30/08/2024 14:58 GMT+7

Biến thể mới đậu mùa khỉ nguy cơ lan ra toàn cầu, nguy hiểm ra sao?

Biến thể mới đậu mùa khỉ đã bắt đầu xuất hiện tại Thụy Điển (châu Âu) và lan sang Thái Lan (châu Á), dấy lên lo ngại bùng phát trên quy mô toàn cầu.

Biến thể mới đậu mùa khỉ nguy cơ lan ra toàn cầu, nguy hiểm ra sao? - Ảnh 1.

Các nốt xuất hiện ở bệnh nhân đậu mùa khỉ - Ảnh: IOL

Ngày 29-8, giới chức y tế Thái Lan thông báo quốc gia Đông Nam Á này đã tăng cường nỗ lực giám sát tất cả những người mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) và những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân để phòng ngừa nguy cơ lây truyền bệnh.

Thái Lan triển khai nỗ lực này sau khi xác nhận ca nhiễm biến thể mới vào tuần trước. Đây là ca nhiễm biến thể 1b đầu tiên ở nước này, và là ca thứ hai được phát hiện ngoài châu Phi.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Thongchai Keeratihattayakorn cho biết lực lượng chức năng đang tích cực giám sát tất cả những người tiếp xúc gần với bệnh nhân kể trên và chưa phát hiện thêm ca nhiễm biến thể mới kể từ ngày 14-8.

Cùng ngày 29-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu các đơn vị y tế đẩy nhanh quy trình thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán mpox, nhằm hỗ trợ những nhóm có thu nhập thấp kịp thời phát hiện và điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Trước đó, các quan chức y tế Thụy Điển ngày 15-8 đã xác nhận trường hợp nhiễm biến thể mpox mới đầu tiên bên ngoài châu Phi.

Có thể thấy đậu mùa khỉ đã vượt khỏi biên giới châu Phi, lan tới Thụy Điển ở châu Âu và nguy cơ lây lan ở cả châu Á, sau khi WHO lần thứ hai tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu vào ngày 14-8, kể từ lần đầu tiên vào năm 2022.

Theo tạp chí khoa học New Scientist (Anh), mpox là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại vi rút cùng họ với vi rút gây bệnh đậu mùa.

Ban đầu, mpox lây lan giữa các loài gặm nhấm và khỉ ở khu vực Trung và Tây Phi, sau đó lây từ người sang người, tạo thành các đợt bùng phát.

Biến thể mới của mpox hiện được biết đến là biến thể 1b. Đây là biến thể của chủng đặc hữu clade 1 ban đầu. 

Chủng clade 1 lây nhiễm thông qua tiếp xúc với động vật mắc bệnh, gây ra các đợt bùng phát dịch trong phạm vi Cộng hòa Dân chủ Congo suốt hàng chục năm qua, với tỉ lệ tử vong cao hơn so với biến thể 1b.

Các chuyên gia y tế đánh giá biến thể 1b nhìn chung không nguy hiểm bằng chủng clade 1. Trong khi hơn 99,9% người mắc phải biến thể 1b sống sót thì chỉ 90% bệnh nhân sống sót trong các đợt bùng phát chủng clade 1.

Các triệu chứng của mpox thường xuất hiện sau khoảng 1 tuần ủ bệnh, điển hình như sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ, phát ban, cùng các vết loét có mủ dần phát triển thành mụn nước trên khắp cơ thể. Tuy nhiên, một số người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Trong một số trường hợp, bệnh có thể chuyển sang biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người bị HIV.

Các nhà khoa học đã bắt đầu lên kế hoạch ứng phó với mpox, bao gồm cả việc huy động nguồn vắc xin và thực hiện các xét nghiệm phát hiện bệnh. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại những khu vực mà hệ thống y tế chưa phát triển như châu Phi.

Biến thể mới đậu mùa khỉ nguy cơ lan ra toàn cầu, nguy hiểm ra sao? - Ảnh 2.Vì sao WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đậu mùa khỉ?

Ngày 14-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong vòng 2 năm, vì bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở châu Phi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên