28/09/2013 04:40 GMT+7

Vùng biển nóng Malacca

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Malaysia đang tích cực hợp tác với hai nước Indonesia và Singapore chống cướp biển, sau khi có báo cáo nói số vụ cướp biển ở eo biển Malacca tăng cao.

Báo động khủng bố tại eo biển MalaccaHợp tác chống hải tặc ở eo biển MalaccaKý hiệp ước tuần tra eo biển Malacca

d0L0ES0m.jpgPhóng to
Cướp biển Indonesia bị lực lượng an ninh Malaysia bắt giữ hồi năm ngoái - Ảnh: Reuters

Vùng biển ngoài khơi Somalia từng được coi là hành lang hàng hải nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Phòng Hàng hải quốc tế (IMB) đặt tại Kuala Lumpur (Malaysia), khu vực eo biển Malacca đã vượt qua Somalia trở thành vùng biển nóng nhất về cướp biển. Các điểm nóng có số vụ cướp biển gia tăng nằm ở các khu vực ngoài khơi Indonesia như Tanjung Priok, Dumai, Belawan, Taboneo, Muara Jawa.

Báo The Star hồi đầu tuần dẫn báo cáo của IMB nói mặc dù eo biển Malacca vẫn an toàn cho vận tải hàng hóa quốc tế, các nhà tàu vẫn phải cẩn trọng khi đi qua vùng biển trải dài 960km giữa ba nước Malaysia, Indonesia và Singapore. Mối quan ngại lớn là số vụ cướp biển tăng lên trên vùng biển ngoài khơi Indonesia, cách bang Johor và Malacca của Malaysia từ 45 phút đến hai giờ đường thủy.

Cướp biển giả dạng lái buôn

Do nhà chức trách tuần tra thường xuyên hơn, cướp biển ở khu vực eo biển Malacca không còn lộ liễu như trước. Chúng không còn tấn công các tàu đi ngang qua khu vực của chúng. Nhưng Cơ quan Hành pháp hàng hải Malaysia (MMEA) kết luận rằng cướp biển giờ đây thận trọng hơn và khôn ngoan hơn, nhất là khi chúng hoạt động trên vùng biển Malaysia.

Ban đầu chúng sẽ dùng thuyền nhỏ đi dọc vùng biển giữa Indonesia, Malaysia và Singapore thăm dò tình hình và tìm những tàu chở hàng có giá trị. Sau khi xác định được “con mồi”, chúng sẽ cho một tàu khác giả dạng tàu buôn, tiếp cận các tàu “con mồi” giả vờ bán trái cây, thực phẩm và hàng hóa cho thuyền viên.

MMEA cho biết trong khi thuyền viên mua đồ, chúng sẽ đếm số người và để ý các biện pháp an ninh trên tàu trước khi tấn công. Thậm chí một số tên cướp còn giả vờ kết bạn với thuyền viên để thăm dò xem trên tàu chở hàng gì. Chiến thuật này đã được một nhóm tám tên hải tặc thực hiện ở vùng biển ngoài khơi Pengerang, đông nam bang Johor năm ngoái. Nhóm này sau đó đã bị bắt.

MMEA nói những tên cướp biển giờ đây cũng liều lĩnh hơn, một phần do sự tăng cường truy quét của các lực lượng không chỉ ở Malaysia mà còn tại Singapore và Indonesia.

Người đứng đầu bộ phận hành pháp khu vực phía nam của MMEA Adon Shalan nói việc xác định tàu nào là tàu cướp biển không phải là chuyện dễ dàng. “Không giống như trong phim, các tên cướp biển ở đây không treo cờ đen với hình đầu lâu” - ông Adon giải thích và cho biết thêm cách nhận biết duy nhất là chúng hay đi trên các thuyền nhỏ để dễ bề ẩn náu và trốn lực lượng tuần tra, đặc biệt là ở rừng đước quanh các đảo.

Vùng biển nóng

Với hàng ngàn hòn đảo và nhiều cửa sông được rừng đước bao phủ, vùng duyên hải của Indonesia là nơi lý tưởng cho cướp biển ẩn náu và chạy trốn. The Star cho hay cướp biển hoạt động trên vùng biển Indonesia vũ trang súng, dao, rựa và được mô tả rất hung tợn.

Báo cáo của IMB cho biết trong số 138 vụ cướp biển được ghi nhận trên toàn cầu trong sáu tháng đầu năm nay thì đến 48 vụ diễn ra ở Indonesia. Trong khi số vụ cướp biển trên toàn cầu có xu hướng giảm mạnh từ con số 439 vụ năm 2011, số vụ ở Indonesia lại tăng lên. Sau khi có sự tuần tra mạnh mẽ thì số vụ cướp trên biển có giảm nhưng IMB nói không biết việc này sẽ kéo dài được bao lâu. Trước đó, báo cáo năm 2012 của IMB cho thấy trong tổng số 297 vụ cướp biển toàn cầu thì có đến 81 vụ ở Indonesia, trong khi ở Somalia là 49.

Người đứng đầu trung tâm trình báo cướp biển thuộc IMB Noel Choong nói tình trạng cướp biển hiện đang được khống chế trong vùng nước của Indonesia và các cơ quan chấp pháp đang cố gắng không để cướp biển lan rộng. Ông Choong cho hay đã nói chuyện với các cơ quan chức năng Indonesia, đề nghị họ hành động để tình trạng này không lan rộng ra khắp eo biển đông đúc tàu bè qua lại này.

“Mặc dù các vụ việc được báo cáo hầu hết là các vụ cướp vặt, nhưng những tên cướp này vẫn là mối nguy hiểm cho các nhà hàng hải” - ông Choong nói. The Star cho biết một nửa nguồn cung dầu của thế giới và một phần ba thương mại toàn cầu đi qua eo biển Malacca.

Một nhà phân tích an ninh hàng hải giấu tên nói sự gia tăng các vụ cướp biển trên vùng nước của Indonesia xuất phát từ sự mất cảnh giác. Ông này cũng cho biết các tàu hàng lớn đi qua khu vực này đã được cảnh báo và đang cảnh giác rất cao.

Hiện MMEA đang nỗ lực hợp tác với lực lượng tuần duyên của nước này và Indonesia, Singapore, Thái Lan để đối phó với cướp biển.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên