Liên quan tới vụ PGS.TS Đinh Công Hướng, nguyên giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, có 15 bài báo khoa học ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGHIÊM QUÝ HÀO - phụ trách Ban truyền thông và quan hệ công chúng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - xác nhận thông tin này là đúng.
Lần đầu tiên Trường ĐH Tôn Đức Thắng lên tiếng về dư luận 'vung tiền mua bài báo khoa học’
Ông Hào cho biết thêm: "PGS.TS Đinh Công Hướng là một trong số nhà khoa học tham gia cộng tác với Trường ĐH Tôn Đức Thắng trước đây và hiện nay không còn hợp đồng làm việc với trường.
Dù vậy, chúng tôi rất trân trọng sự hợp tác của thầy Hướng khi tham gia cùng nhóm nghiên cứu phương trình tiến hóa (EER) thuộc Phòng quản lý phát triển khoa học công nghệ của trường".
Khuyến khích hợp tác nghiên cứu
* Việc hợp đồng hợp tác nghiên cứu với người ngoài trường có từ khi nào, nhằm mục đích gì, thưa ông?
- Các hợp đồng hợp tác nghiên cứu này xuất phát từ chủ trương khuyến khích việc hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia, nhà khoa học với nhau với mong muốn tạo môi trường tốt nhất để họ làm việc và có chính sách ghi nhận các kết quả nghiên cứu của họ một cách xứng đáng, góp phần phát huy tối đa năng lực của người làm khoa học và đóng góp sản phẩm khoa học cho xã hội.
Từ năm 2010, trường đã xây dựng mô hình các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung tối đa thời gian, cơ sở vật chất để nghiên cứu.
* Số tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước chiếm tới 70% tổng số công bố quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2019 - 2021. Phải chăng trường phụ thuộc quá nhiều vào người bên ngoài?
- Tôi nghĩ trường đại học là nơi tạo điều kiện và khuyến khích để giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hợp tác nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm/công trình nghiên cứu chất lượng.
Do vậy, thời gian qua nhà trường đã có những chính sách để thúc đẩy việc nghiên cứu, qua đó chúng tôi khuyến khích giảng viên, nghiên cứu viên của trường kết nối các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng hợp tác nghiên cứu.
Mô hình các nhóm nghiên cứu chuyên sâu cùng tập hợp các nhà khoa học cùng làm việc nhằm mang lại tầm nhìn và định hướng nghiên cứu lớn hơn, dài hạn hơn và mang lại nhiều hiệu quả hơn cho cộng đồng và xã hội.
* Có những nhà khoa học "hợp đồng hợp tác nghiên cứu" với trường nhưng họ là tác giả duy nhất trong các bài báo quốc tế chỉ ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tại sao vậy?
- Đối với việc ghi tên tác giả vào công trình khoa học, theo thông lệ, các nhà khoa học hoàn toàn tự thỏa thuận với nhau dựa trên công sức đóng góp, hướng nghiên cứu, thế mạnh của từng thành viên.
Trường khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu nhằm tạo môi trường làm việc cho các nhà khoa học, dần dần các nhóm sẽ xây dựng kế hoạch công bố, nghiên cứu, phát triển công việc của nhóm.
Các nhà khoa học trong nhóm sẽ xem xét, thỏa thuận với nhau về việc đứng tên trên các công bố của nhóm hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác nghiên cứu.
Hướng tới hiệu quả, thực chất, bền vững
* Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 1.200 giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên, viên chức quản lý, hành chính. Cụ thể hiện trường có bao nhiêu tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư?
- Tổng số giảng viên, viên chức, người lao động làm việc trong hơn 60 đơn vị của trường được công khai với Bộ GD-ĐT là 1.215, trong đó có 240 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.
* Năm 2022, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 455 bài báo công bố quốc tế, chỉ bằng 1/6 của năm 2020. Ông lý giải ra sao sự sụt giảm này? Trường tự đánh giá năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế nội tại của mình ra sao?
- Vừa qua, hoạt động của trường cũng như các tổ chức, doanh nghiệp khác trong nền kinh tế chịu tác động của dịch COVID-19. Gần đây, hoạt động của các nhóm nghiên cứu đã bắt đầu được khôi phục, tiếp tục phát triển.
Sau thời gian dài tập trung ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, nay trường đã chủ động sắp xếp lại các nhóm nghiên cứu theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn. Đặc biệt, trường xác định đưa công tác nghiên cứu khoa học của trường trong thời gian tới theo hướng hiệu quả, thực chất, bền vững và ưu tiên cho lực lượng tại chỗ.
Thay vì công bố nhiều, trường ưu tiên cho việc công bố các bài báo có chất lượng cao, tăng chỉ số trích dẫn và hướng đến các tạp chí chuyên ngành uy tín.
* Kinh phí chi cho công bố quốc tế năm 2019 - 2020 của trường chiếm tỉ lệ 10 - 14% nguồn thu từ học phí. Lẽ ra nguồn kinh phí này theo quy định phải chi cho lực lượng cơ hữu, sinh viên của trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hiện nay kinh phí này bao nhiêu và trường có điều chỉnh gì không?
- Thông tin kinh phí cho nghiên cứu và công bố quốc tế của các năm 2019, 2020 chiếm tỉ lệ 10 - 14% nguồn thu từ học phí, thực tế không phải như vậy. Vấn đề này trường đã có báo cáo với bộ.
Đây không chỉ là kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu của các năm ấy mà còn là kinh phí chi cho các dự án, công trình nghiên cứu khoa học dồn lại từ các năm trước do chưa kịp nghiệm thu vì các lý do khách quan (ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình của nhà trường trong các giai đoạn có thanh tra, kiểm tra, hồ sơ thủ tục...).
Mặt khác, việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của trường hoàn toàn phù hợp với chủ trương chung của Luật Giáo dục đại học và nghị định 99 quy định về việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Nhà trường luôn cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn thu để đầu tư phát triển các điều kiện phục vụ người học, nâng cao chất lượng đào tạo để người học tại trường nhận được những giá trị tương xứng với số tiền học phí mà họ chi trả.
* Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng trường vung tiền "mua bài báo khoa học quốc tế", vì muốn "thăng hạng nghiên cứu khoa học", từ đó có thứ hạng cao trong xếp hạng đại học?
- Sau 26 năm thành lập và phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, bên cạnh những điều tốt và nổi bật vẫn còn tồn tại, hạn chế để khắc phục và cải tiến.
Nhờ cơ chế tự chủ đại học, sự tạo điều kiện của cơ quan chủ quản và tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo của nhà trường trong thời gian qua, đến nay nhà trường tự hào là một trong những trường đại học trẻ được xếp vào top 100 trường đại học trẻ tốt nhất thế giới năm 2022 theo THE Young University Ranking.
Theo tôi, nếu không phải xuất phát từ tâm huyết với giáo dục và khát vọng vươn đến thành công của thầy và trò, nhà trường không thể có được kết quả như hôm nay.
* Theo hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với các nhân sự bên ngoài, nhà trường chi trả cho một công trình (bài báo quốc tế) ít nhất và cao nhất là bao nhiêu? Là trường công lập, nhà trường trích nguồn kinh phí từ đâu để chi trả? Trường có thực hiện các thủ tục tài chính theo quy định khi chi trả các khoản này?
- Nhà trường đã ban hành chính sách thu nhập hằng tháng của nghiên cứu viên, nghiên cứu viên kiêm nhiệm (giảng viên có ký thêm hợp đồng nghiên cứu kiêm nhiệm với trường), trong đó có nêu chi tiết từng mức thu nhập tương ứng với hạng của công trình khoa học, tính theo WoS và Scopus.
Ngoài ra, trường còn có các quy định về thu nhập trong chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của trường giai đoạn 2023 - 2026.
Đối với việc thanh toán, nghiệm thu hợp đồng nghiên cứu, các nhà khoa học nói chung, các nghiên cứu viên hoặc giảng viên của trường ký hợp đồng nghiên cứu viên kiêm nhiệm đều thực hiện các thủ tục nghiệm thu và thanh/quyết toán theo quy định và quy trình nghiệm thu của trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận