12.000km2 san hô trên toàn cầu có thể biến mất do nước biển ấm lên - Ảnh: Alamy |
Trong cảnh báo phát ngày 8-10, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan uy tín - trong đó có Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết đến nay họ đã phát hiện san hô trắng ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương, Ấn Độ, Thái Bình Dương xích đạo và phía tây Đại Tây Dương.
"Đây là lần thứ ba chúng tôi ghi nhận hiện tượng san hô trắng trên toàn cầu" - Mark Eakin, chuyên gia về san hô thuộc NOAA, nói với Reuters.
Theo Eakin và các chuyên gia khác, nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu và một mảng nóng bí ẩn ở đông bắc Thái Bình Dương được gọi là "The Blob" đã hủy hoại san hô.
"Chưa rõ "The Blob" có liên quan thế nào đến biến đổi khí hậu... Nó vẫn còn là ẩn số", Eakin nói.
Ông cũng cho biết các nước có thể giúp cứu san hô bằng cách hạn chế khai thác quá mức và giảm thiểu ô nhiễm.
San hô là nơi nuôi dưỡng nhiều loài cá và tạo kế sinh nhai cho hàng triệu người. Bình thường san hô có nhiều màu sắc, việc chúng bị "tẩy trắng" (còn gọi là san hô trắng) là dấu hiệu của cái chết hoặc phân hủy.
Căn cứ vào nhiệt độ cao kỷ lục hiện tại ở nhiều đại dương, các nhà khoa học dự báo hơn 12.000 km2 san hô trên thế giới sẽ biến mất trong năm nay.
Cảnh báo tương tự từng được đưa ra vào năm 1998 và 2010 - cả hai năm đều rất nóng và đều diễn ra hiện tượng El Nino.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận