10/08/2017 18:19 GMT+7

​Biểu tình phản đối du lịch lan khắp châu Âu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - “Nỗi ám ảnh du lịch” trở thành hiện tượng trong mùa hè này ở châu Âu khi các cuộc biểu tình phản đối du lịch bùng phát ở các thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Ý) đã lan ra khắp nơi.

Người biểu tình phản đối du lịch ở Venice - Ảnh: Reuters
Người biểu tình phản đối du lịch ở Venice - Ảnh: Reuters

Guardian ngày 10-8 mô tả những người biểu tình tuần hành dưới cái nóng gay gắt tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của châu Âu. Làn sóng khiến Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) phải đứng ra bảo vệ ngành du lịch và kêu gọi các cơ quan địa phương quản lý hiệu quả hơn ngành công nghiệp không khói này.

“Mô hình du lịch ngày nay đang đá người dân khỏi khu dân cư và gây hại đến môi trường” – nhóm “quá khích” thuộc phe Ứng viên thống nhất đại chúng tuyên bố sau khi tham gia chọc thủng lốp các xe buýt và xe đạp cho thuê tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha.  

Các nhóm biểu tình cho biết các vấn đề trong ngành du lịch ngày càng trầm trọng như thiếu kiểm soát du khách, dịch vụ chỗ ở Airbnb ảnh hưởng đến thị trường nhà ở. Tây Ban Nha đón lượng du khách kỷ lục trong năm ngoái, hơn 75,6 triệu người.

Ngoài Barcelona, những người biểu tình cũng dự kiến tuần hành quy mô tại Mallorca và San Sebastian.

Tại Venice, thành phố đón hơn 20 triệu khách năm ngoái nhưng chỉ có 55.000 dân, hàng ngàn người đã xuống đường phản đối  việc tăng giá các khoản thuê, sự phiền hà của các tàu du lịch khổng lồ và gây ô nhiễm môi trường.

Thông điệp
Thông điệp "du khách về đi" được viết lên tưởng ở Oviedo, Tây Ban Nha - Ảnh: Guardian

Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai nhận định xu hướng chống du lịch ở châu Âu là một vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết theo nhiều cách khác nhau. Tổ chức này đưa ra các giải pháp quản lý cho những điểm du lịch đông đúc như khuyến khích du khách không tập trung tại trung tâm, đa dạng các hoạt động du lịch và hơn hết là giải quyết các nhu cầu của người dân.

Chính quyền nhiều nơi thời gian qua cũng đã hành động như Barcelona tăng cường kiểm tra các nơi kinh doanh Airbnb không phép, trong khi Venice cấm xây khách sạn mới ở trung tâm. Tại Rome, chính quyền cấm du khách có các hành vi phản cảm như ăn uống, vọc các đài nước hay cấm uống rượu bia trên đường phố buổi tối.

Còn thành phố Dubrovnik của Croatia, điểm cập bến của các tàu du lịch cỡ lớn, cũng lắp đặp máy quay theo dõi du khách và hạn chế số người vào các điểm du lịch nổi tiếng.

Theo nhà nghiên cứu Duncan McCann thuộc tổ chức New Economics Foundation, căng thẳng xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự gia tăng của dịch vụ Airbnb, số lượng du khách và khách từ các tàu du lịch chỉ quanh quẩn trong các trung tâm thành phố.

Theo ông, mối lo ngại nguy cơ khủng bố từ bắc Phi là một phần nguyên nhân của sự gia tăng du khách ở Địa Trung Hải trong hai năm qua, gây áp lực lên các thành phố cổ kính với hệ thống đường xá rất nhỏ.

Tuy nhiên ông McCann cho rằng áp lực không đến từ số lượng du khách mà là các chính sách tại châu Âu không giải quyết được vấn đề. “Cho đến khi nó được giải quyết, tôi không nghĩ phong trào biểu tình này sẽ lắng xuống” – ông nhận định.

Du khách đổ bộ trên đường phố ở Dubrovnik, Croatia - Ảnh: Guardian
Du khách đổ bộ trên đường phố ở Dubrovnik, Croatia - Ảnh: Guardian
TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên