05/04/2025 07:11 GMT+7

Biến chứng nguy hiểm của zona thần kinh, bác sĩ cảnh báo điều ai cũng cần biết

Bệnh zona thần kinh tương đối lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biến chứng nguy hiểm của zona thần kinh, bác sĩ cảnh báo điều ai cũng cần biết - Ảnh 1.

Biểu hiện của zona thần kinh xuất hiện ở vùng mặt, cổ và sau gáy - Ảnh: BV Tâm Anh

Ông N.V.P., 68 tuổi, trú tại xã Phong Thịnh (Cẩm Khê, Phú Thọ) vào viện khám với tình trạng đau nhức vùng liên sườn.

Cách đây hơn một tháng ông P. bị zona thần kinh vùng mạn sườn phải. Sau khi tự mua thuốc điều trị tại nhà, các vết phồng rộp do zona trên cơ thể ông P. đã bong vảy khô, không còn chảy dịch mủ.

Tuy nhiên khi thấy vết thương vẫn còn đau nhiều, đau lan ra vùng bụng phải, cảm giác đau rát, châm chích như kiến cắn, cúi ngửa vận động đau tăng, ăn ngủ kém nên ông P. quyết định tới viện khám.

Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), các bác sĩ cho biết ông P. bị biến chứng đau dây thần kinh sau zona, và cho chỉ định thực hiện các liệu pháp y học cổ truyền phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã đỡ cảm giác đau rát, châm chích vùng mạn sườn, không còn đau dữ dội như trước, chỉ còn đau âm ỉ.

Triệu chứng thế nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê), zona là bệnh lý do chủng vi rút thủy đậu varicella-zoster virus (VZV) gây ra.

Ở người nhiễm vi rút varicella-zoster, vi rút tồn tại trong các tế bào thần kinh, hạch thần kinh dưới dạng không hoạt động. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc cơ thể suy nhược, vi rút sẽ tái hoạt động gây bệnh zona.

Zona thần kinh gây ra các triệu chứng đầu tiên trên da: xuất hiện ban đỏ, sau đó phát triển thành mụn nước tập trung theo từng đám căng mọng như chùm nho, bên trong mụn nước chứa dịch trong. Khi bị nhiễm khuẩn, các mụn nước chuyển đục và hóa mủ.

Cuối cùng, chúng bị vỡ ra hình thành vảy tiết; vảy tiết khô bong ra sẽ để lại sẹo lấm tấm màu trắng trên da.

Người bệnh có cảm giác đau rát bỏng, tăng cảm giác, đau buốt tồn tại ngay cả khi các tổn thương trên da đã lành.

Các triệu chứng toàn thân: người bệnh có thể bị ù tai, nhức đầu, chóng mặt hoặc sốt từ 38 - 39 độ C.

Biến chứng nguy hiểm

Bệnh zona nếu không điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như đau thần kinh sau zona. Đây là biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất, từ những giai đoạn đầu người bệnh cần được điều trị đúng cách và tích cực ở các cơ sở y tế có chuyên môn để tránh các biến chứng nặng về sau.

Ngoài ra, bệnh có thể gây nhiễm trùng da do vi khuẩn xâm nhập vào vùng da tổn thương gây nhiễm trùng. Zona vùng quanh mắt nếu không điều trị kịp thời có thể gây tổn thương mắt. Đau một bên tai dữ dội hoặc mất thính giác, chóng mặt, mất vị giác.

Để phòng bệnh, bác sĩ Huyền lưu ý không chà xát hoặc để nước bẩn tiếp xúc với vùng da nổi mụn nước, tránh làm cho các mụn nước vỡ ra vì điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.

Rửa vùng da bị zona bằng nước muối loãng hoặc dung dịch rửa chuyên biệt do bác sĩ chỉ định. Rửa tay thường xuyên và đúng cách, nhất là khi vừa chăm sóc vùng da bị tổn thương. Ngoài ra cũng cần mặc đồ rộng rãi, thoải mái.

Hạn chế hoặc không tiếp xúc với người chưa tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai.

Theo bác sĩ, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin thủy đậu. Zona là bệnh có thể lây từ người này sang người khác. Kháng sinh không có tác dụng diệt vi rút zona, do đó chỉ sử dụng khi bị bội nhiễm theo đơn của bác sĩ.

Bị zona thần kinh nên ăn gì cho mau khỏi?

Các chuyên gia về sức khỏe cho biết người bệnh nên chú ý bổ sung những thực phẩm có hàm lượng kẽm, lysine, vitamin C, B6, B12 cao trong chế độ ăn hằng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị, giúp vết thương nhanh lành hơn.

Thịt, cá, trứng, sữa… rất tốt cho người bệnh zona, bởi chứa rất nhiều lysine, thành phần lysine có trong thực phẩm trên giúp ức chế sự tăng trưởng của vi rút VZV. Ngoài ra, người bệnh tăng cường sức đề kháng để nhanh chóng khỏi bệnh.

Thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, B12, C và E có tác dụng tăng khả năng miễn dịch, chống lại vi khuẩn, vi rút gây bệnh, tái tạo da nhờ khả năng chống viêm và oxy hóa.

Để đạt kết quả tốt nhất trong điều trị zona thần kinh, khi tự chăm sóc tại nhà cần chú ý mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, giữ cho da luôn khô thoáng, sạch sẽ.

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần luôn được thư giãn, lạc quan. Tập luyện các bài thể dục thể thao vừa sức như đi bộ, yoga…, đồng thời giúp lưu thông máu tốt hơn, kích thích quá trình làm lành thương tổn da.

Biến chứng nguy hiểm của zona thần kinh, bác sĩ cảnh báo điều ai cũng cần biết - Ảnh 2.Chăm sóc trẻ bị bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ, phỏng rạ) là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút Varicella Zoster herper gây ra, sang thương chủ yếu ở da và niêm mạc.




Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên