07/12/2015 10:24 GMT+7

​“Biệt phủ” không là biệt lệ

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

TT - Văn bản chính thức của HĐND và chính quyền Đà Nẵng gọi đó là “công trình xây dựng không phép”, nhưng báo chí gọi đó là “biệt phủ”.

Cái “biệt phủ” ấy nằm trên đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). 

Trên đó, ông Ngô Văn Quang (giám đốc một công ty vàng ở Phước Sơn, Quảng Nam) xây dựng không phép 18 ngôi nhà có tổng diện tích 1.411m2.

Ông Quang còn đào ao cá 600m2, xây tường rào và nhiều hạng mục phụ khác. Theo mô tả, đó là kiến trúc đồ sộ, nhiều gỗ quý hiếm, chi phí khoảng 100 tỉ đồng.

Theo pháp luật Việt Nam, cá nhân khi có quyền sử dụng đất hợp pháp để xây nhà ở thì phải có phép, có phê duyệt của cơ quan chức năng để bảo đảm không vi phạm các quy định pháp luật khác như quy hoạch, môi trường, cảnh quan, kiến trúc, an toàn xã hội và lợi ích của những người xung quanh.

Thế nhưng, cái “biệt phủ” ấy đã vi phạm cùng lúc nhiều luật: Luật bảo vệ tài nguyên môi trường (xây trong rừng đặc dụng), Luật đất đai (xây trên đất sang nhượng trái phép), Luật xây dựng (xây nhà không phép), Luật nhà ở (xây nhà ở không phê duyệt kiến trúc).

UBND TP Đà Nẵng, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo tháo dỡ công trình này đã làm gì? Nghị quyết của HĐND khóa VIII, kỳ họp thứ 14 buộc cuối tháng 8-2015 phải hoàn thành việc tháo dỡ “biệt phủ” trái phép này.

UBND TP Đà Nẵng đã gia hạn việc tháo dỡ từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11-2015.

Thế nhưng ngày 28-11-2015, hai ngày trước khi hết hạn, cơ quan này đã có công văn “thống nhất chưa áp dụng biện pháp hành chính tháo dỡ cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ”.

Đứng đầu chính quyền của một đô thị loại 1, lãnh đạo cơ quan này dư biết và phải biết rằng chuyện tháo dỡ nhà ở tư nhân xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng, sau khi đã có nghị quyết của HĐND TP là hoàn toàn đúng pháp luật, đúng thủ tục và là việc họ phải làm là trong quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Tự động có công văn hoãn thi hành với lý do chờ “chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, chỉ có thể hiểu là không chấp hành nghị quyết mang tính pháp quy của cơ quan quyền lực dân cử, là không tôn trọng cử tri bầu ra mình.

Làm như vậy, hơn nữa là phạm thượng, bởi nói theo ngôn ngữ người dân, Thủ tướng Chính phủ “đâu có rảnh” mà đi giải quyết chuyện tháo dỡ nhà trái phép của một ông chủ công ty vàng và UBND TP Đà Nẵng cũng không có quyền “phân công” cho Thủ tướng “cho ý kiến chỉ đạo” việc này.  

Ông Trần Thọ, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, khi trả lời báo chí đã khẳng định: ”Ngay cả Thủ tướng Chính phủ nếu muốn đình chỉ việc thực hiện nghị quyết cũng phải chỉ ra nó sai Hiến pháp và trái các quy định của pháp luật ở chỗ nào.

Thường vụ Quốc hội cũng vậy. Nếu không chỉ ra được cái sai của nghị quyết thì bất cứ ai cũng không có quyền tạm dừng”.

Ông Thọ đã chỉ ra điều quan trọng nhất: pháp luật phải được thực thi. Ngay thời phong kiến cũng có nguyên tắc “quân pháp bất vị thân”.

Rồi “biệt phủ” phải được xử lý theo đúng pháp luật. Nhưng người dân sẽ tâm phục khẩu phục nếu việc xử lý không nhùng nhằng kéo dài, rồi ai cũng có thể xen ngang để làm gián đoạn việc xử lý sai phạm.

Để xảy ra tình trạng nhùng nhằng trong xử lý là điều không hay, bởi khi vụ việc cứ nhùng nhằng, không ít người đã đặt vấn đề hay “biệt phủ” là một biệt lệ?

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên