Mua bán bảo hiểm xe máy, ô tô trên lòng đường TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tôi có người quen mua bảo hiểm bắt buộc xe máy, đến khi gặp tai nạn gọi cả tháng phía bảo hiểm vẫn không đến. Ra viện đi làm thủ tục thì than ôi, bỏ luôn cho xong.
Cũng giống như rất nhiều người dân khác, anh bạn tôi năm nào cũng bỏ khoảng 60.000 đồng để mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy. Việc mua bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo điều kiện đi đường, tránh cảnh sát giao thông xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
Bên cạnh đó cũng để yên tâm khi chẳng may xảy ra tai nạn sẽ có chỗ yêu cầu hỗ trợ. Nhưng cách đây khoảng một năm, hành trình đòi bảo hiểm sau vụ tai nạn đã khiến bạn tôi thay đổi suy nghĩ.
Vào thời điểm đó, vụ va chạm mạnh khiến người bên xe kia bị gãy chân, hai chiếc xe bị hư hỏng khá nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, ngoài hỗ trợ nạn nhân vào viện cấp cứu, bạn tôi đã gọi cho phía bảo hiểm thông báo.
Nhân viên tổng đài cho biết để làm thủ tục bồi thường phải chuẩn bị khoảng 20 loại giấy tờ, trong đó phải có hồ sơ vụ tai nạn của công an, mức độ thiệt hại, giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án...
Nghe xong đống giấy tờ được thông báo, bạn tôi đã thấy "hết hồn" song vẫn cố gắng dùng mọi quan hệ để làm. Nhưng lúc mang hồ sơ thì bên này đẩy bên kia, phòng này lại đùn sang phòng cạnh.
Sau gần nửa tháng đi lại "mất công, mất việc", bảo hiểm đòi thêm đủ loại hóa đơn, giấy tờ. Số tiền bồi thường được thông báo chỉ khoảng hai, ba triệu đồng nên bạn tôi quyết định bỏ. Bởi số tiền nếu nhận được chẳng đủ sửa xe chứ chưa nói đến trả viện phí cho nạn nhân. Sau gần một năm bên ly cà phê sáng nhắc lại với bạn bè, khuôn mặt ngán ngẩm vẫn hiện rõ ở bạn tôi.
Không chỉ bạn tôi, nhiều người dân cũng phản ánh khi hai xe máy xảy ra va chạm, trừ trường hợp hậu quả chết người hoặc thương tật nặng, cảnh sát giao thông mới ghi nhận hiện trường, lập hồ sơ. Còn với các vụ va chạm nhẹ, cảnh sát không đến ghi nhận, theo quy định phải gọi cho nhân viên bảo hiểm đến hiện trường ghi nhận, giám định.
Nhưng gọi lên tổng đài có lúc chỉ nhận được những hướng dẫn mà có lẽ chẳng ai muốn làm theo. Hay nhân viên tiếp nhận lại không đủ chuyên môn, thẩm quyền xác định xe nào gây ra lỗi, từ đó xác định đơn vị bảo hiểm phải bồi thường. Do quá nhiều bất cập nên khi tai nạn hỏng xe, các chủ xe thường mang luôn đi sửa thay vì gọi bảo hiểm...
Thêm vào đó có không ít vụ tai nạn thiệt hại, chi phí lên tới cả trăm triệu đồng nhưng tiền bồi thường nhận được chỉ vài triệu đồng, từ đó khiến người dân không mặn mà. Điều này minh chứng cho việc dù tổng doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc cho xe máy lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm song số vụ tai nạn xe máy được bảo hiểm bồi thường tỉ lệ rất thấp, chỉ vài phần trăm (6% với năm 2019).
Không thể phủ nhận bảo hiểm nói chung và bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy nói riêng rất thiết thực, lợi ích mà nó đem lại rất quan trọng cho người tham gia và xã hội. Hiện nay số vụ tai nạn và hậu quả do xe máy gây ra trong xã hội rất lớn. Tuy nhiên, với thủ tục còn rườm rà và không ít người chỉ xem việc mua để đối phó (không bị xử phạt) thì Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét bỏ yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm với xe máy.
Việc này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với số đông ý kiến dư luận thời gian qua. Dù bỏ bắt buộc nhưng người dân có điều kiện hay thấy mua bảo hiểm là cần thiết với xe vẫn có thể mua bình thường. Khi bỏ bắt buộc, để tự nguyện sẽ tạo cạnh tranh nhiều hơn, buộc các đơn vị bảo hiểm phải tìm giải pháp để nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng tốt nhất quyền lợi người mua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận