17/03/2023 20:57 GMT+7

Kết nối giao thương TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ

A LỘC
và 1 tác giả khác

Chiều 17-3, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Kết nối giao thương TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp trình bày ý kiến tại hội nghị - Ảnh: A LỘC

Sự kiện thu hút khoảng 350 hiệp hội, doanh nghiệp phân phối, sản xuất của các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ tham dự.

Khó đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn

Ông Nguyễn Hồng Quyết - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) - nói có tám năm chào hàng siêu thị nhưng gặp không ít khó khăn. Trong đó, có hệ thống siêu thị chào hàng sáu lần nhưng không nhận được hồi âm.

Theo ông Quyết, các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đi lại chào hàng rất xa nhưng hầu như không thành công. Ông mong lãnh đạo các sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, quản lý các siêu thị có cuộc chơi công bằng hơn cho những người làm nông sản, hợp tác xã có năng lực.

"Đây là vấn đề tôi từng nói, vấn đề rất ức chế cho những người làm nông sản. Nông sản chất lượng, giá cả cạnh tranh, đầy đủ giấy tờ nhưng không thể vào siêu thị được" - ông Quyết nói.

Một doanh nghiệp ở Đồng Nai cho rằng chứng nhận tiêu chuẩn của OCOP không được người tiêu dùng đón nhận bằng chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong khi sản phẩm OCOP phải qua nhiều vòng, là sản phẩm tiêu biểu của địa phương nên cần tạo thêm sân chơi cho giao thương.

Kết nối giao thương TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: A LỘC

Thêm không gian cho sản phẩm OCOP

Giải thích về việc sản phẩm của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khó vào hệ thống siêu thị, các nhà phân phối cho rằng đây là vấn đề "chưa bao giờ dễ" bởi các quy chuẩn, quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, khi vào được sẽ có cơ hội rất lớn để phát triển, đi vào hệ thống.

Về việc hàng hóa tốt, đi nhiều nơi nhưng tiêu thụ ở Việt Nam khó, đại diện nhà phân phối cho rằng có những sản phẩm rất đặc trưng, rất đặc biệt vùng miền nên sản lượng hạn chế, nguồn hàng không liên tục, nếu duy trì không đạt sẽ khó.

Cũng theo vị đại diện này, các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô còn nhỏ bé thực sự "lẻ loi", với nguồn hàng hạn chế dù chất lượng rất tốt thì việc cung cấp cho hệ thống lớn cũng rất khó khăn. Tất cả các siêu thị Co.op Mart đều trưng bày sản phẩm OCOP của từng địa phương nhưng số lượng hạn chế.

Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng thời gian qua đã làm nhiều nhưng còn vướng mắc. Nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất.

Phía Nhà nước phải có sự đầu tư về các vấn đề đào tạo, rèn luyện, huấn luyện những hộ nông dân bình thường từng bước đi lên. Tất cả các tỉnh xây dựng "không gian", các kệ trưng bày sản phẩm địa phương, góp phần đưa sản phẩm địa phương về thành phố.

Cơ hội kết nối giao thương tại Đài LoanCơ hội kết nối giao thương tại Đài Loan

Tại buổi giới thiệu các triển lãm chuyên ngành Đài Loan được tổ chức ở TP.HCM, Hiệp hội Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) cho biết Đài Loan đánh giá rất cao thị trường Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên