21/05/2023 11:03 GMT+7

Bình Dương vẫn nóng chuyện phân lô, xây dựng trái phép

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong thời gian qua mặc dù UBND tỉnh Bình Dương đã có nhiều văn bản để chấn chỉnh tình hình nhưng các công trình sai phạm vẫn đua nhau "mọc" lên.

Một dãy nhà xây dựng không phép nhưng tới khi hoàn thành mới bị lập biên bản, cưỡng chế tại phường Tân Phước Khánh, thành phố Tân Uyên, Bình Dương - Ảnh: TUẤN DUY

Một dãy nhà xây dựng không phép nhưng tới khi hoàn thành mới bị lập biên bản, cưỡng chế tại phường Tân Phước Khánh, thành phố Tân Uyên, Bình Dương - Ảnh: TUẤN DUY

"Quy mô, tính chất, phạm vi của vi phạm là hết sức phức tạp, diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được quan tâm đúng mức, không kịp thời kiểm tra và xử lý" - đây là nội dung được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận mới đây về tình hình phân lô, xây dựng trái quy định tại tỉnh Bình Dương.

Phân lô xây dựng trái phép ở Bình Dương: Yêu cầu thanh tra toàn diện, chuyển cơ quan điều tra các sai phạm

Phân lô, xây dựng trái phép vẫn gia tăng

Tại Tân Uyên, địa phương vừa trở thành thành phố thứ tư của tỉnh Bình Dương, không hiếm gặp các khu "nhà sổ chung" được xây dựng trên đất nông nghiệp. Các căn nhà này được giới đầu nậu xây ồ ạt, do không có giấy phép nên không thể tách thửa, người dân mua nhà vừa ở vừa lo.

Ông P.Đ.T. cho biết gia đình ông mua một ngôi nhà "sổ chung" với diện tích hơn 50m2. 

Dù bỏ ra số tiền khá lớn để mua nhà, nhưng khi hỏi đến sổ đỏ, ông T. cho biết "không biết sổ đỏ ở đâu" vì dãy nhà sổ chung của ông T. có tới gần 100 hộ với 8 dãy nhà "xây lụi" trên ba thửa đất mà phần lớn là đất trồng cây lâu năm.

"Vẫn biết là pháp lý không ổn nhưng khó khăn nên chúng tôi đành chấp nhận mua các căn nhà sổ chung này có giá rẻ hơn nhà sổ riêng và đều hy vọng sẽ có lúc Nhà nước xem xét hợp thức hóa tách thửa, cấp sổ cho từng hộ", ông T. nói.

Mới đây, vào cuối tháng 3-2023, UBND phường Tân Phước Khánh (TP Tân Uyên) đã tháo dỡ 12 trong số 18 căn nhà trên khu đất rộng gần 700m2 của ông T.T.V.. Dù không có giấy phép xây dựng nhưng các căn nhà đã mọc lên bề thế, có căn đã hoàn thiện nội thất và cho người dân vào ở.

Lý giải thắc mắc vì sao để đến khi các căn nhà đã hình thành mới phát hiện, ông Phạm Tuấn Khanh, chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, cho biết công trình trên đã được lập biên bản vi phạm từ cuối năm 2021. Khi đó, lợi dụng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên chủ nhà đã lén lút tập kết vật liệu và xây dựng "thần tốc" các căn nhà không phép.

Nguy cơ thành các "ổ chuột" giữa lòng đô thị

Tại TP Thuận An, tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép cũng diễn ra phức tạp.

Tiêu biểu như khảo sát tại phường Thuận Giao, có ít nhất 10 công trình xây dựng không phép, sai phép từ các khu nhà trọ trên khu đất hơn 2.700m2 với gần 100 phòng trọ đến các nhà xưởng không phép xen cài trong khu dân cư rộng từ 500 - 1.000m2/công trình.

Mặc dù đại diện UBND TP Thuận An cho biết vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng có một thực tế là vẫn có rất nhiều công trình sai phép được hình thành gần đây tại địa bàn này.

Tại TP Dĩ An, sau khi UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền thì vẫn xuất hiện bốn khu phân lô mới.

Trong đó ở phường Tân Bình hình thành hai khu với diện tích trên 2.500m2 được phân thành 44 lô, phường Tân Đông Hiệp 2 khu với diện tích trên 6.400m2 được phân thành 88 lô.

Việc phân lô bán nền tự phát, xây dựng sai phép để lại hệ quả lâu dài không chỉ cho công tác quản lý mà còn mang đến rủi ro cho người dân.

Tiêu biểu với khu "nhà sổ chung", ông P.Đ.T. (ngụ TP Tân Uyên) cho biết ngoài nỗi lo mất nhà vì không được đứng tên sổ, hằng ngày ông và các hộ dân phải dùng điện giá cao tới 4.000 đồng/kWh.

Ngoài ra, dù chủ đầu tư các khu "nhà sổ chung" cũng chừa lối đi cho các hộ dân, nhưng phần lớn các khu phân lô tự phát sẽ không có hạ tầng cấp thoát nước đầy đủ, mưa là ngập...

Một cán bộ quản lý cho hay, các khu phân lô xây dựng trái phép, tự phát sẽ để lại hậu quả nặng nề, nguy cơ hình thành các khu "ổ chuột" giữa lòng đô thị. Để giải quyết, Nhà nước và người dân sẽ phải bỏ ra các chi phí, công sức không nhỏ để khắc phục nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện suôn sẻ.

Cách làm là như tại TP Dĩ An, Thuận An..., cơ quan chức năng địa phương rà soát các khu phân lô tự phát, nếu phù hợp quy hoạch đất ở thì vận động người dân hiến đất mở rộng đường.

Sau đó, Nhà nước và nhân dân phải đầu tư hạ tầng, chuyển thổ cư... thì mới có thể xem xét cấp sổ riêng cho từng hộ. Với các khu phân lô không phù hợp quy hoạch, việc xử lý hệ quả còn phức tạp hơn nhiều.

Yêu cầu chuyển sai phạm cho cơ quan điều tra

Vì sao tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép diễn ra tràn lan tại Bình Dương? Theo một cán bộ quản lý, ngoài sự phát triển nhanh của công nghiệp, đô thị hóa dẫn đến nhu cầu lớn của người dân thì nguyên nhân chính xảy ra sai phạm vẫn là sự buông lỏng quản lý, thậm chí là "ăn chia" để "ngó lơ" của cán bộ có trách nhiệm.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô xây dựng trái phép trong địa bàn tỉnh để chấn chỉnh, chuyển cơ quan điều tra đối với các trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự.

Cận cảnh các khu đất vàng trong vụ bán đấu giá gay cấn tại Bình DươngCận cảnh các khu đất vàng trong vụ bán đấu giá gay cấn tại Bình Dương

Sau gần 10 năm Bình Dương dời trung tâm hành chính vào thành phố mới (từ năm 2014), các khu đất vàng được bán đấu giá vẫn là câu chuyện nóng nhận được sự quan tâm của dư luận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên