tháng).
Như vậy, ngoài trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP.HCM đến Cà Mau, theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, khu vực miền Tây sẽ có thêm tuyến cao tốc kết nối theo chiều ngang là An Hữu - Cao Lãnh và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Ngoài 106km đường cao tốc đang được thi công ở Đông Nam bộ dự kiến khai thác trong năm 2023, nhiều tuyến cao tốc khu vực này cũng đang được chuẩn bị đầu tư.
TP.HCM và vùng Đông Nam bộ hiện có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (51km) và TP.HCM - Trung Lương (40km) đang khai thác. Nhưng tính theo vùng kinh tế, có tới 39km đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM thuộc vùng Tây Nam bộ.
Tháng 10-2009, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai - TP.HCM) được khởi công xây dựng. Sau khi khai thác từng đoạn, đến tháng 2-2015, toàn bộ tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 51km, 4 làn xe kết nối TP.HCM - Đồng Nai được đưa vào khai thác.
Đến nay, các cấp có thẩm quyền đang lên phương án mở rộng 23,76km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ An Phú, TP Thủ Đức đến huyện Long Thành, Đồng Nai từ 4 làn xe lên 8 làn xe, riêng cầu Sông Tắc mở rộng lên 10 làn xe, cầu Long Thành 9 làn xe.
Bên cạnh đó, hiện khu vực miền Đông đang có 51/99km dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2022) đang được thi công.
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều rộng hơn 32m, 6 làn xe, vận tốc 120 km/h được đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Nếu được các cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về cơ chế bố trí vốn, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công cầm chừng cũng sẽ sớm đưa vào khai thác làm thay đổi hiện trạng giao thông miền Đông.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công đầu năm 2015, chiều dài 57,8km đi qua Long An (5,12km), TP.HCM (27,43km), Đồng Nai (25,25km) với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km. Trong đó, 55/58km đi qua địa phận miền Đông.
Dự kiến hoàn thành sau 5 năm khởi công nhằm giảm áp lực giao thông cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, do vướng mắc về quy định bố trí vốn vay nước ngoài nên dự án cao tốc hơn 31.300 tỉ đồng này gần như "đứng hình" từ tháng 1-2019 khi có gần 32km dừng thi công dù khối lượng đã đạt trên 84%. Trong khi đó, tiến độ dự án được Thủ tướng gia hạn hoàn thành đến ngày 31-12-2023.
Ngoài hai dự án cao tốc đang thi công, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư các tuyến cao tốc khu vực phía Nam từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, ngoài 2 tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ở miền Tây, với miền Đông, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị trước mắt đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo chương trình trên.
Đây là tuyến cao tốc dài 53,7km, rộng 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 18.635 tỉ đồng (đã bố trí 5.740 tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025). Bộ Giao thông vận tải đề xuất khởi công vào cuối năm 2023, hoàn thành vào cuối năm 2025.
Ngoài ra, các địa phương phía Nam đang chủ trì đầu tư các đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường vành đai 3 TP.HCM, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối Đồng Nai với Lâm Đồng gồm 3 đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương…
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X (tháng 10-2021), các đại biểu đã thông qua nghị quyết đồng thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức PPP.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh khoảng 26km; quy mô giai đoạn 1 4 làn xe, thời gian thực hiện 2021-2025. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 15.900 tỉ đồng.
Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, rất cần thiết xây dựng tuyến cao tốc này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phá thế độc đạo và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây cũng là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của thành phố; đặc biệt bổ sung vốn trung hạn 2021 - 2025 cho các dự án đã được phê duyệt, đủ điều kiện đang chờ nguồn vốn để khởi công xây dựng và các dự án trong điểm có tính đột phá chiến lược về giao thông như tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tạo động lực kết nối liên vùng.
Theo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành bắt đầu từ nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM) đến nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương) và kết thúc ở quốc lộ 14 (Chơn Thành, Bình Phước). Tổng chiều dài dự án 68,7km (đoạn qua TP.HCM khoảng 1,7km, đoạn qua Bình Dương khoảng 60km, đoạn qua Bình Phước khoảng 7km).
Đoạn tuyến từ Gò Dưa đến An Phú tốc độ thiết kế 80 - 100km/h gồm 6 làn xe và 4 làn đô thị 2 bên với bề rộng nền đường 60 - 64m. Đoạn An Phú đến Chơn Thành giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng 17m. Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư 24.275 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 12.137 tỉ đồng, vốn BOT khoảng 12.138 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Theo đề nghị của các địa phương, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM báo cáo HĐND cấp tỉnh để đồng thuận UBND các địa phương này phối hợp triển khai đầu tư dự án cao tốc này.
Tuy nhiên, do tháng 11-2021 Bình Dương chưa có ý kiến trả lời nên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành không kịp trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 2.
Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 24-1, trên cơ sở báo cáo của UBND TP.HCM và ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng thống nhất đầu tư công đường vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Với đường vành đai 4, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Với dự án đường vành đai 3, Thủ tướng giao UBND TP.HCM làm cơ quan chuẩn bị đầu tư (chức lập, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động… báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. UBND TP.HCM sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào đầu tháng 2-2022 bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 -2022.
Thủ tướng giao UBND TP.HCM thành lập ngay tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường vành đai 3, vành đai 4; giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tổ công tác và công tác triển khai các dự án này.
Trước đó, ngày 24-11-2021, UBND TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng kết quả nghiên cứu đường vành đai 3 TP.HCM (có kế thừa nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải). Theo đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai đầu tư 76,34km quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế và đường song hành mỗi bên tối thiểu 2 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 46.970 tỉ đồng.
UBND TP.HCM đã nghiên cứu 4 kịch bản đầu tư PPP dự án và nhận định huy động từ nguồn vốn tư nhân khoảng 15.411 tỉ đồng, chỉ chiếm 18% so với tổng mức đầu tư; thời gian hoàn vốn kéo dài, khó thu hút nhà đầu tư; khó huy động ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng khi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.
Do vậy, trên cơ sở kết quả thống nhất với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, UBND TP.HCM kiến nghị đầu tư khép kín đường vành đai 3 từ nguồn ngân sách trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), khoảng 83.290 tỉ đồng.
UBND TP kiến nghị Thủ tướng giao TP.HCM (là cơ quan) chuẩn bị đầu tư dự án vành đai 3. UBND TP.HCM sẽ chủ trì lập, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tổng thể (trong đó phân chia các dự án thành phần) để các địa phương thực hiện.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt được quy hoạch để kết nối miền Đông với Tây Nguyên có tổng chiều dài hơn 200km với quy mô 4 làn xe. Hiện nay, đoạn từ đèo Pren đến TP Đà Lạt khoảng 19km đã hoàn thành.
Để phù hợp với nguồn vốn và khả năng đầu tư, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã lập nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo 3 đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nhằm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Với dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú, theo nghiên cứu của Bộ Giao thông vận tải, dự án đi qua huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú (Đồng Nai) với tổng chiều dài khoảng 60,1km. Giai đoạn 1 đầu tư với 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.365 tỉ đồng theo phương thức PPP, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.
Giữa tháng 12-2021, Hội đồng thẩm định liên ngành đã họp thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.
Với dự án thành phần Tân Phú - Bảo Lộc, tháng 1-2021, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai đã đề xuất Thủ tướng phương án đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km đi qua địa bàn Đồng Nai và Lâm Đồng theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 16.220 tỉ đồng. UBND hai tỉnh trên đề nghị giao UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án.
Tháng 2-2021, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án này trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP.
Theo đó dự án sẽ làm mới 66km đường cao tốc quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h (đoạn qua Đồng Nai dài 11km, đoạn qua Lâm Đồng dài 55km). UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết góp 4.500 tỉ đồng từ ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025, trong tổng số 6.500 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án. Còn 8.260 tỉ đồng sẽ do nhà đầu tư huy động.
Với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã trình Thủ tướng bố trí 2.500 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương để đầu tư dự án theo phương thức PPP do UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự án có chiều dài 73,5km, giai đoạn 1 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Dự án đi qua địa phận TP Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Đức Trọng (Lâm Đồng). Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 11.000 tỉ đồng. Trong đó vốn nhà nước khoảng 2.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương), vốn địa phương 1.500 tỉ đồng, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.000 tỉ đồng.
Sau chuyến kiểm tra và làm việc về dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc cuối tháng 12-2021, ngày 1-1-2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có kết luận giao UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục, phấn đấu khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 10-2022 và hoàn thành trong năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai đầu tư đoạn Dầu Giây - Tân Phú đồng bộ với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
Theo Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam trước đây đặt mục tiêu đến năm 2020 cần xây dựng được 2.703km đường cao tốc. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc.
Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được khởi công năm 2004, đến hết năm 2021 tổng chiều dài các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đang triển khai xây dựng 2.079km (hoàn thành 1.163km, đang thi công 916km) đạt 43% quy hoạch và 58% chiều dài so với mục tiêu của nghị quyết.
Trong số 1.163km cao tốc (19 dự án) đã hoàn thành hầu hết là đường cao tốc 4 - 6 làn xe, tốc độ khai thác 80 - 120 km/h.
Tuy nhiên có 5 đoạn tuyến cao tốc được xây dựng quy mô 2 làn xe gồm 46km đoạn Hà Nội - Bắc Giang, 80km đoạn Yên Bái - Lào Cai, 26km đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình, 40km đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, 66km đoạn La Sơn - Túy Loan.
Theo Bộ Giao thông vận tải, 3 lý do chính phải đầu tư cao tốc 2 làn xe là để đáp ứng quy mô giai đoạn đầu của quy hoạch, khả năng khả năng huy động nguồn lực đầu tư và phù hợp nhu cầu vận tải.
Tuy được đầu tư quy mô 2 làn xe nhưng về bình đồ, trắc dọc các đoạn tuyến trên đều theo quy hoạch, tiêu chuẩn đường cao tốc nhưng khai thác chưa theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Dù “liệu cơm gắp mắm” để ưu tiên chiều dài tuyến đường nhưng Bộ Giao thông vận tải, đơn vị thiết kế cũng nhận thấy cao tốc 2 làn xe sẽ gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng trong quá trình đầu tư mở rộng do ban đầu chưa giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch như tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình.
Hoặc có tuyến gặp khó khăn trong khai thác như đoạn 2 làn xe dài 80km, không có dải phân các cứng ở giữa (có dự phòng giải đất mở rộng trong giai đoạn 2) của cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Đầu năm 2022 có 51km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và 15,2km đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam) được đưa vào khai thác, nâng tổng số km cao tốc đang sử dụng lên 1.229km. Bên cạnh đó có gần 850km đường cao tốc đang thi công.
Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Như vậy trong 4 năm tới cần làm thêm hơn 1.770km cao tốc.
Đến đầu năm 2022, trong số 1.229km cao tốc đang khai thác và gần 850km cao tốc đang thi công được phân bố theo các khu vực sau:
Khu vực trung du và miền núi phía Bắc đang khai thác 396km cao tốc thuộc 5 tuyến đường cao tốc và đang đầu tư 40km đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40km, cụ thể thi công giai đoạn 1 (mặt đường rộng 11m, 2 làn xe 3,5m).
Vùng đồng bằng sông Hồng đã khai thác 479km thuộc 9 tuyến cao tốc. Hiện khu vực này đang đầu tư 105km cao tốc do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì thực hiện gồm trục Vân Đồn dài 10km, 4 làn xe, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80km.
Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã đầu tư 193km cao tốc thuộc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và La Sơn - Túy Loan.
Hiện đang đầu tư 564km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 564 km với 9 dự án thành phần từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Nha Trang đến Phan Thiết, dự kiến hoàn thành lần lượt trong các năm 2022-2023.
Khu vực Tây Nguyên hiện đã khai thác 19km đường cao tốc Đà Lạt - Liên Khương.
Khu vực Đông Nam Bộ đã khai thác 52km thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 51km) và 1 trong số 40km của cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Hiện đang thi công 106km cao tốc gồm 51 trong số 99km của dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 58km cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Khu vực Tây Nam Bộ đang khai thác 91km cao tốc gồm 39 trong số 40km đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (1km thuộc địa phận TP.HCM) và 51km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hiện khu vực này đang thi công cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km (thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km (thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông).
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện cả nước có 1.163km đường cao tốc đang khai thác và 916km đang thi công. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.
Do vậy ngoài dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang tiếp tục thi công 10 dự án thành phần (639km) sẽ hoàn thành trong các năm 2022-2023, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng.
Dự án dài 279km được chia thành 12 dự án thành phần có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 100-120km/h; giải phóng mặt bằng thực hiện 1 lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế chính trị lớn quy mô 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe).
Tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026 để nối liền cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đầu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Do vậy với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, ngay từ bây giờ bộ tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công vào năm 2023, cơ bản bản hoàn thành năm 2025 như phương án Quốc hội đã thông qua.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ trong giai đoạn tới tập trung đầu tư các tuyến cao tốc chủ yếu ở khu vực phía Nam từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gồm:
2 tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài 27,43km, 4 làn xe qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỉ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành vào cuối năm 2025; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km, chủ yếu 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 49.745 tỉ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2024, cơ bản hoàn thành một số đoạn cấp bách vào cuối năm 2025 do khu vực này có địa chất yếu (thời gian chờ lún cần tối thiểu 12 tháng).
Với khu vực Đông Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km, rộng 4 - 6 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 18.635 tỉ đồng, khởi công cuối năm 2023, hoàn thành cuối năm 2025.
Ngoài các tuyến cao tốc đang thi công do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, các địa phương khu vực này đang chủ trì đầu tư các tuyến cao tốc như vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương nối Đồng Nai với Lâm Đồng…
Tại miền Trung, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ cho đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 118km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.435 tỉ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2024, cơ bản hoàn thành các đoạn cấp bách vào cuối năm 2025 do khu vực này có địa hình đồi núi phức tạp, có một số vị trí hầm lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chuẩn bị đầu tư, thi công các dự án đường cao tốc được Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.
* Thưa bộ trưởng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc. Vậy mục tiêu này sẽ được thực hiện thế nào?
- Đến hết năm 2021, cả nước chỉ có 1.163km đường cao tốc và đang triển khai thi công 916km cao tốc. Mục tiêu của Đảng, Chính phủ đề ra là phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 có 5.000km.
Đến nay dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 8 dự án thành phần đang đáp ứng tiến độ đề ra và lần lượt hoàn thành trong năm 2022, 2023. Hiện chúng tôi đang kiểm soát tiến độ các dự án hàng ngày, hàng tuần.
Quốc hội cũng vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729km, chia thành 12 dự án thành phần. Quốc hội giao tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành trong năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Như vậy thời điểm đó sẽ cơ bản nối thông đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Việc Quốc hội quyết định đầu tư công toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là để đảm bảo đến 2025 chúng ta có được con đường đột phá đúng theo nghị quyết đại hội Đảng.
Bên cạnh đó là các dự đường án cao tốc khác đang được Bộ Giao thông vận tải, địa phương triển khai. Bộ Giao thông vận tải và nhiều địa phương cũng đang chuẩn bị đầu tư nhiều dự án cao tốc khác để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2022 nhằm sớm triển khai thêm các dự án đường cao tốc trong thời gian tới.
* Nếu Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ giao thực hiện toàn bộ 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 thì khối lượng công việc từ năm 2022 rất lớn. Vậy bộ có giải pháp gì để đảm bảo tiến độ thực hiện?
- Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ ban hành một số cơ chế trong đó có cơ chế cho chỉ định thầu với nhà thầu tư vấn trong các khâu chuẩn bị, thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Việc chỉ định thầu không làm giảm chi phí đầu tư nhưng sẽ rút ngắn được 6-9 tháng trong giai đoạn chọn nhà thầu so với đấu thầu. Rút ngắn được thời gian trong khâu này sẽ có thêm thời gian tập trung cho thi công, xây lắp.
Chúng tôi cũng đề xuất đổi mới một số công việc để khi dự án được phê duyệt, bộ bàn giao được ngay mốc giới cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng.
Làm vậy để có mặt bằng sớm nhằm kịp khởi công các dự án thành phần vào cuối năm 2022 đầu năm 2023. Làm được sớm các khâu này sẽ để dành thời gian xây dựng hoàn thành dự án trong 3 năm từ 2023-2025.
* Chỉ định thầu tư vấn để rút ngắn thời gian nhưng liệu có ảnh hưởng đến chất lượng dự án?
- Sẽ không ảnh hưởng gì chất lượng dự án. Chúng tôi đã có bài học kinh nghiệm về chỉ định thầu ở dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng.
Chỉ định thầu nhưng chúng tôi ban hành hồ sơ có tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn. Ai đáp ứng được yêu cầu thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn.
Việt Nam có 5-7 tư vấn lớn có kinh nghiệm về những công trình đường này. Nếu chỉ định thầu sẽ rút ngắn được mỗi khâu khoảng 3 tháng nhưng vẫn chọn được những tư vấn giỏi.
Chúng tôi yêu cầu mỗi cá nhân tham gia dự án phải có kế hoạch tổng thể để kiểm tra, đảm bảo yêu cầu mới được chọn. Do đó, chúng tôi khẳng định chọn tư vấn qua chỉ định thầu có chất lượng không thua tư vấn qua đấu thầu nhưng rút ngắn được thời gian, đảm bảo được yêu cầu.
* Bộ Giao thông vận tải nhận diện thế nào về những khó khăn khi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 để nối thông trục đường xương sống của đất nước?
- Khó khăn thứ nhất về vốn đã được giải quyết khi Quốc hội chấp thuận đầu tư công và chuẩn bị nguồn vốn cho dự án.
Khó khăn thứ 2 là vật liệu thi công. Rút kinh nghiệm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, chúng tôi đang chỉ đạo tư vấn tổng điều tra, đánh giá trữ lượng các mỏ đất, mỏ cát đang và chưa khai thác trong toàn bộ khu vực dự án đi qua. Xem khả năng huy động vào dự án bao nhiêu, phối hợp với các địa phương xúc tiến thủ tục mở mỏ để khi có nhà thầu thi công là có thể khai thác ngay.
Về giải phóng mặt bằng, rút kinh nghiệm từ dự án trước đó (sau hơn 2 năm triển khai 654km đường cao tốc Bắc - Nam đã giải phóng 99,97% mặt bằng), cần quyết tâm giải phóng mặt bằng xong trong 1 năm rưỡi để cuối 2023 cơ bản giải quyết được vấn đề này. Chúng tôi làm việc với từng địa phương rà soát thủ tục, đơn giá, quy định liên quan về công tác này để đồng hành quyết liệt.
Thứ tư, đường cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau đi qua khu vực có nền đất rất yếu cần phải tập trung gia cố sớm. Phương pháp sử dụng bấc thấm để gia cố nền đất là rẻ nhất nhưng cần thời gian 1,5 - 2 năm nên chúng tôi không sử dụng vì không kịp tiến độ.
Phương pháp sử dụng giếng cát để gia cố thì có chiều sâu không lớn và thời gian cố hết 1 năm nên chỉ áp dụng ở những vị trí đáp ứng được yêu cầu.
Cuối cùng là sử dụng đất gia cố xi măng có thời gian cố kết 7-8 tháng. Những chỗ yếu đặc biệt mới dùng tới bê tông bản vì cách này rất đắt.
Những khó khăn này chúng tôi đã nhìn nhận được để có giải pháp phù hợp.
* Hiện nhân lực của bộ đang căng trên nhiều dự án lớn. Nếu triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án khác nữa thì có đáp ứng đủ? Bộ có tính tới việc thuê nhân lực?
- Để đáp ứng yêu cầu công việc chúng tôi ưu tiên tăng nhân lực ở các cục, vụ trực tiếp thực hiện các dự án bằng cách tuyển chọn người từ các đơn vị có trình độ tương tự làm các công việc trên. Tăng cường bằng cách tổng biên chế không thay đổi nhưng điều chuyển từ các đơn vị để đủ lực lượng.
Với các Ban quản lý dự án, chúng tôi yêu cầu sắp xếp lại bộ máy để từng bộ phận đều đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ. Còn chỗ nào thiếu nhân lực thì thuê. Hiện nay một số ban đã thuê chuyên gia, thuê các chú, các anh đã nghỉ hưu nhưng có nhiều kinh nghiệm. Thậm chí thuê những người làm ở doanh nghiệp khác có kinh nghiệm.
Một số dự án trọng điểm như cầu Mỹ Thuận 2, Ban quản lý dự án 7 cũng đã thuê chuyên gia nước ngoài làm. Một số dự án cần xử lý đất yếu phức tạp chúng tôi đề xuất thuê chuyên gia trong và ngoài nước để đảm bảo có nhân lực tốt thực hiện dự án.
* Vậy những đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp lớn về giao thông hiện có đảm bảo khi tham gia dự án mới trong khi họ cũng đang dàn lực lượng trên nhiều công trình, công trường, thưa ông?
- Lực lượng tư vấn giám sát và tư vấn thiết kế hiện có điểm yếu là nhân lực mỏng. Nhưng cũng có những đơn vị như Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI hiện có rất nhiều chuyên gia nước ngoài cộng tác để xử lý những vấn đề lớn, phức tạp khi thiết kế toàn bộ cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2.
Làm việc với các tư vấn chúng tôi luôn nói rõ anh muốn tham gia các dự án cao tốc thì phải chuẩn bị và chứng minh được mình có đủ nhân lực cho mỗi dự án. Muốn tham gia họ phải chuẩn bị tốt.
Về nhà thầu thi công, chúng tôi có kinh nghiệm đưa vào hồ sơ dự thầu các yêu cầu để nhà thầu mạnh, có năng lực thực sự mới được tham gia dự án cao tốc. Nhà thầu yếu hơn nếu tham gia chỉ làm nhà thầu phụ cho thầu chính.
Chúng ta đang triển khai 654km đường cao tốc Bắc - Nam, nếu triển khai thêm 729km nữa thì số lượng nhà thầu mạnh không còn nhiều, nếu giao thêm việc có khi đang mạnh thành yếu. Đây là bài toán chúng tôi phải xem xét.
Hiện có nhiều tập đoàn như Vingroup, Sungroup không phải nhà thầu nhưng đã làm nhiều dự án lớn. Vingroup xây dựng nhà 81 tầng ở TP.HCM mà dùng toàn nhà thầu, kỹ sư Việt Nam bởi họ có kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án.
Họ không tham gia làm thầu dự án cao tốc Bắc - Nam nhưng trong điều kiện đất nước cần, chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ làm việc đề nghị các đơn vị đó tham gia để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.
* Nhiệm vụ nặng nề, dù là việc quen làm nhưng áp lực vẫn lớn. Bộ trưởng và các đơn vị trong bộ chuẩn bị tâm thế thế nào làm tốt việc được giao?
- Khó khăn thì rất nhiều nhưng nhiệm vụ chính trị chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Bài học kinh nghiệm năm 2021 khó khăn muôn trùng do đại dịch COVID-19 nhưng chúng tôi đạt được một số thành tích. Qua đó, tôi đánh giá cái đáng quý nhất là tư duy của Bộ Giao thông vận tải đã thay đổi rất lớn, từ chỗ trì trệ trông chờ, chúng tôi phải đột phá thực hiện nhiệm vụ.
Chúng tôi gắn trách nhiệm với người đứng đầu và có chế tài rõ ràng như thu hồi vốn, cắt khối lượng được giao, điều chuyển cán bộ không đáp ứng được nhiệm vụ. Để công việc trì trệ kéo dài dứt khoát phải thay đổi nhân sự. Chúng tôi đã điều chuyển từ vị trí thủ trưởng đơn vị này xuống làm phó đơn vị khác vì để công việc trì trệ.
Tôi đánh giá anh em trong bộ hiện nay tư duy nhạy bén, ý thức trách nhiệm cao. Cho nên với đà này, năm 2022 và những năm tiếp theo cả bộ máy sẽ vận hành tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
* Người trong ngành giao thông thường nói con đường, cây cầu cũng như đứa con phải đủ 9 tháng 10 ngày sinh ra mới khỏe mạnh được. Đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật rất cao, cần thời gian thi công phù hợp. Tuy nhiên, nhiều dự án thường được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ so với tiến độ lập ban đầu. Liệu làm nhanh có thể dẫn tới rủi ro chất lượng, làm ẩu không thưa ông?
- Dứt khoát chất lượng phải hàng đầu. Qua bài học xương máu ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án khác, tôi luôn nói với anh em làm gì thì làm nhưng chất lượng vẫn phải là mục tiêu hàng đầu. Thời gian ngắn thì phải nhiều người làm, không xuề xòa, không đốt cháy giai đoạn.
Các dự án cao tốc thực hiện trong thời gian tới có khó khăn về xử lý đất yếu nhưng đều phải thực hiện đúng quy trình, đủ thời gian gia cố. Chúng tôi đề nghị cho mở nhiều mỏ để chọn mỏ đất, mỏ đá có chất lượng tốt nhất để ưu tiên khai thác cho dự án. Tất cả được giám sát chặt chẽ, không được nhận lấp bất cứ khâu nào liên quan đến chất lượng.
Tôi dám khẳng định hiện không có đơn vị nào dám làm ẩu, bởi làm ẩu nhìn thấy là biết ngay. Thi công thế nào người ta cũng kiểm tra, hậu kiểm được toàn bộ. Làm ẩu hàng chục năm sau vẫn phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp chết đi mới hết trách nhiệm.
Tôi chỉ sợ sơ suất do thiếu hiểu biết. Họp với các Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu chúng tôi quán triệt anh em phải làm nghiêm túc tất cả các khâu. Mỗi bộ phận phải chịu trách nhiệm rất nặng với công việc của mình.
Tôi khẳng định đến hạn mà không hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, không đánh đổi bằng chất lượng kém. Làm vậy mới bảo toàn toàn bộ những cá nhân, đơn vị tham gia dự án với ngành.
Chúng tôi lúc nào cũng nhắc câu cuối cùng trước khi kết thúc họp với các đơn vị, cán bộ có liên quan là cái gì cho phép rút ngắn được thì rút ngắn nhưng chất lượng không được phép rút ngắn.
Chúng tôi rất quyết tâm và biết rằng làm đường cao tốc để thực hiện mục tiêu của Đảng, Chính phủ thì trách nhiệm nặng. Làm xong thì vinh quang nhưng thực hiện rất căng thẳng, cận kề với những rủi ro. Cho nên phải quyết tâm từng li từng tí để làm tốt nhất.
Chúng tôi quyết tâm tối đa và dứt khoát không làm ẩu để đảm bảo chất lượng công trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận