03/12/2015 15:34 GMT+7

Từ cao ốc 8B Lê Trực nghĩ về biệt phủ đèo Hải Vân

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TTO - Hàng ngàn bạn đọc hai ngày qua thắc mắc, phản hồi liên tục câu chuyện “biệt phủ” hoành tráng 100 tỉ đồng xây dựng trái phép ở chân núi Hải Vân. TTO giới thiệu ý kiến của KTS Lê Công Sĩ.

Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) nhìn từ quảng trường Ba Đình - Ảnh: T.T.D.
Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) nhìn từ quảng trường Ba Đình - Ảnh: T.T.D.

Có lẽ không riêng tôi ngạc nhiên trước thông tin biệt phủ hoành tráng về quy mô và “khủng” về số tiền xây dựng hơn 100 tỉ đồng của gia đình “đại gia” Ngô Văn Quang xây dựng trái phép ở chân núi Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Biệt thự này vừa được UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo chính quyền địa phương chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo dỡ công trình, nói theo kiểu nôm na là (tạm thời) chưa đập bỏ.

Xây không phép thì phải tháo dỡ là đương nhiên

Ngạc nhiên bởi lẽ tôi đã đinh ninh công trình này hoặc đã do chủ hộ tự tháo dỡ hoặc được cưỡng chế tháo dỡ từ lâu, ít nhất là sau khi công trình “hàng xóm” là biệt phủ của thiếu tướng Phan Như Thạch (cũng được xây trái phép) bị tháo dỡ!

Nay, sau khi ngạc nhiên với tin “sốc” trên, lần xem lại thông tin về sự kiện này mới thấy bạn đọc nói có sự ưu ái liên tục cho công trình trái phép của ông Quang có vẻ không ngoa.

Sau khi phát hiện công trình trái phép trên vào cuối năm 2014, chính quyền đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ vào ngày 4-2-2015 nhưng sự việc cứ lần lựa mãi khi chính quyền liên tục đưa ra nhiều “hạn chót tháo dỡ” vào ngày 30-8 rồi 30-11 và nay thì… cho (tạm thời) ngưng tháo dỡ (!).

Lý do khiến chính quyền địa phương “chùn tay” và nhùng nhằng giữa “tha” hay “trảm” là không mới. Số tiền hơn 100 tỉ đồng là không nhỏ, tuy là tài sản cá nhân chủ hộ song cũng là tài sản xã hội nên nếu đập bỏ sẽ lãng phí tiền của xã hội, trong khi hoàn toàn có thể giữ lại công trình làm khu du lịch văn hóa tâm linh như “sáng kiến” của ông Quang (đã được tiếp nhận và Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Xây dựng lập đoàn kiểm tra, khảo sát).

Nói về sự tồn tại của biệt phủ trên (tuy chưa rõ số phận cuối cùng của nó) có lẽ dư luận không khỏi liên tưởng đến một vụ lùm xùm tương tự mới đây: cao ốc 8B Lê Trực (Hà Nội).

Cao ốc này được phát hiện xây dựng sai so với giấy phép lên đến 6.100 m2 và vượt 5 tầng so với giấy phép được cấp. Sau khi báo chí phản ánh, công trình này liên tiếp nhận được sự chỉ đạo xử lý nghiêm từ chính quyền các cấp.

Và chủ đầu tư ngay sau đó cũng nhanh chóng trình phương án tháo dỡ và thực tế đã tiến hành tháo dỡ từ ngày 21-11 vừa qua.

Tại sao cứ nhùng nhằng?

Khi đề cập đến hai công trình hẳn dư luận đã làm phép so sánh. Trong khi cùng là sai phạm song mức độ và tính chất sai phạm của hai công trình hoàn toàn khác nhau.

Trong khi biệt phủ của ông Quang được xây dựng hoàn toàn trái phép trên đất rừng (không được xây dựng công trình) thì sai phạm tại cao ốc 8B Lê Trực chỉ là xây vượt so với giấy phép đã cấp hợp pháp.

Nói cách khác, mức độ và tính chất sai phạm trong việc xây dựng biệt phủ của ông Quang xét về mặt pháp lý chắc chắn “nặng” hơn cao ốc 8B Lê Trực.

Về mức độ thiệt hại, nếu đập bỏ biệt phủ của ông Quang thì “tài sản xã hội” sẽ bị mất đi là khoảng 100 tỉ đồng. Trong khi đó, theo các chuyên gia, mức giá khởi phát của các căn hộ tại cao ốc 8B Lê Trực vào khoảng 26,5 triệu đồng/m2, thời điểm hiện nay mức giá đã dao động cao gấp 2-3 lần giá gốc; nên nếu đập bỏ phần sai phép của cao ốc 8B Lê Trực với diện tích 6.100 m2 đồng nghĩa sẽ lãng phí từ 160 tỉ đồng (giá gốc căn hộ) đến gần 500 tỉ đồng (giá thời điểm hiện nay).

Chưa kể, vì là cao ốc nên chắc chắn việc phá dỡ công trình 8B Lê Trực vô cùng phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với biệt phủ ông Quang vốn phần nhiều là công trình 2-3 tầng và ít cầu kỳ về mặt kỹ thuật (?!).

Ngoài ra cũng nên nói thêm: 100 tỉ đồng tuy là nhiều do vậy dễ gây cảm giác tiếc “tài sản xã hội”, song lẽ nào chủ nhân khác vốn là “hàng xóm” ngay cạnh biệt phủ của ông Quang không cảm thấy nuối tiếc đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình có thể dành dụm cả đời đã trở thành con số 0 (tướng Phan Như Thạch tự nguyện tháo dỡ biệt thự trái phép tương tự ông Quang, và hộ ông Phan Như Tiến và bà Lê Thị Hay bị cưỡng chế phá dỡ… cái chòi lá được dành dụm dựng lên tìm kế sinh nhai)?

Cùng với một loại sai phạm nhưng tính chất và mức độ khác nhau như đã nói song số phận hai công trình đang (tạm thời) khác nhau có lẽ xuất phát từ thái độ, quan điểm của chính quyền địa phương.

Trong khi chủ biệt phủ ở Đà Nẵng đang xin chuyển khu biệt phủ trái phép này thành khu du lịch văn hóa tâm linh, tuy chưa rõ chủ nhân khu du lịch này (nếu có) là ai, rõ hơn ai sẽ là người hưởng lợi từ “khu du lịch” đã khiến chính quyền Đà Nẵng đang “chùn tay”; thì đại diện chủ đầu tư cao ốc 8B Lê Trực cũng đã chia sẻ rằng thay vì cắt ngọn tòa nhà (tức đập bỏ phần sai phép) thì sẽ tốt hơn nếu được giữ lại và “sung công” .

Nhưng quan điểm của chính quyền Hà Nội thì rất rõ: “Đúng là sự lãng phí nào cũng đáng tiếc, nhưng đừng làm sai thì tốt hơn. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu Nhà nước làm như vậy thì lần sau sẽ có nhà đầu tư khác làm sai”.

Quan điểm, thái độ của chính quyền Hà Nội về cao ốc 8B Lê Trực xuất phát từ quan điểm pháp luật vốn không có vùng cấm, tất cả cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trong xã hội thượng tôn pháp luật (!).

Quan điểm, thái độ của lãnh đạo TP Hà Nội mang lại niềm tin trong nhân dân, vì lẽ đó cũng nên là quan điểm, thái độ của lãnh đạo TP Đà Nẵng, một TP được dư luận cả nước vốn rất tin yêu với những đường hướng phát triển táo bạo, đúng đắn và mệnh danh là thành phố đáng sống.

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên