20/03/2024 10:55 GMT+7

Bí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế: Con người phòng thủ thế nào trước 'bom' thiên thạch?

Chiến tranh hạt nhân xảy ra hay không là tùy ngón tay con người ấn nút. Nhưng hiểm họa thiên thạch tấn công Trái đất dù nguy cơ rất nhỏ và có thể còn rất lâu nữa thì hoàn toàn do "ông trời" quyết định, chứ không phải do con người.

Con người đã có tên lửa bắn tiểu hành tinh nhưng chưa thể chắc chắn hiệu quả an toàn - Ảnh: Daily Express

Con người đã có tên lửa bắn tiểu hành tinh nhưng chưa thể chắc chắn hiệu quả an toàn - Ảnh: Daily Express

Lịch sử hành tinh này đã hứng không biết bao nhiêu "bom" thiên thạch tàn phá, kể cả đến cấp độ làm tuyệt chủng như thời đại khủng long cách đây hơn 60 triệu năm.

Khoa học hiện đại đã chứng minh một thiên thạch dù chỉ nhỏ tương đương sân bóng cũng có sức hủy diệt gấp hàng trăm, hàng ngàn lần hai trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật năm 1945, và sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều nếu "quả bom" từ vũ trụ đó là tiểu hành tinh...

Vậy nhân loại có vũ khí gì cho ngày X đó?

Mối nguy từ vũ trụ

Đầu tiên, phải khẳng định lại rằng nguy cơ thiên thạch từ vũ trụ va chạm Trái đất với mức độ hủy diệt có xác suất vô cùng nhỏ và có thể còn rất xa xôi nữa. Nhân loại ngày nay không có gì phải quá lo sợ về vấn đề này.

Tuy nhiên, các chương trình cấp chính phủ và cơ quan khoa học nghiên cứu biện pháp phòng thủ hành tinh lại là điều rất cần thiết, thậm chí đến mức sinh - tử và không còn sớm sủa gì nữa. Bởi từ lý thuyết nghiên cứu đi đến thực hiện là một chặng đường rất dài, rất khó khăn và không loại trừ nguy cơ thất bại như nhiều dự án của con người nghiên cứu vũ trụ.

Theo ông Dmitry Badyukov - lãnh đạo Phòng thí nghiệm hóa học vũ trụ và khí tượng, Học viện Khoa học Nga - mỗi năm có khoảng 55 tấn thiên thạch lao vào Trái đất, nhưng 35 - 40 tấn trong số đó rơi xuống các vùng biển và 10 - 15 tấn thiên thạch rơi xuống mặt đất. Điều may mắn là hầu hết số thiên thạch đều nhỏ và bị bốc cháy khi vào bầu khí quyển Trái đất nên không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho loài người.

Chỉ có một số rất ít thiên thạch đã gây thiệt hại rõ ràng, như cách đây 11 năm, một thiên thạch lớn đã xuyên qua bầu khí quyển Trái đất và phát nổ trên lãnh thổ Chelyabinsk vào năm 2013.

Nó được các cơ quan khoa học xác nhận là vật thể không gian lớn nhất đã va chạm vào Trái đất trong thế kỷ 20 và 21, và thiên thạch được đặt tên Chelyabinsk, địa danh va chạm. Khi đi qua bầu khí quyển Trái đất, thiên thạch này đã gây ra một vụ nổ lớn ở cao độ 30km, bùng ra năng lượng gấp khoảng 300 lần trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hirosima, Nhật năm 1945, đồng thời bắn ra nhiều mảnh vỡ rơi xuống khu vực rộng lớn vùng Chelyabinsk, Liên bang Nga.

Trong đó, mảnh vỡ lớn nhất với đường kính khoảng 17m đã va chạm mặt đất ở ngoại ô hồ Chebarkul, cách Chelyabinsk 78km về phía Tây. Khoảng 7.300 tòa nhà đã bị hư hại và nhiều người bị thương bởi các mảnh vỡ thiên thạch và sóng nổ. May là vùng này thưa thớt dân cư.

Trong lịch sử Trái đất, vụ va chạm của thiên thạch Chelyabinsk vào Liên bang Nga chỉ là một trong hàng ngàn vụ tương tự đã được lịch sử ghi nhận vẫn còn dấu vết ở khắp nơi trên thế giới.

Và tất nhiên, trong tương lai, mối nguy này vẫn tiếp tục, mặc dù các nhà khoa học dự báo viễn cảnh về một vụ va chạm lớn gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng còn rất xa xôi, trong khi nhân loại cũng đang ráo riết nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ mình.

Hình ảnh mô phỏng Trái đất bị tiểu hành tinh va chạm - Ảnh: NASA

Hình ảnh mô phỏng Trái đất bị tiểu hành tinh va chạm - Ảnh: NASA

Phòng thủ Trái đất

Tại hội nghị Phòng thủ hành tinh 2019 diễn ra ở Maryland (Mỹ), tiến sĩ Jim Bridenstine, nhà khoa học hàng đầu của NASA, đã cảnh báo: "Trái đất hiện đang đối diện với mối đe dọa từ ngoài vũ trụ".

Tuy nhiên, cảnh báo của ông không phải là "cam chịu định mệnh nhân loại" mà được phân tích trong một hội nghị tổ chức để các nhà khoa học bàn thảo về các cách thức bảo vệ hành tinh chống lại nguy cơ "bom" thiên thạch.

Hội nghị này được diễn ra thường xuyên với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các quốc gia như là thao dượt phòng thủ hành tinh. 

Ngoài nội dung bàn thảo về phát triển các phương pháp chống lại tác động có thể xảy ra từ vật thể ngoài vũ trụ, hội nghị cũng bàn về các kế hoạch sơ tán khẩn cấp quy mô lớn.

Tiến sĩ Bridenstine khẳng định: "Các nhà khoa học bàn về nỗ lực cuối cùng để bảo vệ Trái đất, hành tinh duy nhất đến nay được biết là có sự sống trong vũ trụ".

Trong một kịch bản mô phỏng, các nhà khoa học NASA đã cố gắng nhưng không thành công trong việc ngăn chặn một thiên thạch đâm vào Trái đất. Tình huống là thiên thạch sẽ hướng về New York, buộc siêu thành phố đông dân của Mỹ phải sơ tán dân cư.

Cuối cùng, khi ngày X phải đến ở một năm nào đó và Trái đất không thể tránh khỏi vụ va chạm từ vật thể ngoài vũ trụ, thì nhân loại sẽ có những vũ khí gì để tự vệ cho sự sinh tồn của mình?

Đến thời điểm này, NASA đang nghiên cứu nhiều cách thức để làm chệch hướng hoặc giảm bớt thiệt hại khi chúng va chạm với Trái đất:

* Tàu kéo chuyển hướng tiểu hành tinh

Vấn đề quan trọng nhất ở phương án này là phải phát hiện chính xác thiên thạch hay tiểu hành tinh sớm hàng thập niên nếu chúng gây nguy hại cho Trái đất.

Thời gian dài cần thiết để khoa học hiểu biết chính xác về vật thể và nghiên cứu kỹ thuật, phương tiện có thể làm chệch hướng chúng như chế tạo con tàu vũ trụ đặc biệt để "kéo" chúng ra khỏi quỹ đạo bay ảnh hưởng đến Trái đất.

Phương án này có thể mất hàng thập niên để chuẩn bị và tốn kém rất nhiều, cần sự hợp tác liên quốc gia phát triển khoa học vũ trụ như Mỹ, Nga, châu Âu, Trung Quốc.

* Thiêu đốt thiên thạch

Về cơ bản thì giống như vũ khí laser đang được phát triển. Về lý thuyết, khoa học nhân loại có thể dùng "súng" laser để thiêu đốt những thiên thạch như Chelyabinsk, biến nó từ chất rắn thành chất khí ít ảnh hưởng đến Trái đất.

Tuy nhiên, phương án này vẫn cần phải phát triển đội tàu vũ trụ để tiếp cận thiên thạch hay tiểu hành tinh mà phá hủy chúng trong phạm vi an toàn cho Trái đất từ xa. Cũng như phương án dùng tàu "kéo", cách thiêu đốt này cũng mới chỉ là lý thuyết nghiên cứu, hiện nay khoa học nhân loại chưa có khả năng thực hiện, và cần nhiều năm nữa để làm được điều đó.

* Bắn chệch quỹ đạo

Giải pháp gần tầm tay nhất của khoa học nhân loại hiện nay là sử dụng thiết bị va chạm động học, như bắn tên lửa làm vỡ thiên thạch hay làm lệch đường bay của tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm Trái đất. Cơ bản thì con người đã có loại tên lửa này, nhưng hiệu quả đến đâu thì vẫn cần thí nghiệm.

Ngoài tên lửa bắn phá, cũng có thể sử dụng tàu vũ trụ không người lái làm nhiệm vụ tương tự. Một dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) về đánh giá tác động và làm chệch hướng thiên thạch (AIDA) đã được bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Tuy nhiên, chính các nhà làm phim viễn tưởng mới là người tiên phong "bắn phá" tiểu hành tinh, dù họ... thực hiện trên màn ảnh.

* Nổ hạt nhân

Như là vũ khí tự vệ cuối cùng của nhân loại, phương án gây nổ hạt nhân với thiên thạch hay tiểu hành tinh được đánh giá là có thể thực hiện và con người đã sở hữu phương tiện, tức vũ khí hạt nhân.

Từ năm 1967, Viện Công nghệ Massachusetts đã lần đầu nghiên cứu công khai về phương pháp này với tên gọi dự án là Icarus. Nghiên cứu đề xuất NASA sẽ phóng sáu tên lửa Saturn có đầu đạn hạt nhân. Tên lửa đầu tiên sẽ phóng trúng tiểu hành tinh cách vụ va chạm với Trái đất 13 ngày, tên lửa thứ hai cách 10 ngày, và cứ thế tiếp tục. Nghiên cứu trong dự án thì có 71% khả năng bảo vệ Trái đất hoàn toàn thoát khỏi thảm họa và 86% giảm thiệt hại vụ va chạm.

Đây là dự án phòng thủ hành tinh mà con người đã có vũ khí trong tay, nhưng thực tế hiệu quả vẫn là trên nghiên cứu.

Trong tất cả kịch bản Trái đất bị "bom" thiên thạch hay nghiêm trọng hơn là tiểu hành tinh va chạm, các nhà khoa học đều khẳng định việc quan sát để phát hiện sớm nguy cơ là cực kỳ quan trọng để có giải pháp. Họ hy vọng sẽ phát hiện sớm 90% các tiểu hành tinh có kích thước từ 140m trở lên bằng kính viễn vọng khảo sát quy mô lớn ở Chile.

Bí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 7: Kho báu nhân loại dưới hầm mỏ Bắc CựcBí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 7: Kho báu nhân loại dưới hầm mỏ Bắc Cực

Trước mối đe dọa tiềm tàng về thiên tai và chiến tranh thế giới, cần phải tìm cách lưu giữ những thành tựu quý giá nhất của nhân loại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên