03/06/2017 11:46 GMT+7

Mỹ rút, Thỏa thuận Paris về đâu?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Với tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, Tổng thống Donald Trump tiếp tục chính sách “Nước Mỹ trên hết”, để lại một tương lai bất định cho nỗ lực lớn nhất của thế giới chống lại biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Để thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu” - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Để thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu” - Ảnh: Reuters

Nhà Trắng đang gặp sức ép lớn từ quốc tế sau tuyên bố bị coi như hành động ích kỷ, phục vụ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.

Cái lý của ông Trump

Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2015 (COP 21) ở Paris (Pháp), tổng cộng 195 nước đã đồng ý thỏa thuận biến đổi khí hậu với mục tiêu chung duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 2°C trở xuống tính tới hết thế kỷ này.

Thỏa thuận xuất phát từ giả thuyết do các nhà khoa học đồng thuận và các quốc gia chấp nhận: hiện tượng Trái đất nóng lên do khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có CO2, tạo ra nhiều hệ lụy như lũ lụt, hạn hán dẫn tới khủng hoảng an ninh lương thực.

Để thực hiện mục tiêu ấy, mỗi quốc gia cam kết cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong từng giai đoạn. Như Mỹ cam kết giảm 26-28% đến năm 2025, Trung Quốc giảm 18% đến năm 2030.

Khác với Nghị định thư Kyoto, thỏa thuận tại COP 21 không có tính ràng buộc, mà theo tinh thần tự nguyện của mỗi quốc gia cả về chỉ tiêu giảm phát thải lẫn mức tài chính đóng góp cho thỏa thuận.

Cứ sau mỗi 5 năm, họ sẽ họp lại để đánh giá, nhưng những quốc gia không hoàn thành chỉ tiêu sẽ không phải chịu bất kỳ chế tài nào.

Ngoài ra, COP 21 thống nhất kêu gọi các nước giàu/phát triển có nhiệm vụ “huy động” 100 tỉ USD/năm từ công quỹ và các khu vực tài chính tư nhân để giúp các nước nghèo tính tới năm 2025, trước khi đặt ra một cột mốc đóng góp mới với số tiền đóng góp tăng lên.

Trong tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris tại Nhà Trắng hôm 1-6, ông Trump khẳng định các thỏa thuận này thiếu công bằng và làm tổn hại nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống Mỹ nói rằng để giảm khí thải, Mỹ phải giảm sản xuất, đóng cửa bớt nhà máy, người dân mất việc làm, doanh nghiệp tốn thêm chi phí và Mỹ sẽ tiêu tốn “hàng tỉ, hàng tỉ, hàng tỉ USD” trong khi “chúng ta còn nợ công 20.000 tỉ USD”.

Thực tế việc rút khỏi Thỏa thuận Paris (mà tổng thống Obama ký tham gia năm 2005) là lời hứa của ông Trump trong cuộc bầu cử 2016. Ông đã chỉ trích thỏa thuận này là “trò lừa đảo”, và rằng tại sao Mỹ phải trả tiền cho một thỏa thuận không có tính ràng buộc.

Tương lai mông lung

Số phận của Thỏa thuận Paris sau khi không có Mỹ đang là vấn đề đáng quan tâm. Sự hiện diện của Mỹ trước hết là nguồn cung tài chính, do Mỹ nằm trong số các nước phải “huy động” 100 tỉ USD cho các nước nghèo.

Nhưng báo Telegraph (Anh) chỉ ra thực tế rằng ngay từ thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc năm 1992 đã mập mờ về khái niệm “quốc gia phát triển” dẫn tới đóng góp không đồng đều, mà ông Trump cho rằng “đặt Mỹ vào thế bất lợi so với nước khác”.

Năm 1992, có 6 trên 10 nước hiện nay là giàu nhất thế giới được xếp vào dạng “nước đang phát triển”, điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong phát biểu của mình, ông Trump nói thẳng rằng Mỹ đã bất lợi khi phải trả tiền, phải thi hành, còn Trung Quốc “có 13 năm muốn làm gì thì làm (tới 2030)” và Ấn Độ “nhận hàng tỉ, hàng tỉ tiền tài trợ” cho vấn đề môi trường của nước này.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia “mạnh miệng” nhất trong cam kết về biến đổi khí hậu sau khi ông Trump tuyên bố rút lui. Dư luận quốc tế cũng bày tỏ sự thất vọng với quyết định của ông Trump, từ Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu đến những quốc đảo như Fiji... .

Họ lo lắng khi Mỹ rút lui, ngoài yếu tố tài chính, sẽ khiến các nước nhỏ hơn làm theo, New York Times cho biết. Khi ấy, nhiều nước sẽ cảm thấy bất lợi khi phải tiết giảm sản xuất bằng năng lượng hóa thạch, phải chi trả chi phí cho vấn đề môi trường trong khi khoản đóng góp dành cho họ sẽ ít đi.

Về mặt khoa học, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ tổn hại tới môi trường. Mỹ hiện chiếm tỉ lệ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới (18%) chỉ sau Trung Quốc.

Trong năm 2015, Mỹ thải ra 5,1 triệu kilotons CO2, cao gấp đôi Ấn Độ, gấp 4 lần Nhật Bản, gấp 15 lần Pháp và gấp... 1.007 lần Iceland.

Đài CNN dẫn lời các chuyên gia về biến đổi khí hậu ước tính việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 0,3 độ so với trường hợp họ tôn trọng thỏa thuận.

194 và 3

Trong khi 194 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Thỏa thuận Paris, Mỹ sẽ cùng Syria và Nicaragua trở thành 3 nước đứng ngoài thỏa thuận này.

Syria không tham gia vì đang có chiến tranh, còn Nicaragua lập luận rằng một thỏa thuận chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện thì chỉ có thất bại, vì chẳng ai bị phạt vạ thì tại sao họ phải cam kết.

Trình tự để Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris

Về nguyên tắc, các quốc gia chỉ có thể rút khỏi Thỏa thuận Paris 3 năm sau ngày nó có hiệu lực - tức bắt đầu từ ngày 4-11-2016.

Tổng thống Trump có hai lựa chọn về cách rút khỏi Thỏa thuận Paris: 1. Nếu vận dụng “phương án hạt nhân” rút khỏi Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Trump có thể đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris trong một năm;

2. Nếu đi đúng trình tự, bắt đầu từ tháng 11-2019 ông Trump có thể gửi thông báo yêu cầu rút khỏi Thỏa thuận Paris. Sau khi UNFCCC nhận được yêu cầu, Mỹ sẽ chính thức “rời sân” sau một năm, tức sớm nhất là tháng 11-2020. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần tới tại Mỹ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên