04/05/2021 15:10 GMT+7

'Biệt đội' bảo vệ hầm Kim Liên

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Buổi sáng, người xe vùn vụt qua đường hầm Kim Liên. Đội bảo vệ phát hiện các cột phản quang bị bụi phủ mờ liền chụp ảnh báo cáo lên nhóm chat nội bộ. Ngay lập tức, quản lý yêu cầu lau chùi để đảm bảo an toàn và lập nhóm triển khai.

Biệt đội bảo vệ hầm Kim Liên - Ảnh 1.

Cọ rửa đường hầm xuyên đêm - Ảnh: TÂM LÊ

Vệ sinh cột phản quang chỉ là một việc nhỏ trong rất nhiều việc mà đội bảo vệ, bảo trì đường hầm Kim Liên thực hiện. Đây là nút giao thông trọng điểm, nối tuyến Xã Đàn (quận Đống Đa) và Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Hà Nội.

Không thể chậm trễ

"Lau dọn vệ sinh hay kiểm tra, sửa chữa hầm cần phải giữ an toàn cho cả hai bên - nhân viên mình và người tham gia giao thông. Xử lý phải nhanh, không kéo dài thời gian sang giờ cao điểm" - anh Lương Ngọc Khánh, phụ trách quản lý kỹ thuật, cho biết.

Buổi trưa hoặc nửa đêm về sáng là thời điểm thích hợp để thực hiện công việc, vì lúc này lượng phương tiện tham gia giao thông giảm.

Nhóm ba người trong quần áo bảo hộ phản quang lấy xô nước và giẻ lau từ nhà điều hành. "Phải xách đoạn đường dài đấy, đến nửa cây số, mấy lần xách thế này mới đủ" - một nhân viên nói. Không thể dùng ống dẫn nước, cũng không dùng thùng chứa nước cỡ lớn được vì cồng kềnh và mất an toàn.

Khoảng 100 vỉ và cột phản quang được gắn ở dãy phân cách giữa lòng hầm, vị trí có độ rủi ro cao nhất. Ngoài giờ cao điểm, lượng xe ít nhưng tốc độ lại nhanh, xe vụt qua đội bảo vệ vù vù. Để an toàn, một người cầm gậy phân làn xe chạy, hai người xách xô nước bám sát vách ngăn để cọ rửa.

Hai người bảo vệ luôn tay cọ rửa, không có phút nghỉ ngơi nào. Áo quần họ chẳng mấy chốc bết mồ hôi, lấm lem bụi bặm, trong khi từng cột phản quang sáng bóng trở lại. "Phản quang mờ gây nguy hiểm cho người lái xe, vì thế chúng tôi lau rửa chúng mỗi tuần" - anh Phạm Ngọc Đại, gạt mồ hôi trên khóe mắt, nói.

Người xe vùn vụt qua hầm Kim Liên mỗi ngày, nhưng ít ai biết có một đội bảo vệ, bảo trì đang âm thầm gìn giữ an toàn cho đường hầm ngày đêm. Đơn vị được giao quản lý hầm cơ giới Kim Liên và đường hầm bộ kế bên là Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội.

Công ty này kết hợp với các đơn vị như điện, nước, ánh sáng, cây xanh, giao thông đô thị để phục vụ hoạt động và xử lý sự cố nếu có. Đội bảo vệ cùng đội kỹ thuật có khoảng 10 người, chia ba ca thường xuyên túc trực 24/24 giờ. Một nhà điều hành được xây dựng phía trên, nơi đặt hệ thống giám sát, điều khiển toàn bộ máy móc thiết bị trong hầm.

Đêm trắng

"Công việc bảo vệ, bảo trì đường hầm diễn ra mỗi ngày và định kỳ" - anh Khánh, kỹ sư trực tiếp quản lý chung và chuyên sâu về kỹ thuật, chia sẻ.

Anh Khánh cho tôi xem nhóm chat nội bộ trên điện thoại gồm các thành viên đội bảo vệ, đội kỹ thuật, cả phó giám đốc cũng trong nhóm chat. Bảo vệ đi tuần phát hiện cột phản quang bụi, cổng thoát nước có rác đọng, vẽ bậy lên tường, bóng điện cháy, va chạm xe... đều chụp hình gửi lên nhóm chat.

Nhân viên kỹ thuật đi kiểm tra hoạt động hệ thống đèn, quạt thông gió, bình chữa cháy, vết lún, thấm nước. Nếu phát hiện vấn đề cũng chụp hình đưa lên nhóm chat, vừa để báo cáo vừa lấy ý kiến các bên để tìm cách giải quyết tốt nhất.

Những việc kéo dài thời gian hoặc cần huy động nhiều người và phương tiện thường diễn ra vào ban đêm, bắt đầu từ 23h và kết thúc lúc 5h sáng. Nếu việc dở dang cũng phải thu dọn hiện trường để đêm sau làm tiếp.

Anh Khánh cho biết để thay bóng đèn trên nóc hầm với độ cao trần hơn 6m phải dùng xe chuyên dụng có gắn thang cẩu. Nhân viên đứng vào thùng cẩu để được đưa lên nóc hầm làm việc. Ngoài nhóm thay bóng đèn, còn có hai nhóm chốt chặn hai đầu không cho các phương tiện xuống hầm.

Việc cọ rửa đường hầm cần huy động nhiều nhân viên, dụng cụ cọ rửa và xe bồn chứa nước chuyên dụng. "Mỗi đợt cọ rửa hầm, chúng tôi phải huy động cả đội hơn 10 người. Họ phải cọ rửa diện tích rất lớn, toàn bộ thành hầm phần kín và phần hở. Có chỗ vách hầm cao tới 7m, lau dãy cột ở giữa làn đường cũng mất nhiều thời gian" - anh Khánh kể không chỉ bụi mà dầu xe bắn lên vách tường càng khó tẩy rửa.

Xe bồn nước lắp vòi bơm áp lực cao phun lên thành hầm, phun đến đâu cọ rửa đến đó. Công việc tiêu tốn nhiều sức lực và mất ngủ đã làm nhiều nhân viên đuối sức. Lúc đợi xe bồn đi lấy thêm nước, họ tranh thủ ngồi nghỉ thì lại bị muỗi tấn công.

Biệt đội bảo vệ hầm Kim Liên - Ảnh 2.

Thay bóng đèn phải dùng xe cẩu trong đường hầm - Ảnh: TÂM LÊ

Những việc không tên

Hầm Kim Liên đã đi vào hoạt động 10 năm. Vấn đề bảo vệ, duy tu có những việc lớn nhưng cũng có nhiều việc nhỏ không tên. Việc xử lý xe va chạm, hay còn gọi "dồn xe", là khẩn cấp, giờ đã được xử lý nhanh gọn và chuyên nghiệp.

Buổi chiều lúc 18h40, nhận được tin báo của anh Khánh có một vụ "dồn xe" xảy ra trong đường hầm. Khi chúng tôi có mặt thì hai đầu đường hầm đã có bảo vệ đứng phân làn dẫn xe đi lên phía trên hầm.

Đây là giờ cao điểm, có 4 xe con "hôn" đuôi nhau trong hầm. Anh Khánh phân công bảo vệ chặn xe hai đầu và gọi cảnh sát giao thông phối hợp xử lý. Đặc biệt, anh báo cả cho Đài VOV giao thông để cảnh báo tài xế hạn chế vào hầm.

Hơn một tiếng, vụ xe va chạm trong hầm đã được giải quyết xong, xe lại lưu thông bình thường qua hầm. Anh Khánh cho biết thường nguyên nhân "dồn xe" là tài xế không làm chủ tốc độ, cứ thấy hầm là đường độc đạo nên "thả" tay lái và nhiều xe lấn làn nhau nên xảy sự cố.

Dù có hai lượt cảnh báo bằng bảng in cố định và bảng điện tử trên nóc hầm nhưng nhiều lái xe không nghiêm túc thực hiện. "Trước còn xảy những vụ va chạm mạnh, chúng tôi đã đề xuất bên giao thông lắp hai cột đèn xanh đỏ hai đầu, cách cửa hầm không xa vì thế đã giảm được tốc độ các phương tiện rất nhiều" - anh Khánh chia sẻ.

Đặc biệt, bảo vệ đường hầm còn có những việc phức tạp như giải tán đối tượng "xã hội" sống nhờ ở hầm hoặc người bán hàng rong, trà đá vỉa hè. Gặp đối tượng "khó bảo" này, đội cử nhân viên "địa bàn", tức người dân gốc Hà Nội sống gần hầm, xử lý mới hiệu quả.

Đó là hai mẹ con chị Nguyễn Thị Tý có hoàn cảnh khó khăn được công ty tạo việc làm. Mẹ con chị Tý làm bảo vệ và xử lý đối tượng "khó bảo" một cách dễ dàng.

"Những người như thế mình khuyên bảo nhẹ nhàng họ lại nghe, không cứ phải gì ghê gớm đâu" - Phạm Ngọc Đại, con trai chị Tý, cười nói.

Có vấn đề phải cần chuyên gia

"Những việc đơn giản chúng tôi có thể giải quyết ngay, nhưng có việc phải cần chuyên gia mới tìm được nguyên nhân và xử lý vấn đề" - kỹ sư Khánh cho biết thời gian đầu hoạt động, đường hầm có lần bị thấm nước vì độ sâu hầm thấp hơn mực nước hồ công viên Thống Nhất. Chuyên gia Nhật vào cuộc xử lý, vì họ là bên thi công đường hầm.

Đường hầm Kim Liên do Nhật Bản thiết kế và nhà thầu Taisei Nhật Bản thi công. Ngày 1-3-2010, hầm được giao cho Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội quản lý và duy trì hoạt động.

anh 4 (10) kl 1(read-only)

Một vụ va chạm, “dồn xe” trong đường hầm - Ảnh: TÂM LÊ

Hệ thống hầm gồm một hầm chính, một nhà điều hành và điều khiển, một trạm điện và hai hầm bộ. Hầm chính có chiều dài 644m, gồm hầm kín và hầm hở. Hầm chia làm hai làn xe, mỗi làn rộng 7,75m.

Trong hầm có hệ thống chiếu sáng gồm 56 bóng đèn cao áp sáng 24/24 giờ, 4 quạt thông gió công suất mỗi quạt 1.000W và 12 bình cứu hỏa. Hệ thống bơm nước gồm 3 máy bơm thường trực, 1 máy bơm dự phòng (mỗi máy bơm có công suất 10m3/phút).

Đề nghị kiểm tra vết nứt trong hầm Kim Liên Đề nghị kiểm tra vết nứt trong hầm Kim Liên

TTO - Trao đổi với TTO ngày 2-12, ông Nguyễn Xuân Tân - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết sở đang đề nghị đơn vị tư vấn, quản lý kiểm tra và khắc phục các vết nứt ở hầm Kim Liên.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên