Sáng 4-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 20 (mở rộng). Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng thấp
Phát biểu khai mạc, ông Nên yêu cầu hội nghị cần đánh giá đúng mức những khó khăn, hạn chế, yếu kém dẫn đến tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM chỉ đạt 0,7%.
"Vì sao TP.HCM chưa làm được một số nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, ví như đầu tư công hay tháo gỡ khó khăn liên quan tới doanh nghiệp. TP.HCM cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thời gian tới", ông Nên đề nghị.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phân tích sâu những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng TP.HCM quý 1-2023 thấp và dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong quý 2-2023 sẽ tiếp tục khó khăn.
Về mặt xã hội sẽ nổi lên khi người mất việc, ngừng việc cũng như giảm thu nhập tăng. Các loại hình tội phạm cũng sẽ nhiều hơn...
Trong khó khăn đó, ông Mãi cho biết TP.HCM phải tập trung làm tốt những việc đang có trong tay. Ví dụ để kích thích tăng trưởng, phải tập trung đầu tư công.
"Chúng ta phải làm nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ những cái có thể tháo gỡ được ngay để các dự án ngoài ngân sách có thể chạy", ông Mãi nhấn mạnh và cho biết trong tháng 4 và toàn bộ quý 2-2023, trước hết sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc về hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân.
Chất lượng công vụ chưa như mong muốn
Theo ông Mãi, ở TP.HCM hiện có một số hạn chế, vướng mắc. Trong đó việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính để làm sao các dự án, các công việc kinh doanh được nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Có tình trạng một vấn đề nhưng phải gửi qua gửi lại các sở nhiều lần, nhiều văn bản đi ra đi vào mà không giải quyết được vấn đề. Lần này thì lấy ý kiến, lần sau thì bổ sung ý kiến mất rất nhiều thời gian.
TP mong Thành ủy chỉ đạo các địa phương nâng cao năng lực quản lý, điều hành và trách nhiệm công vụ từng cán bộ, công chức. Mặt khác kiến nghị Thành ủy, đặc biệt là các lãnh đạo địa phương tập trung quan tâm công tác giải phóng mặt bằng. Theo số liệu năm 2023, lĩnh vực giao thông, TP có khoảng 50 dự án, với 100ha đất cần giải phóng mặt bằng.
"Nếu việc giải phóng mặt bằng được hoàn thành ở 6 tháng đầu năm, công việc phía sau rất thuận lợi. Có mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ làm dự án cũng là một hình thức giải ngân, nên rất mong đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho tốt", ông Mãi đề nghị.
"Rã băng" dần các dự án bất động sản "đóng băng"
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng cho hay đối với các nhóm doanh nghiệp, ngoài các vấn đề vướng mắc về đất đai như quy hoạch, xây dựng đầu tư, thủ tục về thuế, còn vấn đề về phòng cháy chữa cháy. Rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, nhà xưởng… đều vướng phòng cháy chữa cháy.
Việc này trách nhiệm gỡ vướng không chỉ Công an TP, mà còn thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an nên TP sẽ báo cáo tập trung giải quyết.
TP phấn đấu làm sao 90% dự án khối xây dựng và bất động sản đang đóng băng sẽ được "rã băng" từ từ. Từ đó giúp các ngành kinh doanh khác tạo công ăn việc làm và giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng.
"Ngày mai (ngày 5-4), lãnh đạo của các ngân hàng thương mại sẽ ngồi lại với Hiệp hội Doanh nghiệp TP để kết nối cụ thể các nội dung vướng mắc của các dự án. TP cũng sẽ cố gắng hằng tuần có danh mục các việc đã và đang giải quyết", ông Mãi cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận