Theo trang khoa học Science Alert, nếu đúng, tảng đá này - được gọi là NWA 13188 - sẽ là thiên thạch đầu tiên (mà chúng ta biết) thực hiện chuyến đi khứ hồi phi thường.
Thiên thạch "boomerang"
NWA 13188 nhìn sần sùi, nặng 646 gram. Kết cấu gồm các tinh thể và thành phần hóa học của nó khiến các nhà khoa học phát hiện nó căn bản hình thành từ các khoáng chất nóng chảy do núi lửa tạo ra trên Trái đất.
Tuy nhiên, theo ông Jérome Gattacceca, nhà địa vật lý của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, người đã trình bày phát hiện của nhóm mình tại Hội nghị địa hóa học Goldschmidt ở Pháp, NWA 13188 đã có một hành trình thú vị khi trải qua một khoảng thời gian đáng kể trên quỹ đạo.
Các nhà khoa học giải thích tại sao họ biết một tảng đá từ Trái đất bay vào không gian và trở thành thiên thạch: Chính nồng độ helium-3, beryllium-10 và neon-21 có trong tảng đá chứng minh rằng nó đã tiếp xúc với các tia vũ trụ - bức xạ được tìm thấy trong không gian bên ngoài nhưng phần lớn bị từ trường Trái đất chặn lại.
Mặc dù nồng độ của các đồng vị này thấp hơn so với các thiên thạch khác, nhưng nó lại cao hơn đáng kể so với các loại đá khác từ Trái đất.
Điều này gợi ý rằng NWA 13188 đã tiếp xúc với các tia vũ trụ thiên hà trong một khoảng thời gian vài chục nghìn năm.
NWA 13188 cũng có "lớp vỏ nhiệt hạch" thủy tinh, cho thấy nó có thể đã bị tan chảy khi thực hiện một cuộc xâm nhập trở lại vào bầu khí quyển của Trái đất.
"Tất cả những điều này cho thấy NWA 13188 không phải là một thiên thạch giả do con người tạo ra", Gattacceca và các đồng nghiệp của ông viết.
"Do đó, chúng tôi coi NWA 13188 là một thiên thạch. Nó có xuất phát từ Trái đất và sau đó trong sự tình cờ nào đó nó quay lại Trái đất", nhóm nghiên cứu kết luận.
Việc làm thế nào NWA 13188 bay vào không gian vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng có thể nó đã bị đẩy ra ngoài trong một vụ phun trào núi lửa hoặc bị văng vào không gian khi một thiên thạch khác đâm vào Trái đất.
Tuổi của NWA 13188 vẫn chưa được biết, nhưng nhóm của Gattacceca đang nghiên cứu xác định niên đại của tảng đá bằng cách đo nồng độ của một đồng vị argon.
Những ý kiến tranh cãi
Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng gặp nhiều ý kiến khoa học chưa đồng tình.
Chẳng hạn để đi vào quỹ đạo, một tảng đá bắn ra từ miệng núi lửa sẽ cần phải di chuyển với tốc độ hàng chục nghìn km/h - tốc độ nhanh hơn tốc độ bay của hầu hết các tảng đá.
Các cột khói núi lửa cao nhất thường chỉ cách Trái đất khoảng 31 - 45km, do đó không có khả năng núi lửa có thể phóng đá vào không gian.
Trong khi đó một số vụ va chạm giữa Trái đất và các tiểu hành tinh lớn sẽ đủ mạnh để bắn đá vào Hệ Mặt trời.
Một tảng đá 4 tỉ năm tuổi trên Trái đất - tảng đá sớm nhất được khoa học biết đến - đã được tìm thấy trên Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 14 vào năm 1971. Hòn đá này có lẽ sau một vụ va chạm tiểu hành tinh đã bị "văng" từ Trái đất đến Mặt trăng - gần hơn nhiều so với việc ra ngoài vũ trụ của NWA 13188.
Nhà khoa học hành tinh Philippe Claeys nói với trang New Scientist: "Khi bạn tuyên bố những giả thuyết phi thường, bạn cần có bằng chứng phi thường để chứng minh điều đó. Tôi vẫn chưa bị thuyết phục".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận