Đại dương chiếm 3/4 diện tích Trái đất, còn bầu khí quyển bao phủ khắp hành tinh. Nhiệt độ bề mặt biển, nơi trời bể giao hòa, là một chỉ dấu quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu. Mặt biển nóng thì con người cũng toát mồ hôi vì các mối lo liên quan đến môi trường, thời tiết.

Theo Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), bề mặt biển là nơi diễn ra quá trình chuyển giao năng lượng giữa khí quyển và đại dương.

Khi các đại dương hấp thụ nhiều nhiệt hơn từ khí quyển, nhiệt độ bề mặt biển sẽ tăng lên, và "biển nóng" cũng sẽ truyền năng lượng trở lại khí quyển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong đại dương và khí hậu toàn cầu.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 1.

Trong nhiều năm, Eliot Jacobson, giáo sư toán về hưu, đã miệt mài dùng dữ liệu từ NOAA để lập bảng thể hiện sự thay đổi nhiệt độ bề mặt Bắc Đại Tây Dương.

Năm nay, lần đầu tiên ông phải kéo dài trục tung của biểu đồ mới đủ chỗ cho đường biểu diễn nhiệt độ. Cụ thể, theo cập nhật mới nhất (12-6), chỉ số này đã cao hơn 1,09OC so với mức trung bình tính từ năm 1982 (năm sớm nhất có dữ liệu so sánh).

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 2.

Nhiệt độ Bắc Đại Tây Dương hằng ngày cho năm 2023 và 41 năm trước.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 3.

Và không chỉ có Đại Tây Dương; bề mặt Thái Bình Dương cũng đang nóng lên khi bước vào giai đoạn El Nino. Trên quy mô toàn cầu, theo dữ liệu của NOAA, nhiệt độ của bề mặt đại dương trên thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi các dữ liệu vệ tinh bắt đầu, dẫn đến các đợt nắng nóng trên biển khắp hành tinh.

Cụ thể, nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương ở mức 21,1OC kể từ đầu tháng 4, vượt qua mức cao nhất trước đó là 21OC vào năm 2016.

Nhiệt độ mặt nước biển tăng sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan khắc nghiệt hơn - các trận bão và cuồng phong mạnh hơn, mưa dữ dội hơn và lũ nghiêm trọng hơn.

Nhiệt độ cao cũng đẩy mực nước biển lên và gây nguy hiểm cho các thành phố ven biển. Cuối cùng, mặt biển nóng sẽ góp phần "đẩy nhiệt độ của hành tinh lên mức cao mới", theo Vox.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 4.

Nhiệt độ đại dương đang tăng cùng lúc với các tai ương khí hậu khác, bao gồm cháy rừng kỷ lục ở Canada, băng biển giảm nhanh ở Nam Cực và nhiệt độ ấm bất thường ở nhiều nơi trên thế giới.

Sự xuất hiện của El Nino từ tháng này có thể là một phần nguyên nhân, nhưng cũng có ý kiến cho rằng còn những yếu tố khác.

"El Nino không hoàn toàn giải thích được sự leo thang đột ngột của nhiệt độ đại dương" - Swain nói. Ông cho rằng sự thay đổi khí hậu do con người gây ra, cùng một số hiện tượng như vụ phun trào gần đây của một ngọn núi lửa dưới biển ở Tonga, một quốc gia châu Đại Dương, mới là thủ phạm.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 5.

Swain và Jacobson cùng có giả thuyết về một nguyên nhân tiềm ẩn khác: thay đổi lớn trong các quy định về hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu vận chuyển, nhằm giảm ô nhiễm không khí gây ra bởi vận tải hàng hải, nhưng hóa ra lại ảnh hưởng đến khả năng phản nhiệt, làm mát cho hành tinh của các đám mây.

Từ ngày 1-1-2020, Tổ chức Hàng hải quốc tế quy định tàu biển chỉ được dùng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5% (so với mức cũ 3,5%) khi hoạt động tại một số khu vực có kiểm soát khí thải.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 6.

Tuy tốt cho sức khỏe con người, quy định mới lại có hệ quả không ngờ với sức khỏe hành tinh. Phát thải SO2 tạo ra aerosol sunfat trong khí quyển, và sol khí này có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời, làm mát Trái đất. Hiệu ứng làm mát này sẽ mất đi khi phát thải lưu huỳnh giảm.

"Vì việc làm sạch nhiên liệu vận chuyển mà các khu vực rộng lớn của các đại dương trên thế giới, vốn được bảo vệ khỏi sự nóng lên nhờ aerosol sunfat từ tàu biển, giờ lại đang nóng lên nhanh chóng" - Jacobson viết trên web cá nhân. Swain cũng đồng tình với giả thuyết này.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 7.

Trong khi đó, Michael Mann, giáo sư khoa học Trái đất và môi trường tại Đại học Pennsylvania, cho rằng nguyên nhân thật ra nằm ở một "chất làm mát" khác trong khí quyển: bụi sa mạc. Theo giới khoa học, bụi cũng có thể phản chiếu ánh nắng mặt trời khỏi bề mặt Trái đất giống như một tấm chắn; vì thế có ít bụi hơn trong không khí đồng nghĩa là nhiều ánh sáng mặt trời và nhiệt đến đại dương hơn.

Theo Mann, những đám mây bụi thổi qua đại dương từ sa mạc Sahara thường có tác dụng làm mát Bắc Đại Tây Dương trong thời gian này của năm, nhưng năm nay El Nino khiến gió mậu dịch thổi bụi yếu hơn bình thường, làm hiệu ứng làm mát giảm đáng kể.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 8.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 9.

Bất kể nguyên nhân là gì, sự ấm lên kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương đang khiến cộng đồng khoa học xôn xao vì các nguy cơ của nó.

Trước tiên nhất, đây không phải là tin tốt cho mùa bão năm nay. Theo trang Vox, nhiệt độ bề mặt Đại Tây Dương ảnh hưởng đến lượng mưa và bão ở Brazil, Ấn Độ, vùng Sahel của châu Phi và tây nam Hoa Kỳ.

Các cơn bão cần nhiệt độ mặt biển ít nhất là 26oC để hình thành, và nhiệt độ cao hơn làm tăng "chỉ số octan" của loại "nhiên liệu" này, dẫn đến những cơn bão mạnh hơn.

Ngoài ra, nhiệt độ đại dương nóng cũng có thể làm giảm nguồn cá, vốn nuôi sống 3 tỉ người. Khi nước nóng lên, nó giữ ít oxy hơn và có thể làm cá chết ngạt. Nước nóng là một yếu tố khiến hàng nghìn con cá Menhaden chết dạt vào một bãi biển ở Texas hồi đầu tháng này.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 10.

Một hậu quả khác của nhiệt độ cao hơn là nó làm cho nước có tính axit hơn, đẩy nhanh quá trình axit hóa đại dương đang diễn ra khi biển hấp thụ nhiều CO2 hơn.

Và cùng với hiện tượng rửa trôi phân bón, nhiệt độ nóng hơn ở Đại Tây Dương đang góp phần vào sự sinh sôi nhiều kỷ lục của sargassum, một loại rong biển có mùi, độc hại hiện đang làm ô nhiễm các bãi biển ở Florida và Caribe.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 11.

Tất cả những điều này có thể góp thêm vào những thống khổ mà con người đã gây ra cho đại dương - đánh bắt quá mức, ô nhiễm và phá hủy môi trường sống. La Nina hay El Nino cũng chỉ là chu kỳ, đến rồi đi.

Thứ duy nhất cứ tiếp tục tăng là nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, đó mới là gốc rễ của vấn đề và điều thực sự đáng quan tâm.

Biển nóng, Trái đất đổ mồ hôi - Ảnh 12.

TỊNH ANH
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên