Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói không ngờ tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 của TP.HCM xuống sâu như thế và gọi mức tăng trưởng 0,7% của TP trong quý 1-2023 là "trận thua đậm".
Còn TS Trần Du Lịch đánh giá tăng trưởng của TP.HCM lần đầu tiên xấu báo động ở mức "đèn đỏ", kể từ năm 1982 đến nay nhưng sẽ tốt dần lên trong các quý tới.
Có thể coi bốn quý trong năm như bốn trận đấu vòng loại, trong trận đầu tiên, TP đã thua đậm thì ba trận còn lại đều là những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất. Các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp cho quý 2 và những quý còn lại của năm, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Chấm dứt tình trạng sở này chờ sở kia, hoặc im lặng không trả lời. Sở nào không có ý kiến rõ ràng thì cũng cần báo cáo cho UBND TP. Tránh trường hợp đẩy qua sở khác, cùng một vấn đề mà văn bản chạy ra chạy vào một sở nhiều lần.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi
Đối thoại thẳng thắn tìm nguyên nhân kinh tế TP.HCM quý 1 tăng trưởng thấp
Nói về nguyên nhân mức tăng trưởng của TP.HCM thấp, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng kinh tế TP.HCM bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới.
Thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh...
Đáp lại, TS Trần Du Lịch lại thẳng thắn cho rằng: "Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa nêu thẳng được nguyên nhân".
Theo ông Lịch, sau đại dịch TP.HCM có ba công cụ làm động lực để kéo nền kinh tế phục hồi, phát triển nhưng TP chưa tận dụng được.
Trong đó, quý 1-2023, TP đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế khi chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn giao (43.443 tỉ đồng), tức khoảng 951 tỉ đồng.
Cùng với đó, TP cũng không sử dụng hiệu quả công cụ hấp thụ vốn cả ở đầu tư công và đầu tư tư nhân. Hàng trăm dự án hiện tắc nghẽn, không hấp thụ được vốn. Ngoài ra, công cụ phát triển thị trường nội địa cũng chưa được TP phát huy.
Chưa bao giờ tăng trưởng tổng thu dịch vụ bán hàng của TP thấp hơn cả nước như quý vừa qua. "Như vậy, vấn đề là cả ba trụ cột hay còn gọi là "liều thuốc" để thúc đẩy kinh tế, TP chưa được sử dụng hiệu quả", ông Trần Du Lịch phát biểu.
Trao đổi lại, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) - cho rằng nhận định của TS Trần Du Lịch về việc TP bỏ qua "vũ khí quan trọng nhất" là đầu tư công là chưa chính xác.
Thời gian qua TP đang đẩy nhanh giải quyết vướng mắc để giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Từ quý 2-2023, dự án đường vành đai 3 bước sang giai đoạn đặc biệt quan trọng là khởi công phần xây lắp và hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023, với vốn 23.000 tỉ đồng và cần giải ngân trong chín tháng.
"Trong 31.000 tỉ đồng cần giải ngân cho dự án hạ tầng chung trong năm nay, riêng 23.000 tỉ đồng của dự án đường vành đai 3 chiếm 80%. Phần lớn nguồn vốn này sẽ giải ngân trong quý 3 và quý 4. Dự kiến tỉ trọng giải ngân sẽ tăng dần từ quý 2", ông Phúc cho hay.
Đầu tư công là động lực quan trọng
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận sau năm 2021, TP đã bật dậy rất vững mạnh, đem lại nhiều kết quả.
Tuy nhiên khó khăn về kinh tế của TP như một "cơn bạo bệnh" và ông hỏi toàn TP, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị cơn bệnh này chưa?
Nói về giải pháp, TS Trần Du Lịch cho rằng tình hình quý 2, quý 3 sẽ khởi sắc hơn và TP cần phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong đó điểm quan trọng là phải giữ các động lực vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Theo ông Lịch: "TP hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm nghẽn. Bên cạnh đó, TP phải công khai minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có niềm tin, TP sẽ phát triển được".
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu phải đẩy nhanh đầu tư công để thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách. Các ban chiếm tỉ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm, các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết.
Với các dự án trọng điểm, cần có giao ban hằng tuần, thậm chí hằng ngày với một số khoảng thời gian cụ thể để cập nhật được các khó khăn vướng mắc, phối hợp giải quyết...
Các sở, ngành, đơn vị tập trung củng cố các tổ công tác đầu tư công và chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND TP sắp tới để phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023.
Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ việc làm...
Mặt khác thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thúc đẩy thương mại dịch vụ. Các sở, ngành tổng hợp lại những dự án đang vướng, phối hợp với đơn vị liên quan để cùng gỡ. Nếu dự án vướng hơn nữa thì tập hợp lại, báo cáo với Thường trực UBND TP để giải quyết.
"Trong thời gian tới, TP sẽ tập trung giải quyết các kiến nghị cơ bản của doanh nghiệp. Trong 141 kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước, TP.HCM cố gắng giải quyết dứt điểm trong tháng 4", ông Mãi nói.
Chấm dứt tình trạng sở này chờ sở kia
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận dù nỗ lực nhiều nhưng kết quả quý 1 chưa như mong muốn.
Chủ tịch UBND TP cũng "điểm mặt" một số sở tồn đọng nhiều văn bản như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP.
Từ đó đề nghị các đơn vị này phải có sự rà soát, phân nhóm cụ thể. Trong tháng 4 phải công bố trên trang web của từng đơn vị và phải thông báo, báo cáo về UBND để rà soát các dự án đang nằm lại, nỗ lực để tháo gỡ cho các dự án chạy, kể cả dự án công và tư.
Vì vậy, TP phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong quý 2 và thời gian sắp tới. "Khối lượng công việc tồn đọng lớn, nhiệm vụ phát sinh lớn thì TP phải làm việc với cường độ cao hơn, năng suất cao hơn, phải làm việc với tinh thần thi đua.
Do đó, TP cần rà soát lại công việc, đôn đốc tiến độ và động viên nhau thực hiện các kế hoạch này", ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Mãi yêu cầu các đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quyết liệt hành động, tập trung rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách của mình.
Người đứng đầu chính quyền TP đề nghị giải quyết công việc theo ba nhóm. Nhóm có thể giải quyết được ngay, cần giải quyết trong thời hạn quy định.
Nhóm việc cần có sự phối hợp với các cơ quan khác, cần chủ động phối hợp, đeo bám và cơ quan nào không có ý kiến là coi như đồng ý, không phải chờ trả lời. Cuối cùng là nhóm các công việc còn vướng mắc phải báo cáo UBND để có ý kiến xử lý.
* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Khơi thông chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp
Trong các ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM, kinh doanh bất động sản tăng trưởng âm đến 16,2% so với cùng kỳ 2022. Mức độ sụt giảm nghiêm trọng của ngành bất động sản, ngành vật liệu xây dựng là báo động đỏ, gián tiếp tạo nên sự sụt giảm tăng trưởng của TP.
Do đó, cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo các nguyên nhân để có các giải pháp đồng bộ, giúp khôi phục các hoạt động kinh tế, nhất là lĩnh vực có vai trò quan trọng như bất động sản.
Thứ nhất, những vướng mắc về mặt pháp lý cần phải có các giải pháp tháo gỡ nhanh thông qua việc sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư trong khi chờ sửa luật.
Thứ hai, các doanh nghiệp khó khăn muốn chuyển nhượng dự án thì cần có các chính sách, cơ chế để doanh nghiệp được tự do chuyển nhượng. Cụ thể là khi doanh nghiệp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cần xem xét cơ chế cho doanh nghiệp chuyển nhượng, các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến đất đai sẽ do doanh nghiệp mua lại nộp, Nhà nước không lo chịu thiệt.
Thứ ba, hiện có quá nhiều dự án treo, không triển khai được, do đó TP cần thúc đẩy giải quyết nhanh các vướng mắc, trong đó có 156 dự án mà hiệp hội đã báo cáo.
Thứ tư, cần phải thúc đẩy hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực lan tỏa với vai trò là "vốn mồi" cho nền kinh tế. Vấn đề quan trọng nữa là cần tiếp tục sửa đổi các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn, khơi thông thị trường trái phiếu...
N.HIỂN
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách):
Cần các cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM
Khó khăn của TP.HCM trong ba tháng đầu năm 2023 đã được dự báo từ cuối năm 2022, nguyên nhân chính là do TP có mức độ hội nhập sâu rộng nhất, các tác động của tình hình kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh đến TP.
Bên cạnh đó, TP cũng gặp vướng trong các nút thắt về hạ tầng, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa được tháo gỡ.
Khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, thanh khoản của thị trường tín dụng cũng tác động làm giảm sâu tốc độ tăng trưởng của "thị trường tài chính lớn nhất" so với bình quân chung của cả nước.
Khó khăn của TP.HCM - "đầu tàu kinh tế" - cũng chính là những vấn đề, thách thức lớn đặt ra với kinh tế đất nước. Nếu TP.HCM vượt qua được sẽ giúp đất nước có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
Trong thời gian tới, cần thiết phải có những giải pháp mạnh mẽ để giải quyết những vướng mắc của TP. Trong đó, rất nhiều công trình đầu tư công lớn đang chậm trễ nhiều năm, rất sốt ruột như dự án đường sắt đô thị số 1 hay một số dự án các tuyến đường vành đai, cao tốc...
Cần có cơ chế để thúc đẩy các dự án này triển khai đảm bảo tiến độ, đúng yêu cầu. Khi các dự án được triển khai đảm bảo sẽ giúp việc giải ngân vốn đầu tư công tăng lên, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Cần sớm có các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, cởi mở để tạo sự chủ động cho TP giải quyết các khó khăn vướng mắc, năng động trong triển khai công việc. Việc cứ suốt ngày xin ý kiến, chờ đợi trung ương quyết rồi mới chuyển lại làm chậm việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Hiện nay, việc xây dựng nghị quyết thay thế nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đang được đề xuất đưa vào kỳ họp thứ 5 của Quốc hội để xem xét, thông qua.
Việc này thực hiện được sớm sẽ có tác dụng rất lớn, tạo điều kiện cho TP phát triển. Khi có đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách sẽ giúp TP lấy lại được vị trí "đầu tàu" của mình.
* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội):
Triển khai quyết liệt các dự án để tăng giải ngân đầu tư công
Việc TP.HCM tăng trưởng quá thấp quý 1-2023 và tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 2% là quá bất thường, quá thấp. Bên cạnh chính sách chung thì rõ ràng đang có những vướng mắc, bất cập trong nội tại từ công tác quản trị, điều hành của TP.
Do đó, thời gian tới, chính TP phải xem xét rõ những nguyên nhân dẫn đến việc này để đưa ra hướng giải quyết.
Cần thúc đẩy các biện pháp trong chỉ đạo, điều hành, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, bộ phận, ban ngành bên cạnh việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Trong đó, phải thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp quyết liệt để triển khai các dự án, nhất là về hạ tầng như dự án đường vành đai 3, các đường kết nối...
Khi đầu tư công vận động tốt sẽ thúc đẩy, mở cửa cho các thị trường khác. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thu hút, tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.
THÀNH CHUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận