22/06/2019 12:36 GMT+7

Bí thư tỉnh ngồi đất ăn cơm với bà con nông dân, viết báo ký tên Xích Lô

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - "Ổng bình dân dữ lắm, ngồi ăn cơm chung dưới đất với nông dân, không cần bàn ghế gì đâu" - bà con nhận xét. Và khi viết báo, vị bí thư tỉnh ấy ký tên Xích Lô...

Bí thư tỉnh ngồi đất ăn cơm với bà con nông dân, viết báo ký tên Xích Lô - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan là tác giả nhiều bài viết trên Tuổi Trẻ và các báo với góc nhìn đa chiều, sắc sảo. Đặc biệt, ông dành rất nhiều tình cảm để viết về nông dân..

Với ông Lê Minh Hoan, viết báo là cách hữu hiệu để chia sẻ tâm tình: "Cái gì chia thì nhỏ, chứ chia sẻ thì càng chia càng lớn ra".

Nói thẳng ổng là lãnh đạo tốt, có nhiều tình cảm với nông dân. Ổng bình dân dữ lắm, ngồi ăn cơm chung dưới đất với nông dân không cần bàn ghế gì đâu.

Ông NGUYỄN PHÚ HIỆP (nông dân xã Tân Hội, huyện Cao Lãnh)

Bút danh Xích Lô

Những bài báo ấy, ông Lê Minh Hoan thường bắt đầu với tựa đề "Câu chuyện", nội dung rất gần gũi như câu chuyện nhất giống nhì phân, câu chuyện nông dân... Những bài viết giản dị đi vào lòng người mà dân hay hỏi nhau "đã đọc câu chuyện của anh Sáu kỳ này chưa?".

Ông Lê Minh Hoan dùng bút danh Xích Lô trong bài viết "Câu chuyện nông dân" đầy trăn trở: "Nghề nông vì sao bị xếp chiếu dưới?".

Ông dẫn giải: "Xứ người ta lại có tư duy khác. Dù là nước công nghiệp đi trước mình vài chục năm nhưng những giá trị về nghề nông, người nông vẫn được trân quý".

Ông chỉ ra những nguyên nhân thực trạng: "Có trách là trách chúng ta chưa làm cho bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tươi sáng... Ai là đội quân làm nên thanh bình cho xứ sở này nếu không là lực lượng nông dân và từ nông thôn?

Vậy mà đây đó lực lượng này lại thiếu vắng trong các bản kế hoạch nâng cao chất lượng nhân lực. Những chương trình đào tạo nghề cho nông dân thường chỉ quanh quẩn kỹ thuật nuôi trồng, may đan".

Hay trong bài viết "Câu chuyện công sở", ông nhìn trực diện: "Có người cho rằng tiền nào của nấy, tiền lương thấp nên công chức, viên chức ít cười, chểnh mảng giờ giấc, kém trách nhiệm. Nghĩ và nói như vậy đã hợp lý chưa? Hay trong bộ máy công vụ vẫn còn sức ì, làm việc chỉ theo mệnh lệnh cấp trên".

Nhưng rồi ông cũng chỉ ra: "Với nhiều công chức, viên chức, bất kể điều kiện khó khăn vẫn niềm nở, thân thiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhận được sự quý mến, tín nhiệm của dân.

Để có những hình ảnh đáng trân trọng như vậy, từng cán bộ, công chức, viên chức đó đã tự mình tạo được động lực từ bên trong. Đó là biết tự hào với công việc và cuộc sống... Muốn làm việc tốt cần có hứng thú.

Hứng thú được tạo nên từ sự kích hoạt, truyền cảm hứng của người đứng đầu, từ sự đồng lòng của các cộng sự, đồng nghiệp...".

Và tất nhiên, ông cũng có không ít bài vui: "Số là hôm đi dự buổi sinh hoạt Minh Tâm Hội quán, đầu giờ thấy bà con chia sẻ nhau cách sử dụng Zalo.

Nhìn những người lớn tuổi, tay chân còn thô ráp vì quần quật quanh năm trong vườn tược mà hôm nay biết "bấm bấm, lướt lướt, quẹt quẹt", rồi còn chụp hình gửi cho nhau mới thấy câu "điều gì người khác làm được thì nông dân quê tui chắc chắn cũng sẽ làm được" là không sai".

Bí thư tỉnh ngồi đất ăn cơm với bà con nông dân, viết báo ký tên Xích Lô - Ảnh 3.

Ông Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải qua) về với nông dân - Ảnh: A.X.

Thôi thúc đội ngũ phải hành động

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ vừa lo nhiệm vụ của tỉnh vừa gắn bó với những hội quán nông dân, lĩnh vực khởi nghiệp, du lịch... Quá nhiều việc, nhưng động lực viết báo luôn thôi thúc. Ông thường viết vào buổi tối hoặc giờ nghỉ, khi cảm xúc dâng tràn lên con chữ.

"Tôi có điều kiện đi nhiều, lại thích đọc sách. Từ những chuyện hay trên sách, ngẫm nghĩ dọc đường, bao giờ tôi cũng so sánh với địa phương mình. Để rồi tôi nhận ra những điều cần bổ khuyết cho tỉnh" - ông chia sẻ.

Nhiều bài ông viết cho nông dân, cũng không ít bài gửi gắm chính đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Ông muốn thôi thúc họ phải hành động, cống hiến nhiều hơn, không bằng lòng với cái đang có. Mà muốn cống hiến phải hiểu bản thân đang đứng ở đâu, điều gì hay, điều gì ngáng trở đường phát triển.

"Tôi hay nói anh em những cái mình đang học đã là của hôm qua. Ngày hôm nay và ngày mai thế giới thay đổi rất nhanh chóng. Nhanh tới mức độ cái mới chưa kịp định hình thì đã có cái mới ra đời và chuẩn bị thay thế nữa rồi.

Khi anh em cảm nhận được sức nóng đó, buộc họ phải có nhiều động lực để dấn thân hơn nữa, học nhiều, đi nhiều, trải nghiệm, chứ không quanh quẩn những cái cố hữu trong đầu".

Ông Hoan đặt trách nhiệm chính quyền, đoàn thể trong từng bài viết.

"Đội ngũ lãnh đạo phải thay đổi trước, dẫn dắt sự thay đổi. Cần bám sát cuộc sống, gần gũi nông dân, mà cũng phải nói bằng ngôn ngữ nông dân, không phải lên bục, diễn đàn nói thao thao bất tuyệt. Nói theo cái của mình nhưng chưa chắc đã là cái còn đúng.

Hệ thống lãnh đạo mình cũng phải đi học thôi, không ai sinh ra đều đã tài giỏi. Nếu còn thấy bản thân có khiếm khuyết trong kiến thức thì dễ rồi. Tôi sợ nhất là mình nghĩ rằng tất cả mình đều đủ hết rồi, đó là cái bẫy của người lãnh đạo" - ông nhận định.

Bí thư tỉnh ngồi đất ăn cơm với bà con nông dân, viết báo ký tên Xích Lô - Ảnh 4.

Ông Lê Minh Hoan tặng quà cho hội quán nông dân - Ảnh: KHÁNH PHAN

Nhân lên điều tốt đẹp

Một chủ đề xuyên suốt mà ông Lê Minh Hoan chuyển tải thành nhiều câu chuyện, đó là làm sao gắn kết người với người, xây dựng niềm tin.

Ông suy nghĩ: "Trước quá nhiều hình ảnh phản cảm, bức xúc, tiêu cực đôi khi tạo ra tâm trạng nặng nề cho xã hội, rồi kéo theo nhiều cái không có lợi. Vì nếu mỗi người cứ mãi chỉ trích nhau, than vãn, trách móc, mà biết đâu chính mình cũng không ngoại lệ.

Rồi từ từ niềm tin xã hội bị đánh mất, không ai tin ai, thậm chí đánh mất luôn niềm tin trong chính mình. Ngược lại, nên kích hoạt cảm xúc tích cực mỗi người để họ thấy rằng phải cùng xã hội giải quyết những vấn đề còn tồn tại đó".

Ông muốn giá trị tích cực thấm dần, thấm sâu vào từng "ngõ ngách" của xã hội, của bộ máy. Ông vui khi nhiều "hai lúa" lên mạng, gửi mail cho đối tác rồi không quên "bắn" mail cho ông để chia sẻ chuyện làm nông, hay chỉ nói với ông rằng: "Tui thấy ông anh nói đúng, phải thay đổi thôi".

Trong bộ máy cán bộ, một bộ phận đọc bài không phải lấy lòng ông, mà dần dà có những thay đổi, thậm chí sẵn sàng "trao đổi thêm" những điều ông viết mà họ cho rằng chưa thỏa đáng.

Đặc biệt, viết báo nhiều, ông Hoan cũng đồng cảm và trải lòng nhiều hơn với người viết báo. Ông hiểu rằng người làm báo chân chính gửi gắm rất nhiều tâm tư, trách nhiệm với xã hội...

Ông biết nhiều anh em báo chí, nhận thấy họ có những ý tưởng hay và ông tâm đắc: "Nhà báo đi vào ngóc ngách đời sống, xã hội, những chỗ lãnh đạo chưa đặt chân tới. Góc nhìn báo chí bổ sung cho góc nhìn người lãnh đạo. Để từ đó cùng nhau hoàn thành sứ mệnh, bởi dù lãnh đạo hay báo chí đều là trách nhiệm công dân".

Phát nhiều mà không có động

Ông Lê Minh Hoan viết thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại: "Nói nào ngay, xứ mình mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm không biết có ai đếm được có bao nhiêu lễ phát động hưởng ứng chủ đề gì đó, kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện việc gì đó?

Đã có lễ rồi thì thế nào cũng có phần hội. Rồi thì thế nào cũng rợp trời cờ hoa, băngrôn, khẩu hiệu. Rồi thì đồng phục áo vàng, áo xanh, áo trắng. Rồi thì có diễn văn khai mạc, phát biểu hứa hẹn. Rồi thì diễu hành khắp phố phường.

Nhưng có ai đó đã tổng kết, rất nhiều chuyện có phát nhưng không thấy động".

Ông Lê Minh Hoan: Ông Lê Minh Hoan: 'Cần chiến lược dài hạn cho hạt gạo Đồng bằng thay vì giải cứu'

TTO - Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã có những ý kiến tâm huyết với cây lúa, hạt gạo tại “Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL” tổ chức ngày 26-2 tại tỉnh Đồng Tháp.


NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên