29/08/2024 16:40 GMT+7

Bò cỏ và chảo lửa làm ra món bò một nắng Krông Pa khét tiếng muôn phương

Vùng đất chảo lửa Krông Pa (Gia Lai) những năm gần đây nổi danh xa gần với đặc sản bò một nắng và muối kiến vàng, mà ai đã thử qua đều tấm tắc khen ngợi.

Khám phá xứ bò một nắng vùng chảo lửa Krông Pa - Ảnh 5.

Miếng bò một nắng nướng nhanh qua lửa than rồi xé sợi chấm muối kiến vàng khiến dân nhậu say mê - Ảnh: TẤN LỰC

Sự khắc nghiệt của thời tiết vùng đất khô hạn cùng giống bò cỏ địa phương đã tạo ra món bò một nắng hương vị thơm ngon, độc đáo nơi này.

Đặc sản từ bò cỏ và chảo lửa

Cuối tháng 8-2024, vùng đất chảo lửa Krông Pa vẫn nắng chói chang, dù thời tiết khắp vùng Tây Nguyên đã vào mùa mưa được mấy tháng.

Từ 8h sáng, mặt trời chiếu rọi nắng vàng khô khốc xuống khắp xứ lòng chảo sông Ba.

Thứ nắng gay gắt khiến khách lạ hoa mắt chóng mặt, lại là chất xúc tác tuyệt vời cho những miếng bò một nắng thơm ngon nay thành đặc sản.

Đưa tay lật trở những miếng bò tươi rói vừa tẩm ướp gia vị trên vỉ phơi nơi sân thượng, bà Đinh Thị Hậu (62 tuổi) - chủ thương hiệu bò một nắng 4 sao OCOP tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa - bảo mùa này phơi bò chỉ cần nửa nắng là đủ.

Miếng bò tươi đỏ rực đẫm gia vị thơm lừng héo dần dưới nắng như đang mời gọi thực khách.

Khám phá xứ bò một nắng vùng chảo lửa Krông Pa - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Hậu ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đang phơi mẻ bò một nắng - Ảnh: TẤN LỰC

Bò cỏ và chảo lửa làm ra món bò một nắng Krông Pa khét tiếng muôn phương - Ảnh 3.

Krông Pa là xứ sở của bò, bởi hầu như gia đình Jarai nào cũng có đàn bò hàng chục con trở lên - Ảnh: TẤN LỰC

Mấy năm nay, cùng với địa phương lân cận là tỉnh Phú Yên, thị trấn Phú Túc trở thành xứ sở bò một nắng. Là hộ sản xuất có gần 30 năm kinh nghiệm, bà Hậu bảo gia đình xây được nhà to, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn đều nhờ con bò.

Món bò một nắng được người dân vùng núi Sơn Hòa, Phú Yên và vùng đông nam Gia Lai sáng tạo ra từ cảm hứng món nai khô, nai gác bếp của các dân tộc bản địa.

Sau thời kỳ khai phá vùng đất mới, nguồn thực phẩm từ rừng giảm dần, con nai cũng thưa vắng rồi mất hẳn. Những di dân người Kinh đã sáng chế ra cách làm bò một nắng để ăn dần trong những ngày mưa gió.

Món gia vị muối kiến vàng của người Jarai được bà con "mượn" đưa vào bò một nắng và vô tình tạo ra sự kết hợp hoàn hảo.

Khám phá xứ bò một nắng vùng chảo lửa Krông Pa - Ảnh 3.

Miếng bò tươi ngon được tẩm ướp gia vị thơm phức hứng nắng to đang dần héo lại - Ảnh: TẤN LỰC

Những người có am hiểu sâu sắc về đặc sản này cho rằng nguồn gốc xuất phát bò một nắng là từ vùng núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sau đó lan dần theo dấu chân người Phú Yên di cư lên vùng đồng bằng sông Ba tại đông nam Gia Lai. Điều quan trọng làm nên cái ngon cho món này, chính là nguồn thịt từ giống bò cỏ bản địa - bò vàng Phú Yên.

Vùng lòng chảo cằn cỗi này là xứ sở của bò, hầu như gia đình Jarai nào cũng có đàn bò từ hàng chục tới cả trăm con.

Dọc quốc lộ 25 về Ayun Pa, Krông Pa, không khó bắt gặp những đàn bò chăn thả đông đúc trên bãi cỏ mênh mông trải hai bên đường. Nguồn nguyên liệu dồi dào cùng cái nắng rát da đã sản sinh ra đặc sản bò một nắng.

Khá lên nhờ bò một nắng, muối kiến vàng

Tới nay, nghề làm bò một nắng đã trở thành ngành kinh tế của đông đảo bà con Krông Pa. Những xe hàng mang bò một nắng hằng ngày tấp nập ra Bắc vào Nam, đem lại đời sống khấm khá cho dân vùng chảo lửa.

Bò cỏ và chảo lửa làm ra món bò một nắng Krông Pa khét tiếng muôn phương - Ảnh 5.

Miếng bò một nắng sau khi phơi xong, được hút chân không bảo quản trong tủ đông rồi gửi cho khách hàng - Ảnh: TẤN LỰC

Tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Tiến Nga (43 tuổi), hộ sản xuất bò một nắng tại thị trấn Phú Túc, chúng tôi được nghe nhiều chia sẻ thú vị từ món đặc sản này.

Bà Nga cho hay để làm ra miếng bò một nắng mềm, ngọt, nhất thiết phải dùng phần thịt đùi của giống bò cỏ đồng bào hay nuôi. 

Ngoài ra những phần khác trên con bò hay thịt bò đều không ngon.

Miếng bò tươi được xẻ dày, tẩm ướp gia vị rồi đưa lên giàn phơi nắng. 

Miếng bò ngon phải trải qua nắng to, héo nhanh mà không khô, giữ được nước ngọt bên trong thịt.

Cũng cần phải nhắc tới thứ gia vị chấm cùng là muối kiến vàng đã làm nên hương vị đặc trưng cho món ăn. 

Những tổ kiến vàng được đồng bào Jarai bắt về, mang phơi khô rồi sao giã cùng ớt khô, muối, làm nên vị chua thanh rất lạ, kích thích vị giác.

Vào mùa cao điểm cuối năm, đơn hàng đổ về dồn dập, hầu như nhà nào cũng rộn ràng làm bò một nắng. 

Những hộ sản xuất đặc sản này cho hay khoảng chục năm trở lại đây nhu cầu thị trường tăng mạnh, giúp người dân có cuộc sống ổn định.

Địa phương có đàn bò đông nhất tỉnh Gia Lai

Ông Võ Ngọc Châu - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa - cho hay huyện này có đàn bò lớn nhất tỉnh Gia Lai, với tổng đàn hơn 65.000 con, trong đó 63% là giống bò cỏ bản địa.

Nghề làm bò một nắng tại Krông Pa đang phát triển mạnh những năm gần đây, tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ gia đình.

Đến nay toàn huyện có 35 cơ sở sản xuất có chứng nhận chất lượng, nhiều cơ sở được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.

Khám phá xứ bò một nắng vùng chảo lửa Krông Pa - Ảnh 7.Bò một nắng

ATX - Theo những người sống lâu năm ở miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, món bò một nắng trước kia được người dân chế biến để làm lương thực trong nhà hoặc biếu người thân như món nai khô truyền thống. Ăn dần quen và thấy ngon.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên