30/06/2017 15:34 GMT+7

Nóng kỷ lục tại châu Âu do biến đổi khí hậu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nhà khoa học khẳng định đợt nóng khủng khiếp khắp khu vực tây Âu trong tháng 6 này có sự đóng góp lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Vòi phun nước công cộng trở thành nơi giải nhiệt cho người dân Nantes, Pháp trong cái nóng tháng sáu - Ảnh: Reuters
Vòi phun nước công cộng trở thành nơi giải nhiệt cho người dân thành phố Nantes của Pháp trong cái nóng tháng Sáu - Ảnh: Reuters

Châu Âu đang trải qua mùa hè nóng bỏng theo đúng nghĩa đen với loạt cháy rừng ở Bồ Đào Nha làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, trong khi cái nóng như hun đốt buộc chính quyền nhiều nước như Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan phải kích hoạt kế hoạch khẩn cấp.

Nhiệt độ tại khu vực phía tây châu Âu trong tháng 6-2017 cao hơn hơn mức trung bình mùa hè đến 3oC.

Tại Anh, ngày 21-6 vừa qua được xác định là ngày nóng nhất của tháng sáu trong 40 năm qua với nhiệt độ chạm mốc 34,5 oC đo được tại Heathrow.

Chính quyền đã buộc ra cảnh báo sức khỏe tại miền nam và Xứ Wales, khuyến cáo người già, trẻ em và người cần chăm sóc y tế tránh nóng và mất nước.

Trong khi đó, đêm 21-6 cũng là đêm nóng kỷ lục trong tháng sáu của Pháp với nhiệt độ trung bình khoảng 26,4 oC. Người dân Thụy Sĩ, Hà Lan cũng hứng chịu những đợt nóng chưa từng thấy.

Theo giới khoa học thuộc World Weather Attribution - một liên minh khoa học gia quốc tế, hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến nguy cơ nắng nóng cao gấp nhiều lần tại một số khu vực của châu Âu.

Họ nghiên cứu dựa trên việc mô phỏng thời tiết trong tình hình khí hậu hiện tại và thời tiết không chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và so sánh cả hai.

Đài BBC dẫn lời khoa học gia Geert Jan van Oldenborgh từ Viện khí tượng hoàng gia Hà Lan: “Chúng tôi nhận thấy liên hệ rất mạnh mẽ và rõ ràng giữa cái nóng kỷ lục của tháng này với sự biến đổi khí hậu do con người gây ra. Các ghi chép nhiệt độ địa phương cho thấy xu hướng ấm lên rất rõ ràng, thậm chí nhanh hơn trong các mô hình khí hậu có sự ảnh hưởng của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, thay đổi việc sử dụng đất...”.

Một số khác đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng hơn. “Những tháng nắng nóng không còn là điều lạ trong khí hậu hiện nay. Đến giữa thế kỷ này, nhưng tháng sáu đổ lửa sẽ là chuyện thường ở tây Âu trừ khi chúng ta có những biện pháp cấp thiết để giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính” - nhà nghiên cứu Robert Vautard, một thành viên của nhóm, nhận định.

Nhóm các nhà khoa học trên kêu gọi các lãnh đạo chính quyền phối hợp với các nhà khoa học và chuyên gia để vạch ra các kế hoạch ứng phó với nắng nóng.

“Khi có nắng nóng chúng ta thường tự hỏi vai trò của biến đổi khí hậu là gì? Các câu trả lời thường do các chính trị gia hoặc những người trong giơới chính trị và không dựa trên các bằng chứng khoa học” - chuyên gia Friederike Otto của Đại học Oxford phát biểu đầy bất bình.

Biến đổi khí hậu sẽ là một vấn đề trọng tâm của hội nghị G20 diễn ra tuần sau tại thành phố Hamburg, Đức. Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel cho biết hội nghị sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hơn nữa việc thực thi các mục tiêu của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, theo đài BBC.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên