Tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ ngày 18-3 ở Bình Phước, lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thúc đẩy giao thông vùng.
Điểm nghẽn giao thông làm mất lợi thế cạnh tranh
Ông Võ Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết sau thời kỳ phát triển nhanh về công nghiệp, sự gia tăng ngày càng lớn về nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khiến hạ tầng kinh tế - xã hội của Bình Dương hiện đang trong tình trạng quá tải.
Lưu lượng các trục đường bộ huyết mạch ngày càng lớn, trong khi tính kết nối, đồng bộ với loại hình giao thông đường sắt, đường thủy nội địa còn thiếu và yếu đã làm tăng thời gian đi lại từ Bình Dương tới các cảng biển và sân bay quốc tế. Từ đó, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm lợi thế cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng đặc trưng của Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM có tỉ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, việc này góp phần phát triển kinh tế nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Dù các địa phương rất quan tâm giải quyết song hầu như các cửa ngõ kết nối giao thông đều kẹt cứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Cũng theo bà Hoàng, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP vùng đạt 6,72%, trong khi vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt 9,08%. Dù vị thế của Đông Nam Bộ trong nền kinh tế vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm, vai trò động lực và dẫn dắt suy yếu.
Để chia sẻ lưu lượng cho hệ thống đường bộ, TP.HCM và Đồng Nai làm việc với Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn Sài Gòn - Nha Trang, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, đường sắt đô thị Biên Hòa - Vũng Tàu…
Bên cạnh đó, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương có lợi thế lớn về giao thông thủy, hàng hải rất lớn với hàng loạt luồng tuyến quan trọng. Thế nhưng khai khác còn hạn chế, chưa hết tiềm năng, chưa chia sẻ được áp lực cho giao thông đường bộ đang quá tải.
"Cần khai thác nhiều hơn lợi thế hệ thống giao thông đường thủy, đặc biệt vận chuyển hành khách và kết nối tour du lịch giữa TP Biên Hòa và TP.HCM, Bình Dương theo hình thức kết hợp giữa buýt bộ và buýt sông", bà Hoàng đề xuất.
Tính toán phát triển hạ tầng giao thông
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ là vấn đề quan trọng.
Theo bí thư Thành ủy, giao thông không chỉ đường bộ mà vùng còn có lợi thế đường thủy có thể chia sẻ đường bộ. Vấn đề này lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, cũng cần quan tâm, quy hoạch phát triển đường sắt.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, hội nghị tổng kết thực chất là triển khai thực hiện nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đông Nam Bộ và nghị quyết 154 của Chính phủ.
Hiện nay TP đang chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xin chủ trương về cơ chế chính sách vượt trội, trong đó có những việc hiện nay còn mới, chưa có quy định.
Bí thư Thành ủy nói: "Xin ở đây là xin được làm, chứ không phải xin được hưởng. Cho nhiều làm mệt chứ không phải sung sướng gì, nhưng đây là sứ mệnh vì TP, vùng Đông Nam Bộ và vì cả nước.
Dù vậy, cho hay không, mức độ nào tùy thuộc thông tin đề xuất kiến nghị có phù hợp hay không và ở trên có chấp nhận với tinh thần phân cấp ủy quyền và giao chúng ta làm thí điểm".
Về hội đồng vùng, ông Nên nói rằng "không kỳ vọng lắm", vấn đề quan trọng là phân cấp mạnh mẽ. "Cơ chế là cần nhưng quan trọng hơn là tinh thần trách nhiệm với nhau trong công việc, trong các mối quan hệ, không câu nệ thời gian, không gian, mà "nói về liên kết vùng là nói về trách nhiệm chung để phát triển vùng thì chúng ta làm", bí thư Thành ủy nói.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị sau chương trình, các tỉnh tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động theo nghị quyết 24 và nghị quyết 154; chuẩn bị hoàn thiện cơ chế hoạt động; tăng kết nối dữ liệu số để tháo gỡ vướng mắc khó khăn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận