11/11/2022 09:22 GMT+7

Bảo hiểm xe máy: bắt buộc hay tự nguyện?

LÊ THANH - BÔNG MAI
LÊ THANH - BÔNG MAI

TTO - Nhiều người dân và chuyên gia kiến nghị việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy nên được chuyển sang hình thức mua tự nguyện thay vì bắt buộc, do việc triển khai chi trả bồi thường trên thực tế còn gây khó khăn cho người dân.

Bảo hiểm xe máy: bắt buộc hay tự nguyện? - Ảnh 1.

Người đi xe máy được tư vấn mua bảo hiểm trên xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TP.HCM) trưa 10-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong thực tế, nhiều người dân mua bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ nhằm đối phó với CSGT. Trong khi đó, với tỉ lệ bồi thường lại thấp, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lãi đậm từ việc "in giấy lấy tiền". 

Dù nghị định số 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới (thay thế nghị định cũ), với nhiều sửa đổi như giảm thủ tục, tăng quyền lợi bồi thường... nhưng việc đòi tiền bảo hiểm này trong thực tế rất khó khăn.

Không dễ nhận tiền bồi thường

Chị Nguyễn Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) kể tháng 3 vừa rồi, chị có đi xe máy và không may đâm vào xe của người đi cùng chiều. 

Ngay lúc đó, chị gọi cho đường dây nóng của doanh nghiệp (DN) bảo hiểm và được hướng dẫn giữ nguyên hiện trường để chờ nhân viên công ty đến. Do sự cố xảy ra đúng vào giờ cao điểm, xe cộ quá đông khiến đường ùn tắc cả trăm mét.

"Chờ 20 phút không thấy nhân viên bảo hiểm đến hay liên hệ lại mà xe thì đổ ra giữa đường nên tôi đã phải thương lượng và chi bồi thường luôn cho người bị tôi đâm xe. Qua vụ việc này, tôi cho rằng việc bắt buộc chủ xe máy mua bảo hiểm là rất vô lý dù số tiền bỏ ra 66.000 đồng/năm là không nhiều" - chị Huyền nói.

Anh N.H.Hải (Đống Đa, Hà Nội) cho biết sau một tuần xảy ra vụ tai nạn nhưng anh vẫn chưa được DN bảo hiểm tạm ứng để bồi thường cho nạn nhân. 

"Theo quy định, trong ba ngày kể từ ngày nhận được thông báo của người mua bảo hiểm, DN bảo hiểm phải tạm ứng ngay cho người mua bảo hiểm để bồi thường thiệt hại cho người bị đâm xe. Nhưng nhân viên bảo hiểm cứ trì hoãn, bảo là đang hoàn thiện hồ sơ bồi thường" - anh Hải cho biết.

Liên hệ với đường dây nóng của Bảo hiểm Bảo Minh trong vai một người mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe máy không may vừa va chạm xe với một người khác, chúng tôi được kết nối với một nhân viên tên N.. Sau khi trình bày sự việc, chị N. cho biết cần phải có biên bản xác định xảy ra tai nạn và cảnh sát giao thông phân lỗi thuộc về bên nào.

"Về cơ bản chắc chắn phải có chứng từ công an, biên bản xác nhận sự việc", nhân viên này nói và cho biết DN bảo hiểm sẽ làm hồ sơ theo từng khâu. Kể cả khi cảnh sát giao thông đã xác định lỗi thuộc về bên mua bảo hiểm, nhưng nạn nhân vẫn đang điều trị, chưa có giấy tờ xuất viện thì vẫn chưa được tạm ứng tiền bồi thường, do chưa đủ giấy tờ.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đường dây nóng của nhiều đơn vị khác như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI... cũng yêu cầu bên mua bảo hiểm phải nộp biên bản xác nhận tai nạn của cảnh sát giao thông.

Bảo hiểm xe máy: bắt buộc hay tự nguyện? - Ảnh 2.

Mua bảo hiểm xe máy khi bị tai nạn giao thông sẽ được bồi thường - Ảnh: T.T.D.

Tỉ lệ được bồi thường lên tới 99,8%?

Giải thích về số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tai nạn xe máy quá thấp, chỉ bằng 6% so với doanh thu, ông Nguyễn Quang Huyền - phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính - cho rằng nếu chỉ nhìn doanh thu, mức bồi thường bảo hiểm là chưa toàn diện. 

Vì trong cơ cấu doanh thu, DN bảo hiểm phải trích lập các khoản dự phòng và các chi phí khác chứ không chỉ dùng để bồi thường.

Trên thực tế, năm 2019 Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm báo cáo kết quả kiểm tra bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. 

Kết quả là tổng số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là gần 29.000, trong đó yêu cầu bồi thường đối với xe máy chỉ là hơn 2.000 vụ với tỉ lệ số vụ được DN bảo hiểm chi trả bồi thường lên đến 99,8%.

Trong khi đó, theo ông Vũ Xuân Thưởng - giám đốc ban bảo hiểm xe cơ giới thuộc Bảo hiểm Bưu điện, mức chi trả bồi thường thấp là do cơ chế chính sách cũ được áp dụng trước tháng 3-2021 quá chặt chẽ. 

Nút thắt chính là quy định trước đây yêu cầu vụ tai nạn có mức chi trả trên 10 triệu đồng là phải có hồ sơ của công an giao thông gồm biên bản khám nghiệm phương tiện giao thông, sơ đồ hiện trường, kết luận vụ tai nạn giao thông (nguyên nhân ra sao, lỗi do ai, thỏa thuận bồi thường...).

Mặt khác, nhiều người mua bảo hiểm chưa hiểu đúng bản chất của sản phẩm này khi cho rằng họ mua bảo hiểm sẽ được bồi thường cho chính họ khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, không phải như vậy, DN bảo hiểm sẽ chi trả cho người gây tai nạn để bồi thường cho người bị tai nạn giao thông.

"Ông A đi xe máy, không may đâm vào ông B. Ông B bị thiệt hại như gãy chân..., xe bị hỏng... và yêu cầu ông A phải bồi thường. Lúc này, trách nhiệm của DN bảo hiểm là chi trả cho ông A số tiền mà ông A đã hoặc sẽ bồi thường cho ông B. 

Trường hợp không may ông A tử vong hoặc mất năng lực hành vi thì DN bảo hiểm sẽ bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại là ông B" - ông Thưởng đơn cử.

Thủ tục bồi thường phải đơn giản

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng nhiều người kiến nghị bỏ quy định bắt buộc bảo hiểm TNDS chủ xe máy cho thấy cách triển khai chi trả bồi thường có vấn đề chứ không hẳn là do bản chất của loại hình bảo hiểm này. 

Do đó, quy định nên cho phép các DN bảo hiểm tự triển khai loại hình bảo hiểm TNDS xe máy thay vì bắt buộc.

"Với mức phí 66.000 đồng/năm đối với xe máy trên 50cc và 55.000 đồng cho xe dưới 50cc là không cao, chỉ bằng một ly trà sữa, người dân sẵn sàng chi trả. Nhưng với điều kiện, thủ tục bồi thường cần phải đơn giản hơn nữa, nhất là cách thức triển khai bồi thường không được làm khó dễ người dân" - ông Đán khuyến nghị.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết với nghị định 03 được Chính phủ ban hành vào tháng 1-2021, các thủ tục bồi thường được cắt giảm tối đa. 

Theo đó, không cần các tài liệu của cơ quan công an như biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông trong hồ sơ bồi thường, trừ trường hợp nạn nhân bị tử vong.

"Khi xảy ra tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ xe cơ giới - người mua bảo hiểm gọi cho đường dây nóng của DN bảo hiểm (ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm). Nhân viên DN bảo hiểm phải có trách nhiệm hướng dẫn ngay cho người dân về hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường, tổ chức công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất", ông Huyền cho biết.

Bên cạnh đó, nghị định số 03 cũng đã điều chỉnh tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo lên đến 45 triệu đồng đối với trường hợp tử vong và 15 triệu đối với trường hợp thương tật bộ phận cho các nạn nhân trong các vụ tai nạn không có bảo hiểm, không xác định được xe gây tai nạn hoặc không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường bảo hiểm.

Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần giám sát chặt việc thực thi triển khai chi trả bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. 

"Thực tế có tình trạng một số DN bảo hiểm vẫn yêu cầu người tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với chủ xe máy phải liên hệ và có xác nhận của CSGT. Điều này là sai quy định và cho thấy đang có hiện tượng trốn tránh trách nhiệm, cố tình gây khó khăn cho người dân", vị chuyên gia này nói.

Tỉ lệ chi bồi thường quá thấp

Góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ 1-1-2023), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) kiến nghị Bộ Tài chính xem xét việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với chủ xe máy để các bên tự nguyện thỏa thuận.

Thực tế, trong năm 2019, tỉ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy ở mức rất thấp, chỉ gần 6% trong năm 2019 với chi trả 45 tỉ đồng trên tổng số 765 tỉ đồng phí bảo hiểm.

Trong 3 quý đầu năm 2022, theo dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm VN, doanh thu bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt hơn 3.220 tỉ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2021 nhưng mức bồi thường chỉ đạt 17,4%, tương đương 562 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Quang Huyền (cục phó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính):

Bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự mang tính an sinh

Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới gồm mô tô, xe máy là một giải pháp bảo đảm tài chính cho chủ xe mô tô, xe máy với chi phí thấp (55.000 - 60.000 đồng) và mức trách nhiệm bồi thường cao (lên đến 150 triệu đồng), để bồi thường kịp thời cho nạn nhân tai nạn khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh - xã hội.

Bởi xe máy, mô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, nên cần phải có giải pháp bảo đảm tài chính giảm thiểu tác động lớn đến xã hội trong trường hợp không may xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông.

Nếu không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, không đủ năng lực tài chính, phải nằm viện không thể bồi thường cho nạn nhân, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn giao thông.

Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm thì các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Đây là ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm bắt buộc này.

Còn trên thế giới, hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy và thậm chí có quốc gia áp dụng cả với xe đạp điện, như Mỹ, EU, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...

L.THANH

Hoa hồng lên tới 70%

Baohiem 1

Cộng tác viên mua bảo hiểm xe máy bắt buộc trên ứng dụng MFast về bán được trả hoa hồng trực tiếp lên tới 64% (chưa bao gồm hoa hồng gián tiếp), trong khi theo quy định mức tối đa là 20% - Ảnh: BÔNG MAI

"Thời đại 4.0 ta nói kiếm tiền nó nhàn. Ngồi một chỗ. Khách alo. Cấp online chưa tới một phút. Rồi là chờ tiền ting ting", một người tên H. đăng nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội để tuyển cộng tác viên bán bảo hiểm xe, đồng thời khẳng định bán bảo hiểm xe không cần vốn mà còn được chiết khấu cao.

Ngỏ ý cũng muốn làm cộng tác viên, chúng tôi được người này hướng dẫn tải ứng dụng tên MFast về điện thoại, do Công ty D. vận hành. "Nơi có thể giúp bạn kiếm hơn 70 triệu mỗi tháng mà không cần kinh nghiệm, chuyên môn hay đầu tư tiền bạc. Hơn 20.000 thành viên khác đã thành công, chỉ chờ bạn thôi", lời kêu gọi đầy hấp dẫn được hiện lên khi chúng tôi truy cập vào ứng dụng MFast.

Thông qua ứng dụng này, chúng tôi có thể mua các loại bảo hiểm xe máy - ô tô để bán lại, với mức hoa hồng nhận về từ 44-64%/phiếu bảo hiểm online, tùy vào số lượng. Chẳng hạn, chỉ cần mua một phiếu bảo hiểm TNDS xe máy bắt buộc có giá gốc 66.000 đồng, cộng tác viên sẽ nhận được hoa hồng 26.400 đồng (44%). Càng mua nhiều mức chiết khấu sẽ càng cao.

Theo giới thiệu trên website, ở MFast chi trả 10% "hoa hồng gián tiếp" từ doanh thu sản phẩm bảo hiểm.

Ví dụ A giới thiệu cho bạn mình là B tham gia ứng dụng MFast, trong một tháng B đạt doanh thu 10 triệu đồng từ sản phẩm bảo hiểm, A lập tức được nhận về 1 triệu đồng "hoa hồng gián tiếp" (10%). Như vậy, ngoài mức hoa hồng trực tiếp lên tới 64% (mua bán từ 301 phiếu bảo hiểm), cộng tác viên còn nhận thêm 10% "hoa hồng gián tiếp".

"Bán bảo hiểm xe máy - 0 vốn 4 lời", thông điệp mời chào được hiển thị trong bài viết ở trang web finviet.com.vn. Theo đó, trong thời gian triển khai chương trình ưu đãi, "điểm bán sẽ được nhận hoa hồng thật hấp dẫn khi bán và mua gói bảo hiểm TNDS xe máy trên ứng dụng ECO Merchant", "nhận hoa hồng không giới hạn".

Ví dụ, cứ một bảo hiểm TNDS xe máy bắt buộc có phí 66.000 đồng (mô tô hai bánh trên 50cc) được bán ra, sẽ được nhận về hoa hồng 30.000 đồng (hơn 45%). Như vây, mức chi trả hoa hồng trên đều cao vượt trội so với tỉ lệ 20% theo quy định hiện hành.

B.MAI

Mua bảo hiểm để đối phó cảnh sát giao thông

Sáng 10-11, chúng tôi ghi nhận dọc tuyến xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), đường 3 Tháng 2 (quận 10)... bảo hiểm xe máy với giá 10.000 đồng/năm đến 35.000 đồng/năm vẫn bày bán tràn lan.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy cho biết chủ yếu để đối phó với lực lượng CSGT chứ không nghĩ đến việc được hỗ trợ hay bồi thường khi chẳng may gây ra tai nạn.

baohiem

Người dân đồng tình bỏ quy định bắt buộc chủ xe máy phải mua bảo hiểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bán bảo hiểm với giá khuyến mãi!

Đoạn xa lộ Hà Nội ngay chân cầu Sài Gòn (hướng từ trung tâm TP ra TP Thủ Đức), 2-3 điểm bán bảo hiểm xe máy chào mời. Vài người đi xe máy ghé lại hỏi mua, người bán giới thiệu đây là bảo hiểm khuyến mãi nên giá rẻ, còn giá bán trong đại lý bảo hiểm dao động từ 55.000 - 66.000 đồng/năm bảo hiểm.

Người mua nhanh chóng chọn mua bảo hiểm 10.000 đồng rồi rời đi mà không quan tâm về chuyện đền bù sau này. Cách đó chừng 10m, một điểm bán bảo hiểm xe máy cũng mời chúng tôi ghé xem bảo hiểm "giá rẻ bèo". Khi chúng tôi hỏi bảo hiểm này của công ty nào và đền bù ra sao, người bán trả lời "ở đây chỉ bán bảo hiểm khuyến mãi, còn thủ tục này kia không rõ".

Anh Phan Thanh Bình - một khách mua bảo hiểm - cho biết anh mua bảo hiểm này chỉ để đối phó với CSGT chứ không quan tâm đến việc bồi thường. Trước đây, anh mua bảo hiểm của các công ty uy tín với giá hơn 66.000 đồng/năm bảo hiểm. Thế nhưng, đến lúc xảy ra tai nạn thì công ty bảo hiểm thờ ơ, không bồi thường được gì.

Cụ thể, vào năm 2017, anh bị va chạm xe máy trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) bị thương khá nặng. "Người nhà tôi gọi cho công ty bảo hiểm nhưng mấy tiếng sau họ vẫn không đến hiện trường mà yêu cầu gia đình tôi tự làm hồ sơ báo tai nạn gửi đến công ty bảo hiểm.

Những tưởng sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường nhưng đợi chờ mòn mỏi không thấy phía công ty phản hồi.

Tôi năm lần bảy lượt liên hệ công ty bảo hiểm thì bên đó báo bổ sung hồ sơ tai nạn và xác nhận của CSGT. Thấy quá nhiêu khê nên tôi đành bỏ cuộc.

Từ đó về sau, tôi mua bảo hiểm lề đường để đối phó với CSGT cho xong chuyện. Công ty bán bảo hiểm mà lại trả lời vô trách nhiệm, mập mờ như vậy thì mua bảo hiểm của họ làm gì, chỉ lãng phí", anh Bình nói.

Chính vì vậy, anh Bình đề xuất bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy. Bảo hiểm xe máy nên là bảo hiểm tự nguyện để người dân được chọn. Đây cũng là cách để các công ty bảo hiểm "làm ăn" có trách nhiệm hơn với người dân.

Siết bồi thường bảo hiểm xe máy

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết người dân rất hiếm khi được đền bù bảo hiểm xe máy. Thủ tục đền bù nhiêu khê, công ty bảo hiểm tránh né nên dân mua bảo hiểm lề đường rẻ tiền, không có giá trị bồi thường để đối phó với lực lượng.

"Những bảo hiểm "lề đường" không có giá trị pháp lý nên CSGT xử phạt bình thường. Mức phạt cụ thể là phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng/trường hợp", vị này cho biết.

TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế - khẳng định người dân tham gia bảo hiểm xe máy là để được bảo hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố không mong muốn. Nếu xảy ra tai nạn giao thông, bảo hiểm sẽ hỗ trợ bồi thường cho bên thứ ba bị ảnh hưởng bởi tai nạn, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.

"Dù vậy trên thực tế, nhiều trường hợp tai nạn giao thông nhưng các công ty bán bảo hiểm xe máy ngó lơ, từ chối bồi thường một cách vô lý. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi người dân, làm mất niềm tin nên người dân mua bảo hiểm lề đường chủ yếu để đối phó CSGT", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, các ban ngành cần nên tính toán bỏ quy định bắt buộc đối với bảo hiểm xe máy, cho dân tự nguyện tham gia. Trong thực tế, bảo hiểm ô tô lâu nay đã đem lại những lợi ích thực sự cho người tham gia. Còn bảo hiểm xe máy thủ tục yêu cầu bồi thường rườm rà, phức tạp chỉ khiến dân tốn kém, mất thời gian.

"Ngoài ra, rất cần có những quy định rõ ràng hơn trong bồi thường bảo hiểm xe máy cho dân đúng quy trình, quy định. Trong đó, bắt buộc các hãng bảo hiểm có trách nhiệm hướng dẫn người dân làm hồ sơ bồi thường chứ không lơ là như hiện nay.

Nếu công ty bán bảo hiểm thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường đối với người tham gia bảo hiểm, dân được hưởng quyền lợi phù hợp thì họ chủ động chọn mua bảo hiểm xe máy", ông Tiến nói.

THU DUNG

Mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy: 98% bạn đọc đề xuất Mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy: 98% bạn đọc đề xuất 'nên bỏ'

TTO - Liên quan việc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị bỏ quy định bắt buộc chủ xe gắn máy phải mua bảo hiểm, nhiều bạn đọc đã lên tiếng ủng hộ. Trong cuộc thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, có đến gần 98% chọn đáp án: Nên bỏ!

LÊ THANH - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên