23/10/2022 09:00 GMT+7

Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG

TTO - Hôm nay (23-10), Bộ Chính trị tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Tuyến đường vành đai 3 đang được đầu tư xây dựng kết nối với các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ. Trong ảnh: đường vành đai 3 Tân Vạn - Mỹ Phước (Bình Dương) vừa được đầu tư xây dựng kết nối với TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Một số chuyên gia và đại diện các tỉnh thành trong khu vực chia sẻ thêm cùng Tuổi Trẻ những mong muốn để nghị quyết có thể đi nhanh vào cuộc sống và đạt được những mục tiêu mà nghị quyết đã nêu.

Phân cấp cho các địa phương

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam - đánh giá tinh thần nghị quyết 24 cho thấy Bộ Chính trị đánh giá rất cao vai trò vị thế và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ đối với sự phát triển của cả nước. 

Nhiều mục tiêu trong nghị quyết cũng đặt ra thách thức rất lớn, muốn hoàn thành phải có những nhóm nhiệm vụ và giải pháp thật sự đột phá.

"Vấn đề của chúng ta lâu nay không phải không có nghị quyết hay chính sách, thậm chí có nhiều chính sách rất đúng đắn, nhưng thực thi mới là điểm yếu nhất", ông Tuấn nói. 

"Chẳng hạn, quan điểm thí điểm các mô hình cơ chế chính sách mới vượt trội, mang tính quốc tế, tạo đột phá phát huy tối đa tiềm năng liên kết vùng hoàn toàn đúng đắn nhưng cần cụ thể hóa từng việc phải làm để thực hiện hóa được chủ trương này", ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, hiện các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực theo chiều dọc, Chính phủ cũng có thể phân cấp cho các địa phương cơ chế đặc thù. 

Tuy nhiên, thể chế liên kết vùng có rất nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết khi chưa có một chính quyền cấp vùng. Hội đồng điều phối và liên kết vùng được lập hiện nay không có đủ thẩm quyền quyết định, quyền vẫn do các bộ ngành. 

Từ đó, nếu nói trao cơ chế đặc thù cho TP.HCM hay vùng kinh tế Đông Nam Bộ thì các bộ ngành phải thống nhất với tinh thần của nghị quyết. Phải dựa vào tinh thần của nghị quyết để triển khai chứ không phải dựa vào các quy định thông tư hiện hành.

Cùng với đó, phải có chương trình sửa hàng loạt luật, nghị định về phân cấp, phân quyền. Những thẩm quyền hiện nay của Trung ương cần được phân cấp xuống bớt cho các địa phương trong vùng. "Chúng ta cần có một cơ chế trọn gói chứ không phải là phân cấp nửa vời, địa phương tự xây dựng cơ chế, thể chế tự thực thi và tự chịu trách nhiệm", ông Tuấn đề nghị.

Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khảo sát dự án sân bay Long Thành, khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển thông thương vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: HÀ MI

Không để phép vua thua lệ làng

Đồng ý với các giải pháp đưa ra trong nghị quyết, tuy nhiên TS Nguyễn Hoàng Bảo - khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng cần phân định rõ giải pháp ngắn hạn và dài hạn và nguồn lực cho các giải pháp. 

Trong đó, khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc sử dụng tổng hợp các nguồn lực khác nhau, kết hợp và bổ sung cho nhau, là bài toán cần phải đặt ra.

Thêm vào đó, cần xác định rõ việc quản lý các giải pháp cũng như quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu vùng. 

"Cần có nhạc trưởng cho cả vùng Đông Nam Bộ, không thể để hiện tượng phép vua thua lệ làng. Có người đứng đầu vùng, không có nghĩa là tăng một cấp quản lý hay giảm vị thế của người đứng đầu các tỉnh thành, mà làm tăng sức mạnh, tăng cạnh tranh của cả vùng và giảm cát cứ khi đối diện với bài toán tổng thể", ông Bảo nói.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức - cho rằng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ trong nghị quyết 24 khá đầy đủ, toàn diện và nhận dạng được nhu cầu kết nối để phát triển của vùng. Vấn đề còn lại là Quốc hội, Chính phủ và các địa phương phải bàn về cơ chế, chính sách nào để triển khai đầu tư được các công trình hạ tầng giao thông kết nối đưa ra.

Ông Tuấn cho rằng nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là khả thi bởi Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và các địa phương có sự quyết tâm lớn. 

Tuy nhiên, việc nghị quyết đưa ra rất nhiều mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM, kết nối với các tỉnh thành xung quanh thì nguồn lực để triển khai tất cả các dự án này là vô cùng lớn. 

Như thế, cần một cơ chế chính sách tốt hơn nữa để tránh các kế hoạch có thể chỉ đạt cao lắm là 30% mục tiêu đặt ra đến năm 2030. "Khi có kế hoạch hợp lý rồi phải có một cơ chế, chính sách cụ thể huy động được nguồn lực để xây dựng các công trình giao thông", ông Tuấn chia sẻ.

Để có hệ thống giao thông kết nối vùng, ông Tuấn cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia trong khu vực đã phối hợp chặt chẽ giữa phát triển hạ tầng đô thị gắn với phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). 

Theo đó, từ đô thị hạt nhân là TP.HCM đi các tỉnh trong vùng ngoài đường cao tốc sẽ đầu tư thêm đường sắt. Để có nguồn lực làm phải kết hợp phát triển đô thị, hình thành các khu đô thị vệ tinh xung quanh các dự án hạ tầng giao thông và kết nối với đô thị hạt nhân. 

Lợi nhuận có được từ phát triển các đô thị phải được sử dụng phần lớn quay trở lại để Nhà nước có tiền trả vốn đi vay đầu tư các hạ tầng đó. Một khoản tiền cũng được dành để trợ giá cho các hoạt động về vận tải hành khách liên vùng.

"Những cơ chế chính sách đặc thù trên rất khó triển khai bởi vướng các luật hiện hành như Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đất đai... Nếu không có những cơ chế đó rất khó để đạt các mục tiêu xây dựng hạ tầng kết nối. Đây mới là yết hầu của việc triển khai có thành công hay không nghị quyết 24", ông Tuấn cho hay.

Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối giao thông Đông Nam Bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghị quyết 24 xác định mục tiêu đến năm 2023, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đến năm 2045, trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 5.

Dữ liệu: TIẾN LONG - Đồ họa: N.KH.

Tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn

giao thông tphcm 1(Read-Only)

TP.HCM đang đầu tư nhiều dự án giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ tạo đà phát triển kinh tế - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá sự phát triển của Đông Nam Bộ sau gần 20 năm chưa tương xứng với tiềm năng và riêng TP.HCM với vai trò động lực và đầu tàu tăng trưởng đang có dấu hiệu "đuối tầm".

Nghị quyết 24 đã chỉ ra những điểm nghẽn và định hướng tháo gỡ các điểm nghẽn này rất đầy đủ và đồng bộ. Vấn đề là triển khai như thế nào để nghị quyết đi vào cuộc sống.

Theo ông Mãi, trách nhiệm trước hết thuộc các địa phương trong vùng, nhưng nếu thiếu sự vào cuộc một cách tích cực và trách nhiệm của các bộ ngành trung ương, việc đưa nghị quyết vào cuộc sống rất khó khăn.

Do vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo nghị quyết 24.

Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương, quy hoạch vùng và triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Lâm Đồng, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng đô thị TP.HCM...

Ông Mãi khẳng định TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực để phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, giữ vững vai trò hạt nhân và đầu tàu, là cực tăng trưởng của vùng.

"TP sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối, cũng như nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù phát triển vùng... TP cũng tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2030.

Trước mắt, phối hợp triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Mãi cho biết.

Nghị quyết 54: 5 năm thực hiện thì mất 2 năm tìm giải pháp triển khai

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ Quốc hội sáng 22-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay với nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM thì trong 5 năm thực hiện, TP mất 2 năm đầu loay hoay tìm kiếm giải pháp, sự phối hợp để triển khai, tiếp đó lại bị dịch COVID-19.

Điểm mấu chốt theo ông Mãi là sự chủ động, quyết liệt, đeo bám trong triển khai các chính sách đặc thù của TP.HCM chưa đủ nên khi mắc ở các bộ ngành thì TP dừng lại luôn. Cạnh đó sự vào cuộc của các bộ ngành chưa mạnh.

Nếu Quốc hội thông qua việc kéo dài thêm 1 năm thực hiện nghị quyết 54 sẽ giúp tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đang phát huy hiệu quả. TP sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế liên quan đến xử lý tài sản công, hoàn thiện thêm tiêu chí để thu hút nhân tài trong năm 2023...

Trong giai đoạn kéo dài thực hiện nghị quyết 54, ông Mãi nêu rõ TP sẽ song song xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế nghị quyết 54, không tạo ra khoảng trống về chính sách. "Tinh thần là cơ chế đặc thù sẽ đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn, phân cấp, phân quyền cho TP rõ nét hơn", ông Mãi nhấn mạnh.

T.LONG - C.NƯƠNG - T.CHUNG

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP đang hoàn thiện và xin ý kiến các bộ ngành đối với từng nội dung cụ thể. Dự kiến đầu tháng 11-2022, TP.HCM sẽ có báo cáo lần đầu lên Đảng đoàn Quốc hội về dự thảo nghị quyết để có các định hướng hoàn thiện thời gian tới. TP.HCM xác định tinh thần sớm hoàn thiện dự thảo nghị quyết để báo cáo Bộ Chính trị, làm cơ sở báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Các tỉnh tập trung 'điểm nhấn' nào?

DSC_446a1 4(Read-Only)

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được thi công hoàn thiện - Ảnh: ĐỨC TRONG

* Bình Dương: Phát triển hạ tầng kết nối vùng gắn với thu hút đầu tư

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho hay kinh nghiệm phát triển của địa phương trong những năm qua là "lộ thông tài mới thông", ý nói phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước mới phát triển được kinh tế xã hội.

Trong những năm qua, Bình Dương luôn chủ động kết nối vùng Đông Nam Bộ và hiện nay nhu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công trình kết nối vùng là rất quan trọng, để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể như để "đón đầu" dự án sân bay Long Thành mới, tỉnh Bình Dương phối hợp với tỉnh Tây Ninh làm cầu bắc ngang sông Sài Gòn, phối hợp với tỉnh Đồng Nai để làm cầu bắc ngang sông Đồng Nai.

Bình Dương cũng mở rộng quốc lộ 13 và các tuyến đường để kết nối với các tỉnh và sân bay. Dự án đường vành đai 3, 4 TP.HCM là công trình kết nối vùng quan trọng cũng đã được tỉnh chủ động bám sát quy hoạch, được cơ quan trung ương phê duyệt để thực hiện trước một phần qua địa bàn tỉnh và tiếp tục cùng với trung ương, các địa phương đầu tư hoàn thiện.

Các tuyến đường được mở mới không chỉ kết nối tạo sự thuận lợi cho giao thương đi lại, mà còn giải phóng nguồn lực hai bên mà đường đi qua, trong đó có các khu công nghiệp mới mở.

Một mặt địa phương luôn chủ động, nhưng mặt khác cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, không chỉ ở nguồn vốn mà còn cần có cơ chế chính sách để thu hút được nguồn lực của xã hội cùng tham gia.

* Đồng Nai: sân bay Long Thành

Ông Võ Tấn Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho hay tỉnh này xác định lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, hệ thống logistics khu vực vùng sân bay... nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ.

Không chỉ lợi thế đường bộ, hiện nay hệ thống giao thông đường sắt cũng được quy hoạch kết nối đến sân bay gồm tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Còn hệ thống cảng biển Đồng Nai cũng đã được quy hoạch gồm cảng biển Gò Dầu, Phú Hữu, Phước Khánh, Phước An để phục vụ tàu từ 30.000 - 60.000 DWT cập bến.

Để tận dụng lợi thế trên, tỉnh có chủ trương sẽ mời các nhà khoa học, các tập đoàn lớn và các nhân sĩ, trí thức góp ý cho việc quy hoạch vùng sân bay. Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng sân bay, tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án, góp phần xây dựng vùng xung quanh sân bay phải là đô thị sân bay bài bản, hiện đại...

* Tây Ninh: cửa khẩu kinh tế Mộc Bài

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, đề nghị trung ương quan tâm, đánh giá để xác định khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khu kinh tế trọng điểm, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Nam gắn liền với sự phát triển kinh tế và đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, thu hút nguồn lực các nhà đầu tư với khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Ngoài ra, Chính phủ có cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, mang tính kết nối vùng, tạo đột phá để khơi thông giao thông tại các cửa ngõ vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (như sớm khơi thông xây dựng cao tốc TP.HCM - Tây Ninh).

Về phía tỉnh Tây Ninh, sẽ triển khai kiên quyết thu hồi các dự án không còn khả thi, chưa đảm bảo về pháp lý theo quy định, các dự án chậm triển khai kéo dài tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

* Bình Phước: cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm. Trong đó có dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho hay trong bối cảnh điều kiện ngân sách tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương xem xét và hỗ trợ vốn ngân sách thêm 5.000 tỉ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022 dành cho tỉnh Bình Phước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc này. Qua đó, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn dự án từ 26 năm 6 tháng xuống còn 21 năm 9 tháng.

* Bà Rịa - Vũng Tàu: khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải

Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh đề xuất phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với trọng tâm là hình thành "khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ".

Đồng thời phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Trong đó, việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây dài gần 300km, kéo dài từ Mộc Bài (Tây Ninh) xuống Cái Mép (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ tạo ra lợi thế so sánh vượt trội so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Trước mắt trong năm 2023 tổ chức ký kết liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các địa phương trong vùng với TP.HCM. Đồng thời nghiên cứu tổ chức xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch chung các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

BÁ SƠN - H.MI - C.TUẤN - A.LỘC - Đ.HÀ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không cát cứ, không cục bộ để phát triển vùng Đông Nam Bộ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không cát cứ, không cục bộ để phát triển vùng Đông Nam Bộ

TTO - Chiều 14-7, làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng để phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ thì “không cát cứ, không cục bộ mà phải vì lợi ích của vùng”.

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên