01/08/2022 06:30 GMT+7

Bị đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày khác ra sao với cách ly nhiễm COVID-19?

XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU
XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU

TTO - Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế nêu: trường hợp nghi ngờ và xác định phải cách ly tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày. Thông tin này khiến nhiều người lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo như đợt dịch COVID-19.

Bị đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày khác ra sao với cách ly nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Người nhiễm COVID-19 cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (TP.HCM) vào đầu tháng 12-2021 - Ảnh: XUÂN MAI

Vậy cách ly tại cơ sở y tế giữa bệnh đậu mùa khỉ và dịch COVID-19 vừa qua có gì khác nhau?

Rất khó có khả năng lây nhiễm chéo

Trước thông tin quy định người nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ phải cách ly tại cơ sở y tế, bạn đọc tên N.N. nêu ý kiến: "Cách ly tại cơ sở y tế chắc chắn là không khả quan, càng dồn ép nhiều người bệnh vào một chỗ thì nguy cơ trở nặng sẽ càng cao và sẽ dẫn đến quá tải toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe như đợt dịch COVID-19 vừa rồi".

Xoay quanh vấn đề này, một chuyên gia kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đánh giá khả năng bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam là có, tuy nhiên không phải nguy cơ cao, trong khi bệnh đậu mùa khỉ là bệnh khó lây.

"Bộ Y tế đã hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ rất rõ, với những trường hợp nghi nhiễm là những trường hợp có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng và được cơ sở y tế xác định có khả năng nhiễm bệnh thì sẽ được cách ly y tế.

Cụ thể, những trường hợp có nốt nghi nhiễm (có thể là bệnh tay chân miệng, sốt phát ban, thủy đậu...) sẽ được cơ sở y tế lấy mẫu để xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Trong quá trình chờ đợi xét nghiệm và theo dõi, những người nghi nhiễm sẽ cách ly tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh hoặc trung ương trong vòng 14 ngày", vị này thông tin.

Là một trong những thành viên tham gia soạn thảo hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - thông tin khu vực cách ly người nghi ngờ hay mắc đậu mùa khỉ tại các cơ sở y tế sẽ tách biệt với các khoa, phòng khác.

Trong khu vực này cũng sẽ chia thành hai khu nhỏ riêng biệt cho người nghi ngờ và người đã mắc đậu mùa khỉ. "Dù mức độ lây bệnh đậu mùa khỉ thấp hơn nhiều so với COVID-19 nhưng điều này giúp phòng tránh lây nhiễm ở mức cao nhất", bác sĩ Tiến nói.

Tương tự, một chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn cho rằng việc cách ly những người có triệu chứng, nghi nhiễm là điều cần thiết đối với bệnh đậu mùa khỉ mới xuất hiện. Theo vị này, đậu mùa khỉ là một trong những bệnh truyền nhiễm khó lây nhiễm hơn so với các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp khác như COVID-19, cúm... Vì vậy, việc cách ly các trường hợp nghi nhiễm khó có khả năng lây nhiễm chéo.

Bị đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày khác ra sao với cách ly nhiễm COVID-19? - Ảnh 2.

Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương - Ảnh: CNN

Phải phù hợp với mức độ của dịch bệnh

Chuyên gia kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cho biết thêm, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua giọt bắn lớn, tiếp xúc da kề da, môi kề môi, tiếp xúc với vết thương hở và lây qua đường tình dục.

Nếu chỉ cách ly ở cùng một không gian thì rất khó để lây nhiễm chéo bệnh. Bên cạnh đó, ca nhiễm trên cả thế giới hiện nay vẫn ở mức thấp, không nhiều như COVID-19. Việc cách ly trường hợp nghi nhiễm nhằm đảm bảo khống chế tốt dịch bệnh, hạn chế việc lây lan cho người thân của người bệnh. Vì vậy, khi có triệu chứng người dân nên cách ly để đảm bảo an toàn cho người thân - những người tiếp xúc gần gũi nhất.

"Như vậy, nếu ca nhiễm xuất hiện tại Việt Nam cũng chỉ ở mức thấp, ít có khả năng phải cách ly đông như phòng chống dịch COVID-19 trước đó. Vì vậy, người dân không cần quá lo lắng về việc phải cách ly theo dõi bệnh", vị này nhận định.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, hướng dẫn cách ly người nghi ngờ và mắc bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở y tế là hợp lý, tuy nhiên nếu bắt buộc phải cách ly là không nên.

Ông dẫn chứng thêm thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ chỉ khuyến cáo, chứ không bắt buộc cách ly tại nhà đối với người mắc, nghi mắc đậu mùa khỉ vì không khả thi cho mọi trường hợp.

"Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh đậu mùa khỉ chưa phải là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nên cơ sở y tế không có quyền bắt buộc cách ly người bệnh. Điều này cũng phù hợp theo nguyên lý y tế công cộng là biện pháp phòng bệnh phải phù hợp với mức độ nguy hiểm. Nếu bắt buộc yêu cầu cách ly có thể dẫn đến tình trạng những người thực sự mắc bệnh hoặc nghi ngờ sẽ ngại đến các cơ sở y tế khám, làm bệnh nặng hơn, khả năng lây nhiễm cao hơn", PGS Dũng phân tích.

Dù khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ đã được đánh giá là thấp hơn COVID-19, nhưng nếu trong cộng đồng ghi nhận nhiều ca mắc, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến cũng cho rằng việc triển khai các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ phải phù hợp với tình hình dịch bệnh và thực hiện theo tuần tự: cách ly tại bệnh viện, khi số ca tăng thì mở rộng cách ly tại bệnh viện dã chiến, khu cộng đồng và cuối cùng là tại nhà.

"Trong tình huống ghi nhận những ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên mà chúng ta cho cách ly tại nhà thì có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, không tuân thủ biện pháp phòng lây nhiễm, dẫn đến lây bệnh cho những người xung quanh, trong cộng đồng. Còn tại bệnh viện, người bệnh sẽ được cách ly chuyên nghiệp, an toàn hơn; đồng thời có đội ngũ y bác sĩ theo dõi sức khỏe thường xuyên", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Bị đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày khác ra sao với cách ly nhiễm COVID-19? - Ảnh 3.

Vết rộp đậu mùa khỉ - Ảnh: BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Sẹo rỗ, biến chứng không mong muốn

Theo báo cáo từ các nhà khoa học châu Phi, các đợt bùng phát ở châu Phi vừa qua, nhiều bệnh nhân gặp biến chứng như sẹo rỗ, sẹo biến dạng, sẹo lồi nhiễm vi khuẩn thứ phát, viêm phế quản phổi, suy hô hấp, viêm giác mạc, loét giác mạc, mù lòa, nhiễm trùng máu và viêm não. Tỉ lệ tử vong từ 1-10%, với tỉ lệ cao nhất xảy ra ở trẻ em và những người không được tiêm chủng.

Giống như bệnh đậu mùa, virus đậu mùa khỉ nhân lên trong mô bạch huyết, nó làm bệnh nhân có triệu chứng nổi hạch toàn thân, tập trung ở cổ, nách, bẹn nhiều hơn.

Những tổn thương lan đến lớp biểu bì, nơi các tế bào bị sưng lên cuối cùng tăng kích thước đến mức vỡ màng tế bào da, tạo ra tổn thương mụn nước, mụn mủ, cuối cùng tiêu tan dẫn đến sự đóng mày và tróc vảy.

Tiến sĩ Dennis Hruby, giáo sư về vi sinh vật học tại Đại học bang Oregon, giải thích: "Hàng nghìn tổn thương trên da là điều mà không ai muốn trải qua, và khi những vảy đó rơi ra, chúng sẽ để lại sẹo, tổn thương sâu tới lớp hạ bì nên khi lành sẽ để lại sẹo trên da".

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Lưu ý đường lây nhiễm đậu mùa khỉ từ người sang người

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác.

WHO cho biết người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm cho người khác trong thời gian có triệu chứng, thông thường là từ 2 đến 4 tuần. Hiện tại các đường lây nhiễm đậu mùa khỉ như sau:

- Đường trực tiếp: Virus đậu mùa khỉ chứa nhiều trong dịch tiết của cơ thể người bệnh như nước bọt, dịch phế quản, máu, mủ từ các nốt đậu trên da, các nốt ban, các vảy tróc ra từ nốt đậu. Người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Thịt động vật hoang dã không nấu chín cũng là nguồn lây trực tiếp từ động vật sang người.

- Đường gián tiếp: Quần áo, mùng mền, chiếu gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như chén đũa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

- Đường từ mẹ sang con: Virus cũng có thể lây từ người đang có thai sang bào thai qua nhau thai, hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh, do tiếp xúc trực tiếp da với da.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Chuyên gia CDC Mỹ: Việt Nam đủ kinh nghiệm ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ Chuyên gia CDC Mỹ: Việt Nam đủ kinh nghiệm ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

TTO - Theo giám đốc quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của CDC Mỹ, lực lượng chuyên môn của Việt Nam đủ khả năng chuẩn bị, ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ vì đã làm những điều này rất tốt trong dịch COVID-19.

XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên