Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo ông Lê Minh Hoan, chúng ta kỳ vọng rằng ngoài việc xử lý tình huống cho vụ Đông Xuân này, còn xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống "chẳng đặng đừng", đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần thoát khỏi "tư duy mùa vụ và thương vụ" để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu, nhưng là sinh kế của hàng chục triệu nông dân đồng bằng này.
Đến nay, tôi vẫn bị ám ảnh bởi tài liệu của Ngân hàng thế giới về "Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam - giảm chi phí, tăng chất lượng". Như vậy, nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền "chi phí cao, chất lượng kém".
Để vượt qua lời nguyền đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy hợp tác xã (HTX) là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy còn những rào cản về thể chế nhưng Đồng Tháp đã, đang và sẽ kiên trì hướng đến mục tiêu đó trên nền các hơn 60 Hội quán nông dân - tiền đề để phát triển HTX.
Triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên HTX càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung.
Nông dân An Giang thu hoạch lúa Đông Xuân - Ảnh: B.ĐẤU
Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản.HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng.
HTX không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên HTX và người dân nông thôn. Như vậy, nông dân vừa thu về được lợi nhuận từ sản xuất và chuỗi giá trị gia tăng, đồng thời và quan trọng hơn, là lợi ích nhận được từ giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.
HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Do đó, một lần nữa tôi đề nghị cần tách HTX nông nghiệp thành một Nghị định riêng, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp.
Và chúng ta không nên đặt mục tiêu huy động tăng trưởng của khu vực kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế ít nhất trong 5, 10 năm tới. Nhìn với góc độ khác, HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị như định hướng của nhiều doanh nghiệp và đề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành hàng lúa gạo.
Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL mở ra tầm nhìn chiến lược cho ngành Nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo. Giảm diện tích trồng lúa là chủ trương hoàn toàn phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và xu thế của thị trường. Nhưng cần cụ thể hóa chủ trương này thành kế hoạch và các chính sách hỗ trợ cần thiết.
Chúng ta không để chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang rủi ro ngành hàng nông sản khác. Tuy nhiên, tất cả lại đang trông chờ vào bản quy hoạch tích hợp. Con đường xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt, theo nhiều chuyên gia, phải mất nhiều năm và đang phụ thuộc vào một chiến lược được định hình từ quy hoạch ngành hàng lúa gạo trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước.
Một chiến lược dài hạn không thể thực thi khi tư duy mùa vụ của nông dân và tư duy thương vụ của doanh nghiệp còn tồn tại. Thương hiệu hạt gạo không thể xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa người nông dân và doanh nghiệp phập phù qua từng vụ mùa như trong thời gian qua. Tư duy "cả hai cùng thắng" phải chi phối cách nghĩ của cả doanh nghiệp và người nông dân.
Nông dân An Giang thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: B. ĐẤU
Chuỗi ngành hàng phải được hình thành dựa trên niềm tin của từng đối tác trong chuỗi đó. Niềm tin chỉ có được khi thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch, không bị méo mó vì những lý do lợi ích cục bộ. Vai trò "dẫn dắt thị trường" của doanh nghiệp là điều kiện cần và điều kiện đủ là người sản xuất phải được chia sẻ đầy đủ thông tin đó.
Tôi đề nghị các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo, nhất là 2 đơn vị chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2 cùng ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm để cùng hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp cần đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Dẫu biết rằng thị trường luôn không bằng phẳng, dẫu biết rằng doanh nghiệp cũng kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng hơn mười triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL mong sao bớt đi sự phập phù, thấp thỏm qua từng mùa vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận